Tác động của các lệnh trừng phạt đối với Nga sau 4 tháng

Các nhà hoạch định chính sách phương Tây đang đánh giá tác động kinh tế của các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sau xung đột ở Ukraine, cân nhắc khả năng gia tăng sức ép đối với Moskva bằng các lệnh trừng phạt mới.

Chú thích ảnh
Xung đột Nga - Ukraine đã dẫn đến việc phương Tây áp đặt nhiều lệnh trừng phạt nhằm vào Moskva. Ảnh: Reuters

Phương Tây đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt tài chính, thương mại và du lịch đối với Nga bắt đầu từ cuối tháng 2/2022 để phản ứng với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Sau 4 tháng quan sát và dữ liệu, các nhà hoạch định chính sách phương Tây đang đánh giá tác động kinh tế của các lệnh trừng phạt, cân nhắc khả năng gia tăng sức ép đối với Moskva bằng các lệnh trừng phạt mới và xem xét cách thức các lệnh trừng phạt có thể góp phần chấm dứt xung đột hay không.

Những tác động ngắn hạn và dài hạn

Theo Gerard DiPippo, nhà nghiên cứu cấp cao tại Chương trình Kinh tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), tác động tài chính ngắn hạn của các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Nga là rất đáng kể nhưng dường như đã suy giảm kể từ tháng 5 năm nay.

Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) ưu tiên ổn định tỷ giá hối đoái sau làn sóng trừng phạt đầu tiên, trong đó có việc đóng băng khoảng một nửa dự trữ quốc tế của CBR. CBR đã tiến hành các biện pháp kiểm soát vốn và tăng lãi suất. Đồng rúp đã giảm hơn 40% so với đồng USD ngay sau khi chiến dịch quân sự của Nga nhưng sau đó tăng lên trên mức trước xung đột vào cuối tháng 4. Đến giữa tháng 6, tỷ giá và thanh khoản khu vực ngân hàng đã trở lại mức trước xung đột.

Hầu hết các nhà dự báo đều kỳ vọng GDP của Nga sẽ giảm khoảng 10% trong năm nay và 1,5% trong năm tới. Chỉ số giá tiêu dùng chính thức của Nga đã tăng gần 11% từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 5. Kể từ đó, nó gần như đi ngang, có thể một phần là do đồng rúp mạnh lên đã giúp duy trì chi phí nhập khẩu ở mức thấp, ngay cả khi có thiếu hụt. Các chỉ số của nhà quản lý mua hàng cho thấy khu vực dịch vụ của Nga đã giảm mạnh trong tháng 3 và tiếp tục giảm nhẹ tính đến tháng 5, lĩnh vực sản xuất ghi nhận mức giảm ít hơn trong tháng 3 và dường như đã tăng trở lại vào tháng 5.

Giảm khả năng tiếp cận với các công nghệ nhập khẩu, kết hợp với sự rút lui của các công ty nước ngoài và lao động có tay nghề cao của Nga, theo ông DiPippo, sẽ là những tác động lâu dài đối với nền kinh tế Nga. Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố rằng xuất khẩu chip toàn cầu sang Nga giảm 90%, với 38 quốc gia áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Nhiều công ty nước ngoài đang cắt giảm hoạt động hoặc rời khỏi Nga, ngay cả khi không được yêu cầu về mặt pháp lý. Trường Đại học Yale, theo dõi hơn 1.350 công ty nước ngoài ở Nga, ước tính rằng tính đến giữa tháng 6, 12% trong số này đang thu hẹp hoạt động, 35% tạm ngừng hoạt động và 24% đã tuyên bố sẽ rút lui hoàn toàn.

Nga đã không báo cáo dữ liệu thương mại kể từ tháng 1/2022, nhưng thặng dư tài khoản vãng lai của nước này - bao gồm thương mại hàng hóa và dịch vụ cộng với thu nhập của Nga - đã đạt mức kỷ lục 110 tỷ USD từ tháng 1 - 5/2022. Điều này phản ánh giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng lên kết hợp với giảm nhập khẩu. Dữ liệu từ các đối tác thương mại cho thấy nhập khẩu của Nga đã giảm mạnh trong tháng 3 và tháng 4.

Điều này đang ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp, bao gồm cả thiết bị quân sự, và sự gián đoạn có thể sẽ gia tăng do lượng dự trữ các bộ phận nhập khẩu cạn kiệt. Dữ liệu sản xuất chính thức của Nga cho thấy sự thu hẹp khiêm tốn trong tháng 4 nhưng với sản lượng ô tô giảm 85% so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh sự thiếu hụt đầu vào từ nước ngoài.

Trong khi các lệnh trừng phạt đóng băng hầu hết các tài sản ở nước ngoài của Nga, Moskva vẫn tiếp tục nhận được nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng của mình. Doanh thu từ dầu và khí đốt chiếm 47% doanh thu cả nước từ tháng 1 - 5 năm nay, mặc dù sản lượng dầu của Nga đã giảm trong tháng 4. Tuy nhiên, doanh thu từ dầu khí đã tăng 80%. Nga vẫn đang kiếm được khoảng 1 tỷ USD mỗi ngày từ doanh thu xuất khẩu từ dầu và khí đốt, khoảng một nửa trong số đó chảy trực tiếp vào kho bạc của Nga. Trong khi đó, dữ liệu tài khóa của Nga cho thấy Moskva đã chi 325 triệu USD mỗi ngày cho chi tiêu quân sự vào tháng 4.

