Phương Tây trong cuộc chiêu binh mãi mã của IS

Trong lúc tự thân sự trỗi dậy chớp nhoáng của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang biến nhóm này thành một thỏi nam châm hút các phần tử cực đoan Hồi giáo, thì các cuộc không  kích của liên quân do Mỹ cầm đầu tại Iraq và Syria lại vô tình giúp IS có thêm sự ủng hộ.

Khói bốc lên sau các cuộc không kích IS của liên quân quốc tế xuống thành phố Kobane ngày 8/10. Ảnh: AFP/ TTXVN


Trước thời điểm chiếm giữ thành phố Mosul (Iraq) hồi tháng sáu khiến cả thế giới phải choáng váng, IS hầu như không có tên tuổi. Thế nhưng giờ đây, sau khi đã đánh chiếm một khu vực lãnh thổ rộng lớn, IS, tổ chức khủng bố còn được biết đến là ISIL hay ISIS, là cái tên được tất cả mọi người nhắc đến.

Nhờ thứ “danh tiếng” được khuếch trương bởi một chiến dịch truyền thông ghê rợn trên mạng xã hội, IS đang thu hút được một lực lượng những người trẻ trên khắp thế giới gia nhập vào hàng ngũ của nhóm này.

Sự lớn mạnh của IS thậm chí càng được cảm nhận rõ nét hơn khi Washington hô hào, kêu gọi xây dựng một liên quân toàn cầu để tiêu diệt IS, đồng thời nhìn nhận tổ chức này là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh của nước Mỹ.

“Trước đây mối đe dọa đó là Afghanistan và Taliban, sau đó là al-Qaeda và sau đó nữa là Iraq, còn giờ đây là IS. Hiện IS gần như được nhìn nhận là tổ chức có vai trò quan trọng nhất trong tất cả các tổ chức Hồi giáo. Nó đã trở thành biểu tượng cho sự phản kháng của thế giới Hồi giáo với các thế lực phương Tây, với Mỹ”, Marina Ottaway, học giả cấp cao của Viện chính sách Trung tâm Wilson (Mỹ) nhìn nhận.
 
Kết quả là, các nhóm chiến binh jihad, gần như không có điểm chung với IS ngoại trừ một hệ tư tưởng cực đoan và lòng hận thù dành cho nước Mỹ, đang bắt đầu thể hiện sự ủng hộ với mục đích hoạt động được IS công khai: giấc mộng thành lập một nhà nước “caliphate” trải dài từ Iraq đến Syria.

Trong một động thái đáng ngại cuối tuần qua, lực lượng Taliban ở Pakistan đã tuyên bố sẽ gửi chiến binh hỗ trợ IS cho dù đồng minh chính thức của nhóm này là al-Qaeda đã từ lâu tuyên bố cắt đứt quan hệ với IS.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục gửi chiến binh giúp IS. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ họ, bởi vì chúng tôi nghĩ rằng tổ chức này được tạo ra để phục vụ Hồi giáo”, Shahidullah Shahid, người phát ngôn của nhánh Tahreek-e-Taliban ở Pakistan (TTP) tuyên bố.

Ông Salman Shaikh, giám đốc của Trung tâm Brookings Doha (Qatar) giải thích: “Có một sự đối xứng ý thức hệ… và điều khích động chúng hành động là vì cả hai đều bị Mỹ tấn công”.

Nhưng ông cũng tranh luận rằng, chính chính sách của Mỹ trong cuộc chiến chống IS cũng làm tăng cường sự ủng hộ cho nhóm này. “Việc tấn công các nhà máy lọc dầu và các hầm chứa ngũ cốc không phải là phương pháp hiệu quả để tạo ra lợi thế cho liên quân”, ông Shaikh nói.

Cờ của phiến quân IS trên đồi Mishtenur, phía đông thành phố chiến lược Kobane của Syria, giáp ranh Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP-TTXVN


Trong khi đó, Yezid Sayigh, người cộng tác cấp cao với Trung tâm Trung Đông Carnegie ở Beirut (Liban), đã cánh báo rằng Mỹ phải thận trọng trong việc làm bùng thêm cơn thịnh nộ tại một khu vực nơi quan điểm chống Mỹ luôn luôn sủi tăm gần lớp bề mặt.

“Thứ ảnh hưởng ghê gớm của IS mà chúng ta nên để mắt đến không nằm ở Pakistan, mà đó là thứ đang bắt đầu diễn ra ở Jordan và có thể là ở cả Liban, nơi có một lực lượng rất lớn ‘khán giả’ có đầu óc cởi mở”, ông Sayigh nói.

Ngoài ra, ông cũng nói thêm: “Nếu chiến dịch không kích này tiếp tục diễn ra trong một khoảng thời gian dài mà không có một chiến lược chính trị rõ ràng và không đạt được những kết quả rõ ràng, hậu quả sẽ không chỉ nằm ở Iraq và Syria. Nhưng hiện tại, các lãnh đạo phương Tây dường như vẫn chưa nhận thức được vấn đề này”.

Cho tới thời điểm này, Mỹ đã lấy việc làm suy giảm thứ ý thức hệ độc hại của IS là một trong những rường cột của cuộc chiến này, ca tụng các thủ lĩnh Hồi giáo ôn hòa đã tuyên bố tính chất dã man của IS này không hề dính dáng đến Hồi giáo.

Theo người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki, “IS đã thành công trong việc xây dựng năng lực, tuyển mộ, phát triển và tạo ra nguồn tài chính”, nhưng “không làm gì” không phải là phương án được Mỹ lựa chọn.

Tuy nhiên, một số người tranh luận rằng với việc thổi phồng những mối đe dọa do IS tạo ra, thì thứ tác dụng phụ không mong muốn mà sự can thiệp quân sự của liên quân có thể tạo ra là làm phát tán lời hiệu triệu tới những lực lượng “nuôi thù hận với phương Tây” trong cuộc chiêu binh mãi mã của tổ chức khủng bố này.
 

Anh Tiếu (Theo AFP)

Kobane - phép thử sớm cho chính sách của Mỹ
Kobane - phép thử sớm cho chính sách của Mỹ

Mối đe dọa mà Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tạo ra với các tay súng người Kurd ở thành phố Kobane (Syria) là phép thử sớm với sự kiên nhẫn của liên quân do Mỹ cầm đầu trong một chiến lược quân sự mà cho tới thời điểm này vẫn không thể giúp liên quan kiểm soát mặt đất tại Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN