Nợ nước ngoài của Nga bị thổi phồng

Theo đánh giá hôm 8/6 của Tiến sỹ Richard Connolly - chuyên gia Chương trình Nga và Á-Âu thuộc Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về các vấn đề quốc tế (Chatham House), mặc dù nền kinh tế đang phải đối mặt với những điều kiện khó khăn, nhưng Nga không dễ bị "quật ngã" trong lĩnh vực tài chính. Thực tế cho thấy vấn đề nợ nước ngoài của Nga thời gian qua đã được thổi phồng đáng kể.


Người qua đường đi dọc bờ sông đối diện Trung tâm Thương mại Quốc tế Moscow.


Khi Mỹ và phương Tây siết chặt lệnh trừng phạt, cấm vận, nhiều người lo ngại rằng nền kinh tế Nga sẽ sớm lâm vào một cuộc khủng hoảng tài chính. Những khoản nợ nước ngoài đến hạn phải thanh toán là nguồn gốc chủ yếu dẫn đến nỗi quan ngại này. Thế nhưng, giới hoạch định chính sách của Nga dường như vẫn "bình chân như vại". Vậy điều gì đã giúp họ đứng vững trước những khó khăn do lệnh trừng phạt, cấm vận của phương Tây gây ra? Tiến sỹ Connolly cho rằng một lượng đáng kể các khoản nợ nước ngoài của Nga không thuộc sở hữu của ngân hàng phương Tây. Thay vào đó, khoản nợ này nằm trong các công ty "mẹ" hoặc công ty cổ phần của Nga đăng ký hoạt động ở nước ngoài, nên rất dễ tái cơ cấu khi cần. Vì thế, nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính-tiền tệ đã giảm đáng kể trong bối cảnh những chỉ số khác, ví dụ như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vẫn "phủ mây đen" lên triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Nga.

Nhìn lại thời gian qua, Nga đã phải đối mặt với không ít thách thức khi đồng ruble mất giá và lượng dự trữ ngoại tệ giảm. Xu hướng giá dầu giảm trên thị trường thế giới cũng đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế Nga vốn dĩ phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất khẩu năng lượng. Tuy nhiên, tình trạng "lao dốc" của đồng ruble trong quý IV/2014 lại không phải do giá dầu giảm trực tiếp gây ra. Chính những khoản nợ nước ngoài đến hạn thanh toán đã khiến áp lực gia tăng đối với đồng ruble. Nhiều công ty của Nga bị phá sản do không thể tiếp cận với thị trường vốn quốc tế khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt. Nỗ lực tái cơ cấu nợ của các công ty đã giúp Nga giảm đáng kể nợ nước ngoài, từ 728 tỷ USD vào thời điểm tháng 1/2014 xuống 597 tỷ USD cuối năm 2014. Trong khi đó, dự trữ ngoại tệ của Nga giảm từ 510 tỷ USD vào đầu năm 2014 xuống còn 388 tỷ USD vào cuối năm. Giờ đây, dự trữ ngoại tệ của Nga chỉ còn 356 tỷ USD.

Bảng đèn hiệu đổi tỉ giá trên đường phố Moskva.


Một số chuyên gia, ví dụ như nhà kinh tế Anders Aslund thuộc Hội đồng Đại Tây Dương (AC), cho rằng lượng dự trữ ngoại tệ giảm trong khi nợ nước ngoài vẫn ở mức cao sẽ đe dọa sự ổn định của nền tài chính Nga. Lý giải cho nhận định này, ông Aslund đưa ra hai luận điểm. Thứ nhất, lượng dự trữ ngoại tệ của Nga không đủ khả năng thanh khoản để đáp ứng những nghĩa vụ tài chính với nước ngoài. Thứ hai, cam kết thanh toán nợ nước ngoài của Nga trong ngắn hạn đã vượt quá lượng dự trữ. Tuy nhiên, cả hai luận điểm này đều bị thổi phồng quá mức, không phản ánh thực tế. Trước hết, lượng dự trữ ngoại tệ của Nga vẫn đảm bảo khả năng thanh toán như nhiều tài liệu, báo cáo đã nêu ra. Bên cạnh đó, sức ép trả nợ nước ngoài chưa đến mức quá cao trong khoảng thời gian 2 năm tới.

Điều đáng nói là phần lớn những khoản nợ đến kỳ hạn thanh toán lại có liên quan đến các thực thể thuộc sở hữu của Nga. Có thể coi đây là "khoản nợ nội bộ" khi các hãng của Nga vay vốn từ những công ty có mối liên hệ chặt chẽ nhưng đăng ký hoạt động ở nước ngoài. Vì vậy, việc tái cơ cấu những khoản nợ này khá đơn giản và không cần phải tuân thủ các nghĩa vụ khắt khe. Theo tính toán của giới chuyên gia, những khoản nợ "nội bộ" như thế này chiếm khoảng 1/4 tổng nợ nước ngoài của Nga, nhưng lại chiếm một nửa số nợ đến kỳ hạn thanh toán trong hai năm 2015-2016. Đây là yếu tố rất quan trọng, giúp Nga giảm thiểu sức ép trong lĩnh vực tài chính-tiền tệ. Tuy nhiên, về lâu dài, Nga sẽ phải tái cơ cấu hầu hết các khoản nợ nước ngoài.

Vậy phải chăng nền kinh tế Nga vẫn an toàn? Trước mắt, nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính là tương đối thấp. Tuy nhiên, tình trạng bất ổn về giá dầu trên thị trường thế giới, có thể đột ngột giảm sâu và kéo dài, sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước này trong bối cảnh các nhà đầu tư "tháo vốn". Nếu tạm gác vấn đề dự trữ ngoại tệ và nợ nước ngoài sang một bên, thì sẽ thấy vẫn còn nhiều chỉ số đáng quan ngại khác. Dòng vốn FDI hiện đã giảm xuống mức báo động, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực đối với quá trình chuyển giao công nghệ. Mặc dù có thể trụ vững trên lĩnh vực tài chính, song Nga sẽ đối mặt với không ít thách thức khi vốn đầu tư giảm, năng lực cạnh tranh yếu đi, năng suất lao động không tăng và đời sống người dân khó khăn.


TTK
 Đồng ruble lại mất giá và những hệ lụy với nền kinh tế Nga
Đồng ruble lại mất giá và những hệ lụy với nền kinh tế Nga

Tổng thống Nga đã kêu gọi các doanh nghiệp địa phương hãy tận dụng lợi thế đồng ruble yếu để mở rộng sản xuất, thay thế nhập khẩu và tăng cường xuất khẩu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN