Theo trang The Guardian (Anh), Nhà Trắng đang gấp rút chuyển giao vũ khí và các khoản viện trợ còn lại lên tới 6 tỷ USD nhanh nhất có thể cho Ukraine, khi những người ủng hộ Kiev kêu gọi bãi bỏ các hạn chế đối với vũ khí tầm xa và tìm các nguồn tài trợ khác cho cuộc xung đột, trước khi ông Donald Trump lên nắm quyền vào ngày 20/1/2025.
Trước mỗi cuộc chuyển giao quyền lực, các quan chức chính quyền Mỹ tự nhủ họ vẫn sẽ phải phục vụ “vị tổng thống của nhiệm kỳ này” và ông Biden vẫn nắm toàn quyền kiểm soát chính sách đối ngoại của Mỹ cho đến khi ông Trump nhậm chức. Nhưng viễn cảnh về sự thay đổi lớn trong chính sách đối với Ukraine dưới thời Tổng thống Trump khiến bất kỳ thay đổi nghiêm túc nào của ông Biden cũng sẽ khó được duy trì.
Tổng thống Biden dự kiến tiếp ông Trump vào tuần này tại Nhà Trắng trong một cuộc họp quan trọng. Theo các nhà quan sát, trong cuộc gặp này, Tổng thống đương nhiệm sẽ thúc giục ông Trump tiếp tục cung cấp tài chính cho Ukraine, cũng như thảo luận về chương trình nghị sự chính sách đối ngoại rộng lớn mà hai người hiếm khi cùng quan điểm.
Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết ông Biden sẽ tận dụng 70 ngày cuối nhiệm kỳ để kêu gọi ông Trump và Quốc hội, nơi có thể chứng kiến đảng Cộng hòa kiểm soát cả hai viện, rằng “Mỹ không nên bỏ rơi Ukraine. Việc bỏ rơi Ukraine có nghĩa là sẽ có thêm bất ổn ở châu Âu”.
Tuy nhiên, ông Sullivan từ chối trả lời câu hỏi liệu ông Biden có đề xuất dự luật tài trợ bổ sung cho Ukraine hay không.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Bill Hagerty, đồng minh thân cận của ông Trump và được coi là ứng cử viên hàng đầu cho chức Ngoại trưởng Mỹ, đã hoài nghi về việc chính quyền mới sẽ tiếp tục viện trợ cho Ukraine.
“Người dân Mỹ muốn bảo vệ chủ quyền Mỹ, trước khi chúng ta chi tiền và nguồn lực để bảo vệ chủ quyền một quốc gia khác”, ông Hagerty nhấn mạnh.
Chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Biden khó có thể thúc đẩy khoản viện trợ bổ sung khác hứa hẹn thêm tiền thông qua Quốc hội, nhưng vẫn còn 6 tỷ USD viện trợ chưa giải ngân có thể được giải ngân trước khi ông Biden rời nhiệm sở. Giới chức Mỹ cũng thừa nhận rằng sau đó, Ukraine chủ yếu sẽ phải trông cậy vào châu Âu để nhận viện trợ.
Theo một số phương tiện truyền thông, Lầu Năm Góc đã cho phép một số ít nhà thầu Mỹ tới Ukraine để bảo dưỡng và sửa chữa chiến đấu cơ F-16 và hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot. Báo cáo mới của Tạp chí Phố Wall cũng tiết lộ Lầu Năm Góc đang đẩy nhanh việc chuyển giao hơn 500 tên lửa đánh chặn cho Ukraine trước khi ông Biden kết thúc nhiệm kỳ trong bối cảnh lo ngại Nga đang tích trữ tên lửa để tấn công các thành phố hoặc cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine trong mùa đông.
Ông Richard Fontaine - Giám đốc điều hành Trung tâm An ninh Mới của Mỹ - cho biết: “Nếu ông Trump thực sự cắt viện trợ quân sự cho Ukraine, gói viện trợ hiện tại chỉ kéo dài đến hết năm 2024. Ukraine không thể tiếp tục chiến đấu nếu không có sự hỗ trợ của quân đội Mỹ. Vì vậy, nếu ông Trump cắt viện trợ cho Ukraine, điều đó sẽ thay đổi hoàn toàn động lực trên thực địa. Và khi đó, kết quả có thể là gì?”.
Một loạt các vấn đề – từ khả năng bổ sung viện trợ, cung cấp thêm vũ khí, đưa ra lời mời gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đến việc dỡ bỏ các hạn chế cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tấn công lãnh thổ Nga – dường như chính quyền đương nhiệm không thể làm được nhiều để có thể duy trì lâu dài.
Cựu đại diện thường trực của Mỹ tại Hội đồng NATO Ivo Daalder cho biết: “Bất cứ điều gì, bất cứ vấn đề nào về các sắc lệnh hành pháp đều có thể thay đổi vào ngày hôm sau”.
Chỉ ra các lựa chọn hạn chế của chính quyền ông Biden đối với Ukraine, xung đột của Israel ở Gaza và các lựa chọn của tổng thống đương nhiệm, đại sứ Daalder nói thêm: “Về cơ bản, chính quyền của ông Biden sẽ ‘giậm chân tại chỗ’. Tôi thực sự không thấy động thái mới, lâu dài nào mà ông Biden có thể thực hiện mà ông Trump không thể đảo ngược”.
Giới chuyên gia nhận định chính quyền của ông Biden – từng có chính sách đối ngoại được đánh giá là trung thực – giờ đây có rất ít thành công khi bước vào “giai đoạn hoàng hôn”. Một thành viên cấp cao của đảng Dân chủ trong Quốc hội cho rằng “vũ trụ” thành tựu đối ngoại của chính quyền ông Biden đã “thu hẹp lại” trong 8 đến 9 tháng qua khi ảnh hưởng của Mỹ ở Ukraine và Trung Đông dần suy yếu.
Trước cuộc bầu cử, một số nhà ngoại giao nước ngoài tại Washington bày tỏ họ rất thất vọng trước sự do dự của chính quyền ông Biden đối với Ukraine - việc chậm giải ngân hỗ trợ cũng như thiếu thiện chí chấp nhận rủi ro dưới thời Cố vấn An ninh quốc gia Sullivan.
Ông David Kramer - Giám đốc điều hành của Viện George W. Bush và là cựu quan chức bộ ngoại giao - cho biết: “Chính quyền ông Biden xứng đáng được ghi nhận vì chế độ trừng phạt và giúp duy trì sự đoàn kết với các đồng minh, cung cấp hỗ trợ cho Ukraine. Nhưng người dân Ukraine đã vô cùng thất vọng với quá trình ra quyết định, sau đó là cung cấp hỗ trợ và áp đặt các hạn chế - đặc biệt là đối với các hệ thống vũ khí tầm xa và việc không gửi lời mời Ukraine gia nhập NATO”.
Khi chính sách của ông Trump đối với Ukraine ngày càng trở nên rõ ràng hơn, dường ông đang chuẩn bị cắt giảm hoặc hạn chế nghiêm ngặt viện trợ cho Ukraine. Đặc biệt, ông Trump đã tuyên bố cựu đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley và cựu ngoại trưởng Mike Pompeo, cả hai đều là cựu quan chức từng ủng hộ mạnh mẽ Kiev, đều sẽ không được mời tham gia vào chính quyền mới của ông.
Khi thời gian tại nhiệm không còn nhiều, một số giới chức ủng hộ Ukraine đã thúc giục ông Biden thực hiện các bước đi tham vọng hơn – đặc biệt là dỡ bỏ hạn chế tên lửa tầm xa, vốn là rào cản khiến Ukraine không thể sử dụng tên lửa dẫn đường để tấn công các mục tiêu ở hậu phương của Nga.
Bà Melinda Haring - cố vấn cấp cao tại Razom, tổ chức phi lợi nhuận viện trợ cho Ukraine và là thành viên cấp cao không thường trực tại Hội đồng Đại Tây Dương - bình luận: “Cơ hội lớn khác cho chính quyền ông Biden là tịch thu và chuyển 5 tỷ USD dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga. Cần phải thực hiện ngay lúc này để đảm bảo khoản tiền này được thực hiện đúng cách”.
Đối với động thái về giải pháp đàm phán, các nhà phân tích và quan chức tin rằng bất kỳ cuộc đàm phán nghiêm túc nào cũng sẽ chỉ diễn ra dưới thời tổng thống tiếp theo - khi Ukraine có khả năng ở vị thế đàm phán yếu hơn đáng kể.
“Thực tế là cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Zelensky đều không còn lo lắng về việc ông Biden muốn hay không muốn vì ông sẽ rời đi sau 2 tháng rưỡi nữa”, ông Daalder cho biết.