Nợ công quá lớn, EU lép vế Trung Quốc

Nhân dịp hội nghị thượng đỉnh thứ 15 giữa Liên minh châu Âu và Trung Quốc diễn ra ngày 20/9 tại Brúcxen (Bỉ), nhật báo kinh tế Les Echos đăng bài phân tích quan hệ thương mại song phương giữa Trung Quốc và châu Âu với dòng tựa “Châu Âu bị vướng víu nợ công khi đối mặt với Trung Quốc”.

Báo Les Echos dùng từ “vướng víu” để cho thấy vị thế bất lợi của châu Âu trong hiện tại, và chính vì bất lợi mà Liên minh châu Âu tỏ ra “yếu thế” hơn so với Trung Quốc.

Cái bất lợi trước tiên là vì nợ công đang hoành hành, châu Âu đang cần sự trợ giúp của Trung Quốc. Cái bất lợi thứ hai là trong giao dịch song phương, Trung Quốc luôn ở thế thượng phong, bởi thâm hụt thương mại của châu Âu trong giao thương với Trung Quốc đã tăng phi mã. Hồi năm 2000 chỉ là 49 tỷ USD, nhưng năm 2010 vọt lên 169 tỷ USD.

Châu Âu khủng hoảng, xuất khẩu của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng. Ảnh: Internet


Báo Les Echos tóm lược mặt tích cực trong quan hệ đối tác giữa châu Âu và Trung Quốc. Châu Âu hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc. Trung Quốc vẫn tiếp tục mua trái phiếu nợ châu Âu, Trung Quốc đã đồng ý cùng với một số nước mới nổi khác tăng mức đóng góp cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Ngoài ra, cũng tồn tại một số điểm chướng ngại trong quan hệ song phương. Thứ nhất quan điểm hai bên về một số vấn đề nổi cộm trên thế giới còn khác biệt, như vấn đề Xyri. Thứ hai, về vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, trong khi Mỹ lên tiếng cho rằng khu vực tranh chấp thuộc Hiệp ước phòng thủ liên minh Nhật - Mỹ, thì Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso tỏ ra dè dặt.

Cuối cùng là tranh cãi thương mại giữa hai bên trên nhiều hồ sơ liên quan đến thép, đất hiếm, tấm pin năng lượng mặt trời, hàng không… Liên minh châu Âu (EU) luôn cho rằng Trung Quốc có động thái bán phá giá trên thị trường châu Âu.

Chẳng hạn như trong cuộc tranh cãi về tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc, châu Âu tiến hành điều tra việc bán phá giá của mặt hàng này tại châu Âu và Trung Quốc đã lên tiếng phản đối. Thậm chí Trung Quốc còn còn trả đũa bằng cách chuẩn bị điều tra bán giá đối với các sản phẩm rượu vang của châu Âu. Trong khi đó thái độ của châu Âu có vẻ không dứt khoát, bởi theo một nguồn tin châu Âu, việc EU mở cuộc điều tra chống phá giá có vẻ chỉ để cho biết, chứ không nhắm đến việc có biện pháp trừng phạt thương mại.

Trung Quốc vẫn cần châu Âu

Không chỉ châu Âu mới cần đến Trung Quốc giúp đỡ giải quyết vấn đề nợ công, mà chính Trung Quốc cũng đang rất cần châu Âu. Les Echos giải thích quan điểm này qua bài viết: “Dù suy yếu, nhưng châu Âu vẫn được Trung Quốc xem là đối tác đáng tin cậy”.

Châu Âu là thị trường xuất khẩu số một của Trung Quốc nên nếu châu Âu khủng hoảng, thì tất nhiên người châu Âu sẽ mua hàng ít hơn, lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường châu Âu sẽ bị ảnh hưởng.

Theo số liệu thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường châu Âu đã giảm 4,9%, vào Italia giảm đến 30%. Việc giảm xuất khẩu sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc sống nhờ vào xuất khẩu. Xuất khẩu giảm, thất nghiệp sẽ tăng, bất ổn xã hội sẽ cao. Đặc biệt trong bối cảnh sắp chuyển giao đội ngũ lãnh đạo đất nước, chính phủ nước này bằng mọi giá không để bất ổn xã hội xảy ra.

Kế đến, Les Echos nhận định, đối với Trung Quốc, châu Âu vẫn là một đối tác đáng tin cậy hơn so với hai đối tác lớn khác là Mỹ và Nhật Bản. Đối với Mỹ, tình cảm dành cho Trung Quốc không mấy gì tốt đẹp. Hai ứng viên tổng thống Mỹ hiện tại đang chỉ trích nhau là “quá mềm yếu” với Trung Quốc. Còn Nhật Bản thì khỏi phải nói, tranh chấp lãnh hải trên biển Hoa Đông đã khiến quan hệ hai nước đang “căng như dây đàn”.


TTXVN/Tin tức
Eurozone 'lún' sâu hơn vào suy thoái
Eurozone 'lún' sâu hơn vào suy thoái

Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) dường như đang lâm vào suy thoái kinh tế sâu sắc, bất chấp những mối quan ngại gần đây có phần dịu đi về cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài gần 3 năm qua ở châu lục này.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN