Cuộc họp lần thứ 56 của JMMC đã xem xét dữ liệu sản xuất dầu thô trong tháng 7 và tháng 8/2024 cùng các điều kiện thị trường hiện tại. Tại cuộc họp, Iraq, Kazakhstan và Nga đều xác nhận đã tuân thủ cam kết sản lượng và các đợt cắt giảm bổ sung đầy đủ theo các kế hoạch đã đệ trình cho tháng 9/2024, để bù đắp sản lượng bơm thừa trước đó. OPEC+ hiện đang duy trì chính sách cắt giảm sản lượng tổng cộng 5,86 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 5,7% nhu cầu dầu toàn cầu. Sự tuân thủ của các nước thành viên đối với cam kết cắt giảm không chỉ là chủ đề trọng tâm trong cuộc họp, mà còn là vấn đề mang tính then chốt đối với kế hoạch tăng sản lượng 180.000 thùng/ngày của các nước thành viên OPEC+ vào tháng 12 tới, muộn hơn 2 tháng so với dự kiến ban đầu do sự mong manh của tâm lý thị trường.
Việc không tuân thủ hạn ngạch đã trở thành một vấn đề tái diễn nhiều lần tại OPEC+, phủ bóng đen lên độ tin cậy của liên minh, đặc biệt vào thời điểm thị trường bất ổn trầm trọng do xung đột leo thang ở Trung Đông, tình trạng bán tháo gần đây và sự phục hồi yếu sau đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới. Nếu các quốc gia thành viên tiếp tục phá vỡ các cam kết hạn ngạch, giới phân tích cho rằng, Saudi Arabia, thành viên trụ cột của OPEC và là nhà sản xuất lớn nhất của liên minh, có thể đẩy nhanh quá trình đảo ngược việc cắt giảm sản lượng. Trong những tuần gần đây, Saudi Arabia đã báo hiệu một sự thay đổi chiến lược đáng chú ý, đó là chuẩn bị cho kịch bản giá dầu thấp hơn và sẵn sàng từ bỏ mức giá mục tiêu không chính thức 100 USD/thùng để dần thúc đẩy việc tăng sản lượng.
Theo bà Carole Nakhle, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Crystol Energy, “Saudi Arabia đang gửi một số cảnh báo đến những thành viên không tuân thủ cam kết trong liên minh, bởi Riyadh đã chịu phần lớn gánh nặng từ việc cắt giảm sản lượng.” Ngoài ra, sự thay đổi chiến lược của Saudi Arabia có thể phản ánh một loạt các yếu tố phức tạp hơn. Chẳng hạn như môi trường năng lượng toàn cầu đang thay đổi, khi nhu cầu dầu có thể không phục hồi mạnh mẽ như dự kiến trước đây, do sự chuyển dịch sang năng lượng tái tạo và những thay đổi trong mô hình tiêu dùng ở Trung Quốc và các nước tiêu thụ lớn khác.
Ngoài việc giám sát kỷ luật của các nước thành viên trong tuân thủ cam kết sản lượng, JMMC cũng khẳng định OPEC+ sẽ liên tục đánh giá các điều kiện thị trường, nhất là trong bối cảnh có nhiều quan ngại về sự gián đoạn nguồn cung đối với thị trường “vàng đen”. Cuộc họp của JMMC diễn ra chỉ chưa đầy một ngày sau khi Iran, một thành viên OPEC và là một nhà sản xuất dầu lớn trong khu vực, phóng hàng trăm tên lửa vào lãnh thổ Israel, thổi bùng nguy cơ xung đột ở Trung Đông lan rộng thành một cuộc chiến tranh toàn diện. Trước khi Iran tiến hành vụ tấn công, giá dầu đang ở gần mức thấp nhất trong 2 tuần. Thậm chí, trong tháng 9, giá dầu đã giảm xuống dưới 70 USD/thùng, mức thấp chưa từng thấy kể từ năm 2021. Nhưng sau vụ tấn công trên, giá dầu đã đảo chiều nhanh chóng. Chỉ trong vòng 2 ngày, có thời điểm giá dầu đã tăng hơn 5%.
Giá dầu còn có thể tăng cao hơn nữa trong trường hợp Israel tấn công trả đũa nhằm vào các cơ sở sản xuất và xuất khẩu dầu của Iran. Nếu kịch bản này xảy ra, sản lượng dầu của Iran có thể giảm hơn 1 triệu thùng/ngày, theo dự đoán của chiến lược gia về rủi ro chính trị Clay Seigle. Thị trường dầu còn có thể rung chuyển thêm, nếu các chuyến tàu chở dầu qua Eo biển Hormuz nằm giữa Iran và Oman bị gián đoạn, bởi đây là tuyến đường di chuyển của khoảng 1/4 nguồn cung dầu trên thế giới. Dù vậy, chuyên gia Al Salazar từ công ty phân tích năng lượng Enverus cho rằng, “giá dầu tăng vọt sau cuộc tấn công của Iran nhằm vào Israel chỉ là phản ứng tức thời và thị trường có thể ổn định trong vòng vài ngày tới, nếu không có sự gián đoạn vật lý nào đối với nguồn cung toàn cầu.”
Theo Giovanni Staunovo, nhà phân tích của UBS, trong khi OPEC+ có đủ năng lực dự phòng để bù đắp cho sự mất mát nguồn cung từ Iran, phần lớn năng lực đó nằm ở khu vực Vịnh Trung Đông và có khả năng dễ bị tổn thương nếu như xung đột leo thang hơn nữa. Ông cho biết: "Năng lực dự phòng có sẵn thực tế có thể thấp hơn nhiều nếu các cuộc tấn công mới vào cơ sở hạ tầng năng lượng ở các quốc gia trong khu vực xảy ra". Cho đến nay, Israel vẫn kiềm chế không tấn công các cơ sở dầu mỏ của Iran. Các nhà phân tích dầu mỏ và chuyên gia an ninh cho biết, Israel có thể nhắm mục tiêu vào các địa điểm lọc dầu của Iran và cảng dầu Kharg Island - nơi xử lý khoảng 90% lượng dầu thô xuất khẩu của nước này. Quyết định của JMMC có thể là nước đi thăm dò khi các diễn biến ở Trung Đông vẫn rất khó lường.
Thực tế, ngay cả với mức giá khoảng 75 USD/thùng sau vụ tấn công, giá dầu hiện nay vẫn giảm 14% so với hồi tháng 7/2024, do các nhà giao dịch tập trung vào nhu cầu yếu ở Trung Quốc và nguồn cung tăng từ châu Mỹ. Theo giới quan sát, về cơ bản vẫn chưa có thay đổi nào về mặt cân bằng cung-cầu. Trong nhiều năm qua, một nửa mức tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới đến từ Trung Quốc. Nhu cầu yếu ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã gây áp lực đối với thị trường dầu mỏ trong nhiều tháng, và hiện chưa rõ liệu các biện pháp kích thích mà Bắc Kinh công bố gần đây có dẫn đến sự phục hồi tăng trưởng rõ rệt hay không.
Nhìn chung, thị phần của OPEC+ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục sau khi cắt giảm sản lượng từ năm 2022, trong khi nguồn cung từ Mỹ và các nhà sản xuất khác tăng lên. Tuy nhiên, các nguồn tin từ OPEC+ cho rằng, việc tăng sản lượng vào tháng 12 không phải là vì giành lại thị phần, mà là để một số ít quốc gia dần chấm dứt việc cắt giảm sản lượng tự nguyện. Ngày 28/9, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đã khẳng định rằng, OPEC+ đang chủ động cắt giảm nguồn cung dầu nhằm đảm bảo sự ổn định lâu dài cho thị trường dầu mỏ, bảo vệ lợi ích của cả các nước sản xuất và tiêu thụ. Thay vì tập trung vào lợi ích ngắn hạn, tổ chức này hướng tới một tương lai bền vững, nơi các quốc gia sản xuất dầu có đủ nguồn lực để đầu tư phát triển ngành năng lượng.
Hơn nữa, việc JMMC không đưa ra khuyến nghị thay đổi chính sách nào, dù có thể gây ra mối đe dọa về tài chính với các nước OPEC+, song sẽ mang lại sự nhẹ nhõm cho người tiêu dùng sau nhiều năm lạm phát tràn lan, cũng như cho các ngân hàng trung ương khi họ bắt đầu hạ lãi suất. Chuyên gia Peter Tertzakian, Viện Nghiên cứu Năng lượng ARC, nhấn mạnh lạm phát gắn chặt với giá dầu. Do đó, nếu chúng ta thấy giá dầu tăng vọt trên 80 USD/thùng, lạm phát sẽ quay trở lại, vào thời điểm mà các ngân hàng trung ương bắt đầu cắt giảm lãi suất. Theo ông Tertzakian, “thực tế là dầu mỏ vẫn chảy trong huyết quản của nền kinh tế toàn cầu. Không ai muốn thấy xung đột nổ ra và không ai muốn chứng kiến giá cả biến động mạnh. Cần nhớ rằng, tình trạng lạm phát cao trong những năm qua chủ yếu do giá năng lượng tăng cao.”
Các bộ trưởng OPEC+ sẽ nhóm họp toàn thể để quyết định chính sách vào ngày 1/12 tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường dầu có nguy cơ diễn biến xấu hơn nữa, các nhà phân tích, bao gồm JPMorgan Chase & Co. và Citigroup Inc., đã bày tỏ sự hoài nghi về việc OPEC+ sẽ tiếp tục kế hoạch tăng nguồn cung. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), mức tiêu thụ dự kiến sẽ tăng chưa đến 1 triệu thùng/ngày vào năm 2025, trong khi nguồn cung sẽ tăng thêm 50%, dẫn đến tình trạng dư thừa ngay cả khi OPEC+ tiếp tục hạn chế sản lượng. Do đó, các nước OPEC+ vẫn có thời gian 2 tháng nữa để quan sát thị trường và đưa ra những điều chỉnh phù hợp nhằm bảo vệ giá dầu cũng như thị trường và nền kinh tế.