Trong 5 năm qua, song song với việc hàng loạt thủ lĩnh chủ chốt bị tiêu diệt, nhóm thánh chiến al-Shabaab ở Somalia đã mất dần quyền kiểm soát ở miền Nam nước này và nguồn tài chính của chúng cũng bị thu hẹp đáng kể.
Song các cuộc tấn công ở Kenya và Mogadishu gần đây cho thấy nhóm này đã phần nào phục hồi được sức mạnh và chuyển sang mô hình tổ chức phi tập trung hơn, với các mục tiêu rộng lớn hơn về mặt địa lý. Trong bối cảnh ngày càng phức tạp trong khu vực, mô hình mới của al-Shabaab đang trở nên khó khăn để đối phó.
Hiện trường vụ đánh bom xe bên ngoài trụ sở Bộ Giáo dục Somalia do al-Shabaab thực hiện ngày 14/4. Ảnh: AFP/TTXVN |
Sự thay đổi trong nội bộ al-Shabaab bắt đầu diễn ra vào năm 2013. Các cuộc đấu đá giữa các phe phái trong nội bộ cùng hàng loạt thất bại nặng nề trước các lực lượng quốc tế đã khiến al-Shabaab thay đổi cấu trúc và các mục tiêu ưu tiên. Al-Shabaab đã tiến hóa từ một tổ chức có ban lãnh đạo rõ ràng sang một tổ chức được phân cấp nhiều hơn, một phần do ban lãnh đạo nòng cốt của nhóm đã bị các máy bay không người lái của Mỹ đánh cho tơi tả. Với sự thay đổi trong bộ máy lãnh đạo, mục tiêu của tổ chức này đã trở nên mơ hồ hơn. Thay vì tìm cách lên nắm quyền tại Somalia, nhóm này giờ đây chủ yếu tìm cách phá hoại tiến trình chính trị ở Somalia và gây bất ổn cho các nước Đông Phi.
Hành vi của al-Shabaab gần đây cho thấy tổ chức này không còn theo hướng chiến tranh truyền thống như trước đây, mà thay vào đó, tập trung tiến hành chiến tranh phi đối xứng, sẵn sàng thực hiện các cuộc tấn công tàn bạo. Một khi bị mất đất ở Somalia, nhóm này bắt đầu tìm đến các mục tiêu ở Kenya và thậm chí cả Tanzania. Mặc dù việc tái tổ chức của al-Shabaab chủ yếu mang tính đối phó và thiếu bài bản, song nhóm này đã có thể hủy hoại một cách hiệu quả hệ thống chính trị của Somali.
Ngoài những thay đổi về mặt cơ cấu trên, các chính sách đối nội của Kenya cũng tạo điều kiện thuận lợi cho al-Shabaab. Phản ứng yếu ớt của Kenya đối với các cuộc tấn công vào Trung tâm Thương mại West Gate và Đại học Garissa là bằng chứng cho thấy Kenya đã chậm chạp như thế nào trong việc đối phó với các chiến thuật mới của al-Shabaab. Hơn nữa, phản ứng của Kenya dường như đã phản tác dụng. Trước các cuộc tấn công gần đây, chính phủ Kenya đã tuyên bố rằng họ có kế hoạch đẩy hàng trăm nghìn người tị nạn Somalia khỏi miền Bắc Kenya bằng cách đóng cửa trại tị nạn Dadaab. Họ cũng có kế hoạch xây dựng một bức tường dọc theo biên giới giữa Kenya và Somalia. Những chính sách khiêu khích như vậy có thể sẽ làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng giữa chính phủ Kenya và người Somalia thiểu số ở Kenya. Đây sẽ là cơ hội vàng để al-Shabaab tuyển mộ binh sĩ từ gần 2 triệu người Somalia ở nước này.
Các diễn biến mới đây trên phạm vi toàn cầu cũng tạo thêm lợi thế cho al-Shabaab. Tin tức về Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Boko Haram đã trở thành tiêu điểm của các phương tiện truyền thông quốc tế. Điều này không chỉ mang lại cho cơ hội để al-Shabaab tiếp tục hồi sinh mà còn khuyến khích nhóm này tiến hành các cuộc tấn công kinh hoàng hơn nhằm cạnh tranh với những tổ chức trên trong việc tuyển mộ người nước ngoài. Dòng người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc xung đột mới ở Yemen cũng có thể mang lại động lực cho al-Shabaab. Nó có thể gây bất ổn cho Somalia và tạo điều kiện để al-Shabaab có thể quay trở về các căn cứ trước đây của chúng. Trong một kịch bản xấu nhất, al-Shabaab có thể có những đối tượng dân lành mới để khủng bố và tuyển mộ.
IS và Boko Haram đang đặt ra một mối đe dọa lớn hơn về mặt địa chính trị, so với al-Shabaab mới chỉ hoạt động trong phạm vi Đông Phi, một khu vực mà Mỹ không có nhiều lợi ích sống còn. Thậm chí, các biện pháp đối phó với chi phí tương đối thấp của Mỹ, chẳng hạn như các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, sẽ trở nên kém hiệu quả hơn khi nhóm này phân cấp nhiều hơn và lan tỏa trong một khu vực địa lý rộng lớn hơn.
Giới phân tích cho rằng tới đây al-Shabaab sẽ tiếp tục mô hình tấn công khủng bố như hiện nay. Cùng với việc Kenya không có khả năng ngăn chặn và một bối cảnh toàn cầu thuận lợi, al-Shabaab tỏ ra là một mối đe dọa còn nguy hiểm hơn so với thời kỳ "hoàng kim" trước đây của chúng.
Minh Đức(Theo mạng tin "All Africa")