Giới phân tích và truyền thông bắt đầu đặt câu hỏi: Khu vực nào sẽ là mục tiêu tiếp theo của quân ly khai ở miền Đông, trong bối cảnh thỏa thuận ngừng bắn lần 2 liên tục bị vi phạm, với các cuộc giao tranh thường xuyên diễn ra.Điểm nóng xung đột gần đây tại ngôi làng Shyrokyne, cách Mariupol chỉ hơn 15km khiến nhiều người cho rằng thành phố cảng chiến lược này sẽ là mục tiêu đánh chiếm kế tiếp của lực lượng đòi độc lập ở miền Đông nhắm tới.
Quân ly khai tại một chốt tuần tra ở Delbaltseve. Ảnh: Reuters |
Mariupol là trung tâm thương mại sầm uất nhất của Ukraine nằm trên ở biển Azov, là hành lang nối thông giữa Crimea với phần đất liền khác của Nga. Một Mariupol thất thủ cũng mang tới một thắng lợi mang tính biểu tượng đối với quân ly khai, khi mà Tổng thống Petro Poroshenko hồi năm 2014 đã đặt thành phố này là thủ phủ của vùng Donetsk.
Các thủ lĩnh ly khai, trong đó có Alexander Zakharchenko – người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, cũng đã nhiều lần lên tiếng về khả năng tấn công Mariupol nếu Kiev tiếp tục có các hành động “gây hấn”. Trong bài trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg (Mỹ) gần đây, ông Zakharchenko bình luận chiến tranh tổng lực là điều khó tránh khỏi, với nguy cơ bùng phát hiện ở mức trên 90% và “Mariupol rồi sẽ là một phần lãnh thổ của DPR. Chúng tôi sẽ giải phóng tất cả những đồng bào máu mủ. Rất dễ để tấn công bên sườn và buộc binh sĩ chính phủ đầu hàng. Đừng quên là những người mẹ, những người chị chúng tôi hiện đang sống ở đó. Đừng biến chúng tôi thành những kẻ khát máu”.
Avdiivka - trung tâm công nghiệp có tầm quan trọng chiến lược ở Donbass. Ảnh: NYT |
Thế nhưng sự thật không phải vậy. Mariupol sẽ không trở thành mặt trận đối đầu tiếp theo vì hai lý do: Quân ly khai không có đủ tiềm lực quân sự để thực hiện và một cuộc tấn công như vậy sẽ cần đến sự đổ bộ của một đội quân cực lớn mà riêng quân ly khai không thể nào đủ khả năng cơ động. Những yếu tố thuận lợi về môi trường tác chiến mà quân ly khai có được từ các cuộc giao tranh ở sân bay quốc tế Donetsk hay “lò hầm” Delbaltseve (công sự kiên cố ở khu nhà ga sân bay hay khả năng chia cắt ở Delbaltseve) không còn hiện hữu ở Mariupol.
Các chiến thuật kiểu vây lấn lấy cấp tiểu đoàn làm trung tâm, kết hợp với hỏa lực của pháo binh, thiết giáp sẽ khó có đất dụng võ tại Mariupol. Nói tóm lại, muốn chiếm được thành phố cảng này, chỉ có thể là một cuộc tấn công tổng lực, điều mà lực lượng ly khai với tổng số 30.000 - 35.000 quân khó có thể làm được.
Trong bối cảnh đó, mục tiêu mà quân ly khai nhắm tới chính là Avdiivka – thành phố nằm ở vùng phía bắc Donetsk, cách trung tâm Donetsk khoảng 16km, hiện nằm dưới quyền kiểm soát của quân chính phủ. Avdiivka có dân số khoảng 35.000 người, nhưng lại là nơi đặt nhà máy máy than cốc và nhà máy hóa chất thuộc diện lớn nhất ở châu Âu. Ngoài yếu tố biểu tượng, một thắng lợi về mặt quân sự tại đây sẽ giúp quân ly khai đạt được nhiều mục tiêu chiến lược khác. Đó là việc kiểm soát nguồn cung than cốc cho ngành công nghiệp khai thác, chế biến thép của toàn vùng Donbass, củng cố mối dây liên hệ giữa quân ly khai với trùm tài phiệt Rinat Akhmetov, người giàu nhất Ukraine, chủ sở hữu của khu công nghiệp Avdiivka.
Không những vậy, những cư dân địa phương cũng được cho là dễ “chấp nhận” quyền lực của DPR, khi mà hầu hết họ hiện nay đều theo dõi thông tin qua mạng lưới vệ tinh của Nga, do mà các kênh truyền hình Ukraine không phát tại đây.
Một số chuyên gia phân tích nhận định, mặt trận Mariupol chính là cây cầu nối quá xa vời đối với tham vọng của lực lượng đòi độc lập ở miền Đông và tất cả đều chỉ là “những đồn đoán không có cơ sở”. Việc đánh chiếm các mục tiêu “dễ ăn” hơn như Avdiivka sẽ cho phép các thủ lĩnh ly khai củng cố sức mạnh, tính “hợp pháp” của mình mà không cần phải điều tới lực lượng cỡ hàng chục nghìn quân như trường hợp nhằm vào Mariupol.
Hoài Thanh (
Theo Newsweek)