Theo tờ Wall Street Journal ngày 25/3, đối với nhiều người, nỗi kinh hoàng về IS đã kết thúc khi một chiến dịch quân sự do Mỹ dẫn đầu đã đánh sập thành trì của nhóm này vào năm 2019. Nhưng 5 năm sau, hàng chục nghìn thường dân vẫn đang bị giam giữ trong các trại, bao gồm cả ở Al-Hol, nơi trú ẩn cho nhiều gia đình của IS và những người khác vô tình bị cuốn vào tình trạng hỗn loạn ở phía Đông Bắc Syria.
Các trại này là một phần của vấn đề lớn hơn. Khoảng 9.000 tay súng IS đang bị giam giữ riêng trong một mạng lưới các trung tâm giam giữ ở cùng khu vực. Các trại và trung tâm giam giữ được bảo vệ bởi Lực lượng Dân chủ Syria, lực lượng của người Kurd đã cùng với Mỹ chống IS và hiện được quân đội Mỹ hỗ trợ.
Thách thức trước mắt đối với Mỹ và các đối tác quốc tế là giảm bớt khó khăn của người dân trong các trại và chống những nỗ lực của IS nhằm cực đoan hóa người dân.
Nhưng câu hỏi khó khăn hơn là làm thế nào để đảm bảo hàng nghìn người dân trong trại và các tay súng bị cầm tù được hồi hương trước khi khu vực này bị tàn phá hơn nữa. Nếu chính quyền Mỹ trong tương lai ngừng hỗ trợ cho Lực lượng Dân chủ Syria hoặc rút quân, an ninh tại các trại và trung tâm giam giữ có thể sụp đổ, có khả năng châm ngòi cho IS hồi sinh.
Những lo ngại về IS hồi sinh vượt ra ngoài Trung Đông. Các quan chức Mỹ tin rằng vụ tấn công khủng bố mới nhất ở ngoại ô Moskva (Nga) khiến gần 140 người thiệt mạng là do một nhánh của IS tại Afghanistan, được gọi là ISIS-K, thực hiện.
Ông Dana Stroul, cựu quan chức cấp cao Lầu Năm Góc, nhận định: “Al-Hol chắc chắn là một quả bom hẹn giờ vì đây là một trong những nơi thống khổ nhất trên trái đất”. Các tác nhân tiềm ẩn gây ra "quả bom hẹn giờ" đó có thể có nhiều dạng khác nhau.
Vào tháng 10/2019, Tổng thống khi đó là Donald Trump đã kêu gọi rút hoàn toàn lực lượng Mỹ khỏi Syria, khiến quân đội Mỹ bối rối. Tuy nhiên, sau đó, ông đã thay đổi quyết định và đồng ý duy trì khoảng 900 quân ở Syria. Hiện chưa rõ quan điểm của cựu Tổng thống Mỹ về Syria sẽ như thế nào nếu ông trở lại Nhà Trắng vào năm tới.
Một mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh của các trại là tình trạng thù địch giữa người Kurd ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ - nước đã liên tục ném bom lực lượng người Kurd và tiến hành các cuộc xâm nhập vào Syria. Người Kurd ở Syria đã cảnh báo rằng họ có thể cần phải chuyển lực lượng bảo vệ sang làm các nhiệm vụ khác nếu phải hứng chịu một cuộc tấn công kéo dài của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, Mỹ không có bất kỳ kế hoạch dự phòng nào để cung cấp nơi ở cho dân thường phải di dời và giam giữ các tay súng IS nếu Mỹ rời khỏi Syria và đối tác người Kurd từ bỏ nhiệm vụ.
Cả Mỹ và các đồng minh đều không muốn bàn giao các cơ sở này cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Cũng không có bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc chuyển giao các cơ sở đó cho Liên hợp quốc.
Devorah Margolin thuộc Viện Chính sách Cận Đông Washington, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ, đánh giá: “Câu hỏi cấp bách hiện nay là chúng ta có thể làm gì để cộng đồng quốc tế hiểu rằng việc hồi hương phải diễn ra nhanh hơn và Kế hoạch B là gì nếu Mỹ rời đi?”.
Trại tị nạn Al-Hol có từ nhiều thập kỷ trước. Nhưng dân số của trại – cùng với cơ sở Roj gần đó – đã tăng lên hơn 60.000 người sau khi IS mất thành trì cuối cùng tại thị trấn Baghouz của Syria. Tổng số người ở hai trại hiện là 46.500, bao gồm cả những phụ nữ kết hôn với các tay súng IS hoặc bị ép có con với các tay súng của nhóm này. Theo các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, hơn một nửa số cư dân trong trại là dưới 12 tuổi. Ngoài ra, còn có một nhóm nhỏ nam giới không rõ mức độ liên kết với IS.