Quốc tế phê phán việc làm của Trung Quốc tại Biển Đông-Phần cuối

Về thái độ của Nhật Bản đối với Biển Đông, cựu Đô đốc, Tư lệnh lực lượng phòng vệ Nhật Bản Koda Yoji nói: Vấn đề lớn nhất tại Biển Đông là Trung Quốc không đếm xỉa tới luật pháp quốc tế, vi phạm các quy tắc của Liên hợp quốc, làm đảo lộn trật tự và Nhật Bản không chấp nhận việc đó.

Thứ hai là vấn đề kinh tế, Biển Đông là tuyến vận tải biển quan trọng nên nếu Trung Quốc kiểm soát tuyến đường này sẽ ảnh hưởng tới Nhật Bản. Thứ ba là Nhật Bản là đồng minh của Mỹ và Tokyo có trách nhiệm hỗ trợ Mỹ trong các hoạt động tại Biển Đông. Các đạo luật an ninh mới được Hạ viện (Nhật Bản) thông qua sẽ mở đường cho Nhật Bản hỗ trợ các hoạt động của Mỹ ở Biển Đông hiệu quả hơn hiện nay, đóng góp vào hòa bình và ổn định tại Biển Đông.

Tại cuộc hội thảo lần thứ 5 về Biển Đông diễn ra ngày 21/7/2015 tại Trung tâm chiến lược và Nghiên cứu quốc tế (CSIS) ở Washington cũng có hàng trăm diễn giả đủ các thành phần của các nước, kể cả Trung Quốc, tham gia. Ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương, xác nhận rằng Mỹ đang khuyến khích các bên liên quan ở Biển Đông tạo ra một không khí và điều kiện thuận lợi để xử lý các tranh chấp bằng hòa bình, ngoại giao và hợp pháp. Để làm điều này, tất cả các bên tranh chấp “cần giảm nhiệt, tạo ra không gian thương thảo bằng cách dừng các hoạt động cải tạo trên các thực thể ở Biển Đông, dừng xây dựng các cơ sở mới, dừng quân sự hóa các điểm chiếm đóng hiện tại”. Tuy không chỉ đích danh Trung Quốc, nhưng ông đã lưu ý rằng các tuyên bố “độc đoán” của một quốc gia, theo đó họ có chủ quyền “không thể chối cãi” ở Biển Đông, đang cản trở đàm phán.

Ông tái khẳng định quyết tâm của Mỹ trong việc tôn trọng lời hứa bảo vệ các đồng minh và cam kết bảo đảm an ninh khu vực và giúp phát triển các tổ chức có hiệu quả về an ninh. Để làm điều này, Mỹ sẽ giúp các quốc gia duyên hải nâng cao quyền tự do lưu thông trên Biển Đông. “Mỹ đang có hàng loạt sáng kiến hợp tác trong khuôn khổ các cuộc họp ASEAN, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) sắp tới. Mục đích chính là để tạo nên các tiến triển nhanh chóng và hiệu quả ở Biển Đông…”. Ông khẳng định: “Mỹ không hề trung lập khi vấn đề có liên quan đến việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Chúng tôi sẽ mạnh mẽ đứng về phía luật pháp nhưng không đưa ra quan điểm gì đối với các yêu sách chủ quyền”.

Ông Daniel Russel cho rằng đã có một loạt các yếu tố khiến cho những hoạt động của Trung Quốc trong vòng 14 tháng qua trở nên rất khác biệt: Thứ nhất là quy mô cải tạo quá lớn với hơn 2000 mẫu Anh đất được bồi đắp ở Trường Sa. Thứ hai là tốc độ vì chỉ hơn một năm Trung Quốc đã cải tạo một diện tích gấp 20 - 30 lần. Thứ ba là vấn đề nâng cao năng lực quân sự. Thứ tư là rất nhiều quốc gia trong khu vực lo ngại về ý định của Trung Quốc.

Cũng tại cuộc hội thảo đang đề cập, Bà Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp của CSIS đồng thời là cố vấn cho Chính phủ Mỹ đề Đông Á cho rằng mục tiêu đầu tiên của Trung Quốc khi xây các đảo nhân tạo là nhằm xác định chủ quyền của họ ở Biển Đông, nhưng các hình ảnh vệ tinh cho thấy trên các đảo này có rất nhiều công trình có thể được sử dụng vào mục đích quân sự. Các công trình đó bao gồm các cảng, một đường bay dài 3.000 m trên đá Chữ Thập, các radar và các cơ sở khác, nói chung là để giúp Trung Quốc mở rộng sự hiện diện trên biển ở khu vực này. Các đường băng trên các đảo nhân tạo có thể sử dụng cho việc tiếp nhiên liệu và như vậy có thể mở rộng đáng kể tầm hoạt động của các máy bay Trung Quốc. Bắc Kinh cũng có thể thiết lập ở Biển Đông một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), tương tự như vùng đã được thiết lập ở biển Hoa Đông năm 2013.

Tại cuộc điền trần ở Hạ Nghị viện Mỹ ngày 23/7/2015 về “Vai trò an ninh của Mỹ ở Biển Đông”, Tiến sĩ Patrick Cronin, Cố vấn cao cấp, Giám đốc chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm an ninh Mỹ, yêu cầu Mỹ phải gắn kết nhiều hơn với khu vực, phải đặt vấn đề Biển Đông lên hàng đầu trong quan hệ ngoại giao khu vực. Ông nói: “Hoa Kỳ cần phải đào sâu và mở rộng quan hệ ngoại giao và hỗ trợ thực tế cho ASEAN. Chúng ta phải tăng cường quan hệ với ASEAN trên 4 cấp độ: với toàn bộ ASEAN, với các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, với từng nước ASEAN và với các đối tác đồng minh của chúng ta trong và ngoài ASEAN, bao gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc”.

Tiến sĩ Andrew Erickson, Giáo sư của Viện nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc thuộc Học viện Hải quân Hoa Kỳ, lưu ý Washington cần phải ngăn chặn ý định sử dụng vũ lực để giải quyết việc Trung Quốc tranh chấp Biển Đông. Ông nói: “Tôi tin là Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể và sẽ tránh để xảy ra chiến tranh. Thay vào đó là duy trì hòa bình và ngăn chặn xung đột. Cụ thể, chúng ta phải ngăn chặn Bắc Kinh giải quyết vấn đề biển đảo và tranh chấp chủ quyền lãnh hải bằng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực".

XEM PHẦN 1 TẠI ĐÂY
Hồ Đức Minh ((tổng hợp))
Quốc tế phê phán việc làm của Trung Quốc tại Biển Đông-Phần 1
Quốc tế phê phán việc làm của Trung Quốc tại Biển Đông-Phần 1

Vừa qua, tình hình ở Biển Đông diễn biến khá phức tạp, khó lường nên đã thúc đẩy nhiều nước, nhiều tổ chức nghiên cứu quốc tế, nhiều chính khách, nhân vật nổi tiếng, nhà phân tích... tổ chức nhiều cuộc hội thảo hoặc lên tiếng về tình hình ở vùng biển quan trọng này tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN