Những thách thức chờ đợi tân tổng thống Ai Cập

Đúng như dự đoán, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Abdel Fattah el-Sisi đã giành chiến thắng vang dội trước đối thủ duy nhất là chính trị gia cánh tả Hamdeen Sabahi tại cuộc bầu cử tổng thống vừa diễn ra tại Ai Cập trong ba ngày 26-28/5. Hiện ông el-Sisi chỉ còn chờ kết quả kiểm phiếu cuối cùng trước khi chính thức ngồi vào chiếc ghế quyền lực nhất, song cũng "nóng" nhất tại quốc gia đông dân nhất thế giới Arab này.

Tổng thống đắc cử của Ai Cập sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức cần được giải quyết, gồm bất ổn an ninh kể từ cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi vào mùa Hè năm ngoái, nền kinh tế èo uột đang trên bờ sụp đổ sau hơn 3 năm diễn ra làn sóng biểu tình rầm rộ dẫn tới sự cáo chung của chế độ Hosni Mubarak, vị thế quốc gia suy giảm, tình trạng chia rẽ sâu sắc trong xã hội cũng như phong trào phản kháng đang có dấu hiệu nhen nhóm trở lại.

Khôi phục an ninh, yếu tố thúc đẩy cử tri dồn phiếu cho ông el-Sisi, sẽ là nhiệm vụ hàng đầu của vị tân tổng thống xuất thân từ quân đội này. Bất chấp các chiến dịch an ninh lớn và việc khóa chặt đường biên giới với Dải Gaza của Palestine, các nhóm thánh chiến Hồi giáo và khủng bố có liên hệ với al-Qaeda vẫn phát triển mạnh tại Bán đảo Sinai.

Hoạt động khủng bố có xu hướng dịch chuyển sang thủ đô Cairo và các thành phố đông dân thuộc vùng châu thổ sông Nile, trực tiếp đe dọa các mục tiêu chiến lược như kênh đào Suez. Các cuộc biểu tình của những người ủng hộ ông Morsi vẫn diễn ra gần như hàng ngày dù bị chính quyền trấn áp mạnh tay. Trong khi đó, nguy cơ bất ổn cũng đang rình rập tại các đường biên giới của Ai Cập, nhất là tại khu vực sa mạc trống trải ở phía Tây giáp với Libya.

Về kinh tế và xã hội, ông el-Sisi sẽ đối mặt với tình trạng lạm phát lên tới 12%, trong khi tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm mạnh từ mức trung bình 6%-7% dưới thời Mubarak xuống còn khoảng 2%, thâm hụt ngân sách ở mức 34,8 tỷ USD - tương đương 14% GDP, chủ yếu do các chương trình trợ cấp hết sức tốn kém và thất thoát lớn, nợ công chiếm khoảng 80% GDP, dự trữ ngoại tệ giảm từ mức 36 tỷ USD hồi tháng 1/2011 xuống còn khoảng 17 tỷ USD mặc dù Ai Cập đã nhận được khoảng 18 tỷ USD viện trợ tài chính và năng lượng từ các nước đồng minh vùng Vịnh kể từ khi ông Morsi bị lật đổ.

Bất ổn an ninh khiến nguồn thu từ ngành du lịch giảm xuống còn 5,8 tỷ USD năm 2013 từ mức kỷ lục 12,5 tỷ USD năm 2010, đồng thời khiến hàng triệu người mất việc làm. Bức tranh kinh tế ảm đạm khiến đời sống người dân ngày càng khốn khó. Gần 40% dân số Ai Cập, tức khoảng 34 triệu người, đang sống ở mức cận nghèo đói. Tỷ lệ thất nghiệp lên tới 13,4%, trong đó gần 70% số người thất nghiệp trong độ tuổi từ 15-29 tuổi.

Về quan hệ đối ngoại, nhiệm vụ của tân Tổng thống el-Sisi là nhanh chóng khôi phục tư cách thành viên của Ai Cập tại Liên minh châu Phi (AU), giải quyết cuộc khủng hoảng nguồn nước với Ethiopia và giành lại vai trò đầu tàu trong Liên đoàn Arab (AL). Chính quyền mới của Ai Cập sẽ phải thúc đẩy một chính sách ngoại giao thực dụng, đa dạng hóa các mối quan hệ nhằm tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của tất cả các đối tác phục vụ cho công cuộc tái thiết kinh tế và ổn định đất nước.

Theo các nhà phân tích, tất cả các vấn đề trên có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ với nhau, trong đó khôi phục an ninh là vấn đề then chốt nhất, giúp tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế và giải quyết tình trạng thất nghiệp. Khi kinh tế phát triển, người dân được đảm bảo “cơm no, áo ấm” và các quyền tự do, trong khi bạo lực và khủng bố vốn có nguồn gốc từ bất công và nghèo đói sẽ không còn đất sống. Việc giải quyết các vấn đề trong nước cũng sẽ giúp Ai Cập có thêm nguồn lực để bảo vệ các lợi ích của mình và khôi phục vị thế quốc gia.

Tuy nhiên, viễn cảnh “trong ấm, ngoài êm” này chỉ đạt được khi chính quyền mới của Ai Cập có chính sách đúng đắn để thúc đẩy hòa giải dân tộc, giành sự cảm thông, chia sẻ của người dân về các chương trình cải cách kinh tế cấp thiết cũng như thu hút sự chung vai gánh vác của tất cả các đảng phái chính trị nhằm đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hiện nay. Ngược lại, việc tiếp tục chính sách đàn áp nhằm vào cả phe Hồi giáo lẫn các lực lượng thanh niên cách mạng và các nhà hoạt động sẽ chỉ khiến tình hình thêm bất ổn.

Trên thực tế, dù giành được chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu vừa qua, niềm vui của ông el-Sisi cũng không được trọn vẹn khi tỷ lệ cử tri đi bầu thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Kết quả này một phần xuất phát từ những động thái sai lầm của ông el-Sisi, khiến một bộ phận lớn thanh niên - khối cử tri lớn nhất tại Ai Cập và từng là lực lượng đi đầu lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Mohamed Morsi - xa lánh và quyết định tẩy chay bầu cử. Điều đó ít nhiều ảnh hưởng tới tính hợp pháp của ông el-Sisi và lộ trình chuyển tiếp chính trị hiện nay, đồng thời có thể khích lệ và tập hợp các lực lượng đối lập.

Đây cũng là lời cảnh tỉnh đối với ông el-Sisi nếu không muốn đi vào vết xe đổ của hai người tiền nhiệm.

Thiết nghĩ, Tổng thống đắc cử el-Sisi hiểu rất rõ tình hình nguy cấp hiện nay của đất nước và hoàn toàn ý thức được rằng chỉ có đoàn kết dân tộc mới giúp Ai Cập vượt qua mọi khó khăn, thử thách và vươn lên phát triển hùng mạnh. Hiện ông el-Sisi đang nắm trong tay chiếc “chìa khóa vạn năng” đó, nhưng vấn đề là liệu ông có đủ dũng cảm và quyết tâm theo đuổi vì lợi ích chung của dân tộc hay không.



Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Ai Cập)
Bầu cử Ai Cập: Tướng Sisi thắng áp đảo
Bầu cử Ai Cập: Tướng Sisi thắng áp đảo

Theo kết quả sơ bộ do nhật báo nhà nước Ai Cập "Al-Ahram" công bố, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Abdel-Fattah el-Sisi đang cầm chắc phần thắng trong cuộc bầu cử tổng thống kết thúc ngày 28/5.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN