Muốn trở thành một siêu cường ở châu Á, thì sở hữu tàu sân bay, dường như đang là điều kiện tối thiểu. Một cuộc chạy đua tàu sân bay hiện đang diễn ra giữa các cường quốc kinh tế châu lục như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, nhằm hướng tới những lực lượng hải quân viễn dương.
Tàu sân bay INS Vikrant của Ấn Độ đang rời xưởng đóng tàu Cochin sau lễ hạ thủy ngày 12/8/2013.
|
Tại Trung Quốc, chiếc tàu sân bay từ kỷ nguyên Xô Viết sau khi được tân trang, tái trang bị đã trở thành trung tâm trong hy vọng của nước này về một hạm đội có thể hoạt động ở những khu vực cách xa căn cứ hàng ngàn dặm.
Ấn Độ cũng đã hạ thủy tàu sân bay tự chế tạo trong nước đầu tiên như một phần trong kế hoạch đưa vào hoạt động 3 nhóm tàu sân bay vào năm 2020.
Và Nhật Bản, nơi hải quân được xếp vào lực lượng phòng vệ - cũng mới trình làng một tàu khu trục có chức năng như tàu sân bay dành cho trực thăng.
Mặc dù chi phí chế tạo đắt đỏ, rất phức tạp để vận hành cũng như tốn kém để duy trì, bảo dưỡng nhưng tàu sân bay vẫn được coi là một trong những thành phần mạnh mẽ nhất trong sức mạnh quân sự của một quốc gia.
Thị uy hơn là hành động?
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, Liêu Ninh được cải tạo từ tàu Varyag thời Liên Xô, neo đậu tại cảng Đại Liên. |
Cuộc đua tàu sân bay diễn ra trong bối cảnh các cường quốc quân sự châu Á ngày càng quyết đoán hơn trong một khu vực nhiều biến động.
Với Nhật Bản, đó là sự đối phó với sức mạnh đang lên của Trung Quốc và mối đe dọa từ Triều Tiên. Với Ấn Độ, tàu sân bay của nước này nhằm thể hiện sức mạnh “cơ bắp” đối với Pakistan, trong khi Trung Quốc muốn nhắm đến mục tiêu là các tuyến thương mại biển và những lợi ích ở khu vực.
Hiện nay chỉ có 20 tàu sân bay hoạt động trên khắp thế giới, trong đó hải quân Mỹ sở hữu 10 chiếc. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích quân sự cho rằng, giá trị của một tàu sân bay nằm ở chỗ “sở hữu” hơn là “sử dụng”.
Asley Townshend, nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy (Mỹ), cho rằng không có liên quan giữa những gì mà một tàu sân bay thể hiện và những gì mà nó có thể thực sự làm được.
“Cần một tàu sân bay và muốn một chiếc, là hai việc khác nhau”, Townshend phát biểu với CNN, và nói thêm rằng, châu Á đã có một lịch sử lâu dài các hoạt động của tàu sân bay. “Trước đây Ấn Độ từng điều hành tàu sân bay; Trung Quốc thì không nhưng họ đang thử sức trong các chiến dịch của tàu sân bay. Nhật Bản thì từng sở hữu tàu sân bay đầu tiên trên thế giới”.
Tàu sân bay George H.W. Bush lần đầu tiên phóng thành công một máy bay không người lái. |
Chi phí đắt đỏ và tổn thất lớn
Nước Anh đang chi ước tính 5 tỉ bảng (8 tỉ USD) cho tàu sân bay mới Nữ hoàng Elizabeth. Con tàu lớn đến mức nó được chế tạo theo từng phần tại 6 xưởng đóng tàu khác nhau trên khắp vương quốc trước khi được ráp lại tại Rosyth, Fife, thuộc Scotland.
Trung Quốc thì chọn cách tân trang lại tàu sân bay của Ukraine. “Đây thực chất là bước tập dượt ban đầu của họ”, Townshend nói và cho rằng, không chắc tàu sân bay này giáng được một cú đánh uy lực, khiến nó trở nên hữu ích đúng như một tàu sân bay mạnh mẽ thực thụ.
Cũng theo ông Townshend, các tàu ngầm, tên lửa đạn đạo đất đối hạm và hạm đối hạm đều khiến các tàu sân bay trở nên dễ gặp nguy hiểm trong chiến tranh hiện đại.
Ngoài ra, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản có thể có hầu bao rộng rãi, nhưng công nghệ và cơ sở hạ tầng quân sự cần thiết để vận hành một thành phố quân sự nổi, với hàng ngàn binh sĩ vẫn là một gánh nặng với các cường quốc châu Á này.
Tàu sân bay cũng có tỉ lệ tổn thất thuộc loại cao nhất so với các loại vũ khí quân sự khác. Theo một nghiên cứu của giáo sư Robert Rubel, thuộc trường Đại học chiến tranh hải quân Mỹ, từ năm 1949-1988, hải quân và lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đã mất 12.000 máy bay và 8.500 thủy thủ (từ tàu sân bay).
Máy bay F-18 cất cánh từ boong tàu USS Kitty Hawk của Mỹ trên vịnh Bengal. Tàu sân bay có tỉ lệ tổn thất thuộc loại cao nhất trong các loại vũ khí quân sự. |
“Rất khó để huấn luyện phi công hạ cánh xuống một sân bay di động”, ông Townshend cho biết. “Trung Quốc sẽ học được những bài học thành công và thất bại từ các nước, họ sẽ mất nhiều thời gian, trong khi hiện mới chỉ có không đầy 100 phi công đang được huấn luyện bay từ tàu sân bay”.
Các nhà phân tích cũng cho rằng, dù Ấn Độ và Trung Quốc đều tăng cường mạnh mẽ cho chiến tranh tàu sân bay, vẫn cần phải nhớ là, tàu sân bay của cả hai quốc gia này mới chỉ bằng 1/3 kích thước tàu lớp Nimitz của Mỹ.
Bạch Đàn (Theo CNN)