Nỗ lực của Nga
Theo đài Sputnik (Nga), các cuộc đàm phán, dự kiến kéo dài trong 2 ngày, là cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa các quan chức Syria và Thổ Nhĩ Kỳ kể từ tháng 12/2022. Khi đó, Moskva đã tiếp đón Bộ trưởng Quốc phòng và Tình báo của Syria và Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ, để thăm dò khả năng bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia.
Hôm 2/4, truyền thông Syria xác nhận Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Ayman Sousan sẽ dẫn đầu phái đoàn Syria. Ông Sousan nói với các phóng viên rằng ông và các đồng nghiệp Nga, Iran sẽ tổ chức các cuộc tham vấn song phương vào ngày 4/4 và cuộc gặp 4bên với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ diễn ra vào ngày 5/4.
Theo ông Sousan, trọng tâm của Damascus là đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ rút quân khỏi lãnh thổ Syria, nỗ lực chung chống khủng bố và không can thiệp vào công việc nội bộ của Syria.
Vào tuần trước, các quan chức ở Ankara cũng xác nhận Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tham gia vào cuộc đàm phán này. Một quan chức cấp cao giấu tên cho hay các cuộc đàm phán sẽ là sự tiếp nối của các cuộc họp cấp bộ trưởng đã bắt đầu trong quá trình bình thường hóa. Theo quan chức này, không có “quyết định quan trọng” nào được mong đợi vì “không có sự tham gia cấp bộ trưởng” tại các cuộc đàm phán cụ thể này.
Trong cuộc họp báo cùng Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vào tuần trước, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cũng cho hay Iran sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán này. Đồng thời, ông Amir-Abdollahian nói rằng nối lại quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sẽ là trọng tâm của cuộc đàm phán.
“Tehran và Moskva cũng sẽ nỗ lực đưa những quan điểm này xích lại gần nhau hơn. Nếu chúng tôi xác định được một số khuôn khổ tại các cuộc đàm phán này, cuộc họp tiếp theo có thể được tổ chức ở cấp bộ trưởng ngoại giao”, ông Amir-Abdollahian nói thêm.
Iran đã tham gia quá trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao do Nga dẫn đầu vào tháng 1. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng việc Tehran tham gia là vào quá trình này là “hoàn toàn hợp lý”, vì Moskva, Tehran và Ankara đều là thành viên của Tiến trình Astana về hòa bình Syria.
Tổ chức lại khu vực
Nga – quốc gia có mối quan hệ thân thiện với cả Syria và Thổ Nhĩ Kỳ – đã dành nhiều tháng để đưa Damascus và Ankara tiến gần hơn tới quá trình bình thường hóa sau hơn một thập kỷ đối đầu.
Hồi tháng 2, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov nói với Sputnik: “Chúng tôi tin rằng những bất đồng giữa Damascus và Ankara có thể được khắc phục. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các bên tìm kiếm giải pháp có thể chấp nhận vì lợi ích bình thường hóa quan hệ giữa các quốc gia và khôi phục quan hệ láng giềng tốt đẹp truyền thống giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ”.
Nhà ngoại giao Nga cũng bày tỏ tin tưởng các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria - mấu chốt bất đồng giữa Damascus và Ankara – có thể được giải quyết, vì phía Thổ Nhĩ Kỳ đã tái khẳng định ở cấp cao nhất “cam kết của họ đối với chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Cộng hòa Arab Syria”.
Ông Bogdanov chỉ ra lập trường này đã “được ghi lại trong một số tài liệu Nga - Thổ Nhĩ Kỳ và các tuyên bố chung của Bộ ba Astana”.
Trong khái niệm chính sách đối ngoại mới, Nga cũng đã nêu rõ cam kết khôi phục quan hệ Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Tài liệu này, đã được Tổng thống Putin ký thành luật hôm 31/3, chính thức phác thảo cam kết của Moskva trong việc hòa giải các mối quan hệ bất đồng giữa Syria và các nước láng giềng, cũng như giúp giải quyết và khắc phục hậu quả của các cuộc xung đột vũ trang ở Trung Đông nói chung.
Chính sách nêu rõ trong tương lai, Nga sẽ tập trung vào phát triển hợp tác toàn diện với Cộng hòa Hồi giáo Iran, cung cấp hỗ trợ toàn diện cho Cộng hòa Arab Syria và làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác cùng có lợi nhiều mặt với Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Ai Cập, và các thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo khác.
Và khôi phục quan hệ Syria - Thổ Nhĩ Kỳ chính là chìa khóa cho phương trình này.
Khi cuộc chiến ở Syria nổ ra vào năm 2010, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác, bao gồm Saudi Arabia, Qatar, Israel đã tham gia nỗ lực lật đổ Tổng thống Syria Bashar Assad.
Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã chuyển sang hỗ trợ quân nổi dậy ở tỉnh Idlib. Đồng thời, Ankara cũng thực hiện nhiều hoạt động quân sự ở Syria chống lại tổ chức khủng bố IS và các chiến binh người Kurd ở Syria do Mỹ hậu thuẫn, bị nghi ngờ có quan hệ với Đảng Công nhân người Kurd – mà Ankara coi là một nhóm khủng bố.
Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh của nước này hiện đang kiểm soát khoảng 10% lãnh thổ của Syria. Damascus đã nhiều lần yêu cầu họ rút quân. Nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề này đối với Damascus, vào tháng trước, Tổng thống Assad cho biết ông sẽ không đồng ý gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho đến khi Ankara đồng ý chấm dứt "chiếm đóng".
Đòn giáng vào sức mạnh của Washington
Tháng trước, Trung Quốc đã làm trung gian cho thỏa thuận bình thường hóa quan hệ mang tính bước ngoặt giữa các đối thủ lâu năm trong khu vực, là Iran và Saudi Arabia. Giới phân tích cho rằng Mỹ đã bị gạt ra khỏi các cuộc đàm phán và đón nhận tin tức không như mong muốn.
Trong khi đó, các quan chức Saudi Arabia và Syria gần đây nói với truyền thông Mỹ rằng hai nước đang tiến gần đến thỏa thuận bình thường hóa quan hệ do Nga làm trung gian.
Các quan chức Syria và Ai Cập cũng đang tiến hành các cuộc thảo luận cấp cao về việc khôi phục hoàn toàn quan hệ ngoại giao. Minh chứng là Ngoại trưởng Syria Faisal Mekdad sẽ tới Cairo để hội đàm với người đồng cấp Ai Cập, Sameh Shoukry, vào ngày 8/4 tới.
Hồi tháng 2 và tháng 3, Tổng thống Assad đã tới Oman và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - các quốc gia vùng Vịnh đầu tiên thực hiện các bước khôi phục quan hệ với Damascus lần lượt vào năm 2019 và 2020 - để thảo luận về biện pháp tăng cường quan hệ và tạo điều kiện cho Syria trở lại Liên đoàn các Quốc gia Arab.
Giới chuyên gia nhận định việc bình thường hóa quan hệ Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, với tư cách là một thành phần quan trọng trong chiến thắng ngoại giao “trở lại” của Syria đối với khu vực, có thể giáng đòn mạnh vào sức mạnh của Mỹ.