Theo bình luận của chuyên gia Andrew Hammond, cộng tác viên của Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị Luân Đôn (LSE IDEAS) với tờ Tin tức Arab (arabnews.com) ngày 15/10, xét về tổng thể, các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã được cải thiện đáng kể kể từ khi kết thúc nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, với sự hợp tác đáng kể, chẳng hạn như về các vấn đề quốc phòng và an ninh, bao gồm cả cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, đã có những căng thẳng nhất định ở một số lĩnh vực khác, chẳng hạn như Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ.
Đạo luật này là gói ngân sách khổng lồ trị giá hơn 360 tỷ USD dành cho công nghệ sạch, gây rủi ro lớn cho mục tiêu của EU là duy trì vị trí trung tâm của cuộc cách mạng công nghiệp xanh. Châu Âu ngày càng có cảm giác rằng lợi thế của lục địa này trong cuộc đua này đang bị đe dọa bởi chiến lược công nghiệp xanh từ Mỹ.
Mặc dù có những thăng trầm trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương kể từ khi Đạo luật trên được thông qua hơn một năm trước, nhưng dường như đang có sự "đảo lộn" trong vài tuần gần đây. Trong khi Mỹ và EU vẫn ủng hộ Ukraine, ngày càng có nhiều lo ngại từ Brussels về viện trợ từ Washington cho Kiev trong bối cảnh Quốc hội Mỹ đang xảy ra tình trạng rối loạn chính trị lớn. Bên cạnh đó, có những dấu hiệu cho thấy những người ra quyết định của Mỹ và EU đang tiếp tục thu hẹp khác biệt chính của họ về đạo luật và các vấn đề kinh tế quan trọng khác.
Đầu tiên là sự "đảo lộn" về vấn đề Ukraine: có sự không chắc chắn về viện trợ cho Kiev, vì nguồn tài trợ mới của Mỹ đã bị tạm dừng như một phần trong thỏa thuận nội bộ gần đây nhằm ngăn chặn việc Chính phủ Mỹ đóng cửa. Trong vài ngày qua, ngay cả Tổng thống Joe Biden cũng thừa nhận rằng, do tình hình chính trị bế tắc ở Washington, ông lo ngại rằng sự hỗ trợ dành cho Ukraine có thể bị "trật bánh".
Trong bối cảnh này, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell đã cảnh báo Ukraine rằng, mặc dù sự hỗ trợ của Brussels dành cho Kiev sẽ vẫn kiên định nhưng sẽ không thể bù đắp hoàn toàn bất kỳ khoảng trống tài trợ nào do sự đóng góp của Mỹ giảm sút. Ông nói thêm rằng những diễn biến gần đây ở Washington “chắc chắn không được mong đợi và chắc chắn không phải là tin tốt”.
Kịch bản tốt nhất cho Ukraine, như Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã đặt ra, là tình trạng bất ổn chính trị gần đây ở Mỹ sẽ chỉ làm trì hoãn việc hỗ trợ tài chính của nước này cho Kiev.
Do đó, EU đã thực hiện các động thái nhằm chuyển khoảng một nửa số viện trợ đã cam kết trước đây của khối cho Ukraine - 50 tỷ euro (52,5 tỷ USD) trong 4 năm tới - để tạo cho Kiev “khả năng dự đoán và độ tin cậy” khi đối phó với vấn đề ngân sách ngày càng eo hẹp của nước này.
Tuy nhiên, bất chấp những lo ngại ngày càng tăng về cam kết của Washington đối với Ukraine và với năm bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương dường như đang trên đà phát triển tốt đẹp hơn, xét về mặt kinh tế. Điều này không chỉ liên quan đến việc giảm bớt căng thẳng liên quan đến Đạo luật Giảm lạm phát mà còn liên quan đến các vấn đề rộng hơn bao gồm sự tăng tốc trong nền kinh tế năng lượng sạch toàn cầu, dựa trên chuỗi cung ứng an toàn, linh hoạt và hợp tác sâu sắc hơn trong các công nghệ quan trọng và mới nổi.
Ví dụ, Brussels và Washington đang hy vọng sớm đạt được thỏa thuận về các khoáng sản quan trọng, cho phép các công ty ở châu Âu tiếp cận một số khoản trợ cấp nhất định theo đạo luật nếu họ cung cấp một số nguyên liệu thô cho quy trình sản xuất ở Mỹ. Điều này sẽ lặp lại một thỏa thuận tương tự mà Mỹ đã đồng ý với Nhật Bản.
Đồng thời, cả hai bên được cho là đã gần đạt được thỏa thuận về cái gọi là "Thỏa thuận toàn cầu bền vững về thép và nhôm". Nếu họ không hoàn tất vấn đề này trước thời hạn sắp tới, thuế quan của Mỹ và EU đối với thép và nhôm sẽ có hiệu lực trở lại, theo thỏa thuận song phương tạm thời được ký kết vào tháng 10/2021.
Theo các tài liệu bị rò rỉ, các đồng minh xuyên Đại Tây Dương đang thảo luận về một “thỏa hiệp lớn” liên quan đến những vấn đề này, nhằm chấm dứt một số hoặc tất cả các mức thuế hiện hành đối với vấn đề nhập khẩu thép và nhôm. Ý tưởng hàng đầu để đạt được điều này là có thể tạo ra một khu vực thuế quan chung cho các quốc gia có cùng quan điểm sẽ áp thuế đối với thép, nhôm và có thể là công nghệ năng lượng sạch rộng hơn được nhập khẩu từ "các nền kinh tế phi thị trường", sử dụng nhiều carbon, hay như Trung Quốc đang dư thừa năng lực sản xuất.
Cách tiếp cận liên kết với nhau này sau đó có thể được mở rộng cho các đối tác khác, bao gồm cả Nhật Bản. Ý tưởng “câu lạc bộ” này có thể giúp giảm bớt căng thẳng xuyên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, nó sẽ không được một số lượng đáng kể các quốc gia sản xuất thép hoan nghênh, những quốc gia có thể có hành động pháp lý chống lại Brussels và Washington tại Tổ chức Thương mại Thế giới.
Nếu thỏa thuận thép và nhôm được thông qua, nó có thể tạo ra không gian chính trị cho các quan chức Mỹ và EU tìm kiếm sự thỏa hiệp đối với Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon được đưa ra gần đây của hai bên. Do đó, thay vì cạnh tranh xuyên Đại Tây Dương trong lĩnh vực này, điều đang được Washington và Brussels thảo luận là một khuôn khổ song phương hợp tác hơn, trong bối cảnh châu Âu ngày càng lo ngại rằng Mỹ đang nắm giữ lợi thế quyết định trong cuộc đua xanh toàn cầu.
Tổng hợp tất cả những điều này lại với nhau, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang ở giai đoạn quan trọng. Mối quan hệ sẽ ổn định nếu Mỹ và EU có thể đồng ý về các hiệp định mới trong các lĩnh vực như khoáng sản quan trọng, thép và nhôm, nhưng sự bất ổn mới có thể xuất hiện nếu nguồn tài trợ của Washington cho Kiev cạn kiệt khi cuộc bầu cử Mỹ năm 2024 đến gần.