Theo mạng tin "Project syndicate" ngày 21/4, vòng đàm phán mới nhất về chương trình hạt nhân của Iran và nhóm P5+1 (năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) là Mỹ, Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc cùng với Đức) đã bắt đầu. Sau hơn một năm bế tắc, đối với nhiều bên, cuộc đối thoại lần này là cơ hội cuối cùng để tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột kéo dài gần một thập kỷ.
Quang cảnh cuộc đàm phán mới nhất giữa Iran và P5+1 ở Istanbul. |
Mục tiêu của các cuộc đàm phán, do người đứng đầu về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton và Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran, ông Saeed Jalili đồng chủ tọa, vẫn là thuyết phục Iran ngừng làm giàu urani và tuân thủ các nghị quyết của HĐBA và các nghĩa vụ theo Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT). Nhưng có một số yếu tố đang làm nổi bật tầm quan trọng chiến lược của các cuộc thương thuyết hiện nay.
Thứ nhất, tình hình kinh tế và chính trị trong nước tại Iran đã thay đổi lớn kể từ vòng đàm phán trước hồi tháng 1/2011. Sức ép quốc tế đã tăng lên sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận rằng chương trình hạt nhân của Iran tiến theo hướng sản xuất vũ khí hạt nhân, chứ không phải sản xuất điện và đồng vị phóng xạ dùng trong y tế, với các lệnh trừng phạt mới đối với xuất khẩu dầu mỏ của Iran và các giao dịch với Ngân hàng Trung ương Iran.
Mặc dù giá năng lượng toàn cầu đang tăng lên đã khiến Iran bớt khó khăn trong những tháng gần đây, nhưng người tiêu dùng Iran đã cảm nhận rõ rệt ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt khi đồng rial bị mất 40% giá trị và các vụ giao dịch tài chính trở nên đắt đỏ và khó khăn hơn đối với chính phủ, các doanh nghiệp và các hộ gia đình. Thêm vào đó, ban lãnh đạo Iran hiện chia rẽ và suy yếu. Quan hệ giữa Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad và nhà lãnh đạo tối cao, Đại giáo chủ Ali Khamenei tiếp tục xấu đi, trong khi căng thẳng đang tăng lên trong nội bộ lực lượng Vệ binh cách mạng.
Thứ hai, vị thế khu vực của Iran đang bị lung lay do làn sóng bất ổn ở thế giới Arập, nhất là tại Xyri, đồng minh chủ chốt của Iran tại Trung Đông. Trong khi đó, các vương quốc theo dòng Sunni tại vùng Vịnh, dẫn đầu là Arập Xêút và Cata, hiện ngày càng mâu thuẫn với Iran, khi công khai thừa nhận khả năng trang bị vũ khí cho phiến quân Xyri để lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad. Hơn nữa, trữ lượng dầu mỏ của Arập Xêút khiến họ có thể bù lượng dầu thiếu hụt từ Iran cho các thị trường toàn cầu. Trung Quốc, với sự phụ thuộc năng lượng ngày càng tăng vào các nước vùng Vịnh, sẽ phải cân nhắc yếu tố này một cách cẩn thận trên bàn thương thuyết.
Thứ ba, Ixraen, vốn đã không hài lòng với kết quả của vòng đàm phán trước, hiện ngày càng khó chịu. Với sự tiến bộ của chương trình hạt nhân của Iran và bất ổn chính trị tại khu vực, Ixraen đang ủng hộ một chiến dịch quân sự chống lại Iran trong năm 2012. Thủ tướng Ixraen Benjamin Netanyahu đã nhấn mạnh sự cấp bách của tình hình. Nhưng các cuộc thương thuyết sẽ kéo dài, với nhiều thăng trầm, và thêm phức tạp khi diễn ra trong năm bầu cử tổng thống Mỹ, với đảng Cộng hòa có quan điểm gần với ông Netanyahu hơn.
Thứ tư, Tổng thống Mỹ Barack Obama biết rằng việc tái cử của ông đang phụ thuộc vào việc không được mắc sai lầm trong vấn đề Iran. Nhưng cuộc thương thuyết này có thể kéo dài trong bao lâu mà không làm lợi cho bên đang muốn "câu giờ". Hiện nay, Mỹ vẫn đang để ngỏ một kênh đối thoại trực tiếp với Iran. Tại Istanbul vừa qua, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran, ông Saeed Jalili đã chấp nhận yêu cầu đàm phán song phương của Mỹ trong khuôn khổ vòng thương thuyết hiện nay.
Nếu thế giới muốn đảm bảo rằng Iran không có vũ khí hạt nhân, cách tốt nhất là thương thuyết chứ không phải dùng vũ lực với nước này. Không ai có thể tính được hậu quả của một cuộc chiến tranh và tất cả các bên đều có lý do để ngồi vào bàn đàm phán.
Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)