Chú thích ảnh
Bất chấp các lệnh trừng phạt, Nga vẫn bảo đảm được nguồn thu từ khí đốt và dầu mỏ. Ảnh: TASS

Nguồn thu từ dầu và khí đốt làm giảm nhu cầu của Moskva trong khai thác các nguồn tài nguyên nội địa khác để tạo nguồn thu. Xuất khẩu năng lượng giảm sẽ không ảnh hưởng đến tình hình tài khóa của Moskva, vì bảng cân đối kế toán của Chính phủ Nga đang có khoản nợ công là 284 tỷ USD, tương đương 16% GDP năm 2021.

Các biện pháp trừng phạt đã chặn Chính phủ Nga vay nợ trên thị trường quốc tế, nhưng - mặc dù có thông tin về khả năng xảy ra vỡ nợ trái phiếu có chủ quyền của Nga - Moskva đã không dựa vào vay nợ bên ngoài ngay cả trước xung đột. Chính phủ Nga đã có 62 tỷ USD nợ nước ngoài vào năm ngoái, chỉ một phần ba trong số đó là nợ bằng ngoại tệ. Trên hết, Quỹ tài sản quốc gia của Nga, nơi được đảm bảo bằng nguồn thu lớn từ dầu và khí đốt, có trị giá gần 200 tỷ USD, một nửa trong số đó là tài sản bằng đồng rúp, đồng nhân dân tệ hoặc vàng có thể sử dụng được.

Phản ứng của các nước khác với lệnh trừng phạt

Trong khi các nền kinh tế tiên tiến ở phương Tây phần lớn ủng hộ các lệnh trừng phạt, các nền kinh tế thị trường đang phát triển hoặc mới nổi nhìn chung phản đối chúng, ngay cả khi họ phản ứng về mặt ngoại giao đối với với chiến dịch quân sự của Nga. Tuy nhiên, cho đến nay có rất ít dấu hiệu về các hành vi vi phạm lệnh trừng phạt, bao gồm cả từ các công ty Trung Quốc, vì các công ty ở các nước thứ ba lo ngại bị áp đặt các lệnh trừng phạt thứ cấp. Các ngân hàng, chẳng hạn như ở Ấn Độ, đã thận trọng trong việc giao dịch với các ngân hàng Nga bị trừng phạt, ngay cả khi thương mại năng lượng được cho phép.

Trung Quốc - đối tác thương mại hàng đầu của Nga năm ngoái - đã báo cáo mức giảm 42% xuất khẩu sang Nga tính theo đồng USD từ tháng 3 - 5 so với ba tháng trước đó. Các nền kinh tế thị trường mới nổi lớn khác cũng đang có xu hướng giảm tương tự, ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ, nơi xuất khẩu phục hồi sang Nga trong tháng 4.

Một số quốc gia có thể đang giao dịch với Nga bằng đồng tiền riêng của họ để tránh đồng USD, nhưng những thỏa thuận như vậy rất khó quản lý vì thanh khoản hạn chế, biến động tỷ giá hối đoái và lo ngại về các lệnh trừng phạt thứ cấp. Ngân hàng Sberbank hồi đầu tháng này đã đình chỉ thanh toán bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và đang gặp khó khăn trong việc xử lý các giao dịch bằng đồng rupee của Ấn Độ. Ấn Độ được cho là đã gia hạn đề xuất giao dịch thương mại với Nga bằng đồng rupee để tránh các lệnh trừng phạt bằng đồng USD khi Ấn Độ tiếp tục mua dầu và vũ khí của Nga. 

Trung Quốc và Ấn Độ là hai khách hàng chính mua dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga mà lẽ ra chúng được xuất khẩu đến châu Âu. Gần một nửa lượng dầu của Nga trên các tàu chở dầu hiện nay được chuyển đến châu Á, và tổng lượng dầu xuất khẩu đường biển của Nga vẫn ổn định. Các nhà nhập khẩu đang tận dụng mức chiết khấu 35 USD/thùng đối với dầu thô của Nga, bù đắp cho sự gia tăng giá dầu toàn cầu kể từ khi xung đột bắt đầu.

Vào tháng 5, Nga đã vượt qua Saudi Arabia để trở thành nguồn cung cấp dầu mỏ hàng đầu của Trung Quốc. Các nhà lọc dầu Ấn Độ đang tìm kiếm một hợp đồng sáu tháng để tăng nhập khẩu dầu từ Nga. Khả năng Trung Quốc và Ấn Độ nhập khẩu dầu của Nga sẽ quyết định phần lớn đến sự hiệu quả của gói trừng phạt thứ 6 từ EU, vốn cấm nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga.

Các bước tiếp theo của phương Tây

Các nước phương Tây đang tranh luận về các biện pháp trừng phạt mới nhằm giảm nguồn thu năng lượng của Nga trong khi giảm thiểu sự gián đoạn đối với các dòng năng lượng toàn cầu, điều này sẽ đẩy giá lên cao hơn. Các biện pháp trừng phạt tài chính tăng cường đối với các ngân hàng Nga, chẳng hạn như với Gazprombank, về mặt kỹ thuật là có thể xảy ra, nhưng điều này có thể làm gián đoạn hoạt động thương mại năng lượng. Việc cân bằng hai mục tiêu này là rất khó khăn nếu không có nguồn cung cấp năng lượng mới ở những nơi khác, vì việc duy trì hoặc hạ giá thông qua việc phá hủy nhu cầu sẽ gây khó khăn về mặt chính trị và kinh tế.

Một ý tưởng có thể được phương Tây đưa ra là cấm các công ty bảo hiểm của họ bảo đảm cho các tàu chở dầu của Nga. Tàu thương mại bắt buộc phải có bảo hiểm. Gói trừng phạt thứ 6 của EU bao gồm lệnh cấm bảo hiểm như vậy, sẽ có hiệu lực sau 6 tháng. Anh đã đồng ý với một lệnh cấm tương tự. Tuy nhiên, hiệu lực của lệnh cấm bảo hiểm vận chuyển là không rõ ràng. Một số, kể cả các quan chức ở Washington, lo ngại rằng lệnh cấm bảo hiểm về cơ bản sẽ làm giảm xuất khẩu dầu của Nga nhưng đẩy giá lên. Những người khác cho rằng các nước nhập khẩu có thể cung cấp bảo hiểm của riêng họ.

Chú thích ảnh
Các nhà lãnh đạo G7 nhóm họp tại Đức để thảo luận về tình hình Ukraine. Ảnh: AP

Một ý tưởng khác là các nước liên kết chống lại Nga có thể điều phối việc nhập khẩu dầu của họ và đặt ra mức giá tối đa mà họ phải trả cho dầu của Nga. Điều này sẽ cho phép dầu tiếp tục chảy nhưng làm giảm doanh thu mà Moskva nhận được từ những mặt hàng xuất khẩu đó. Ý tưởng này có thể được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Đức. Đề xuất có thể cung cấp miễn trừ lệnh cấm bảo hiểm vận chuyển cho các quốc gia tuân thủ giới hạn giá.

Tuy nhiên, một kế hoạch như vậy sẽ khó phối hợp giữa các thành viên và nó sẽ yêu cầu đàm phán lại gói trừng phạt thứ 6 của EU, mà theo các quan chức Đức là sẽ khó khăn. Hơn nữa, các quốc gia không tham gia có thể đề nghị trả giá thị trường cao hơn cho Nga. Việc thực thi giới hạn giá trên toàn cầu sẽ yêu cầu áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các quốc gia khác, chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ.

Ý tưởng thứ ba là các nhà nhập khẩu năng lượng áp đặt mức thuế lớn đối với năng lượng của Nga. Nguồn thu từ thuế quan có thể được sử dụng để hỗ trợ Ukraine hoặc tài trợ cho các biện pháp cứu trợ trong nước. Tuy nhiên, thuế quan sẽ được trả bởi người mua chứ không phải người bán, theo đó có thể chỉ làm giảm doanh thu của Nga trong chừng mực nhất định và vẫn nguy cơ đẩy giá lên cao hơn.

Trong tất cả các trường hợp trên, trọng tâm của phương Tây vẫn là dầu mỏ của Nga thay vì khí đốt tự nhiên, vì châu Âu sẽ khó thay thế hơn rất nhiều. Mặt khác, Moskva có thể trả đũa bất kỳ hành động nào bằng cách đình chỉ xuất khẩu khí đốt sang châu Âu hoặc từ chối bán dầu ở mức giá giới hạn. Điều này có thể đã xảy ra, vì tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga trong tháng này đã giảm xuất khẩu khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1), được cho là do không thể có được các bộ phận bảo trì cần thiết do các lệnh trừng phạt. Moskva có thể tính toán rằng tổn thất ngắn hạn đối với Nga do giảm doanh thu từ dầu và khí đốt sẽ thấp hơn so với các nước phương Tây khi giá năng lượng tăng cao hơn nữa.

Tóm lại, các biện pháp trừng phạt kinh tế là một quyết định chính trị. Với Mỹ, khi giá cả hàng hóa đã tăng cao và lạm phát ở Mỹ ở mức cao nhất trong 40 năm, Washington khó có thể theo đuổi bất kỳ hành động nào khiến lạm phát tồi tệ hơn, đặc biệt là trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới. Nhà Trắng đã thừa nhận rằng lạm phát là ưu tiên hàng đầu của họ. Các mục tiêu trong nước và quốc tế đã có sự xung đột, đặc biệt là ở Washington, và các ưu tiên trong nước có thể sẽ chiếm ưu thế.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo csis.org)
Cách nền kinh tế Iran vượt qua lệnh trừng phạt của Mỹ
Cách nền kinh tế Iran vượt qua lệnh trừng phạt của Mỹ

Iran đang xây dựng nền kinh tế có khả năng chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN