Trước thềm Đại hội XX, truyền thông Trung Quốc đã có những đánh giá nhìn lại sự phát triển của đất nước trong 10 năm qua. Có thể nói trong vòng một thập kỷ qua kể từ năm 2012, thời điểm diễn ra Đại hội XVIII bầu ra thế hệ lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc với việc ông Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí thư, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu ấn tượng trên nhiều lĩnh vực.
Sau khi vươn lên vị trí nền kinh tế thứ hai thế giới từ năm 2010, thập kỷ qua chứng kiến nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Năm 2021, GDP của Trung Quốc đạt hơn 114 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương khoảng 17 nghìn tỷ USD), chiếm hơn 18% tổng GDP toàn cầu trong khi con số này năm 2012 là 11,4%.
Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc cũng có bước tiến dài từ 4,4 nghìn tỷ USD năm 2012 lên 6,9 nghìn tỷ USD năm 2021, từ vị trí thứ hai lên vị trí số một thế giới.
Thu nhập của người dân cũng bắt kịp với tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ. Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, năm ngoái, thu nhập bình quân đầu người (sau khi nộp thuế và bảo hiểm xã hội) đạt 35.128 NDT (tương đương 4.940 USD), tăng 112,8% so với năm 2012.
Khoảng cách thu nhập giữa người dân thành thị và nông thôn cũng được thu hẹp. Năm ngoái, thu nhập bình quân của người dân thành thị là 47.412 NDT, tăng 96,5% so với năm 2012, trong khi thu nhập bình quân của người dân nông thôn là 18.931 NDT, tăng 125,7% so với 10 năm trước. Trong thập kỷ qua, gần 100 triệu người dân ở nông thôn Trung Quốc đã chính thức được xóa nghèo.
Nền kinh tế Trung Quốc hiện là một trong những đầu tàu của nền kinh tế thế giới, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Năm 2021, vào dịp 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, Trung Quốc khẳng định đã hoàn thành mục tiêu xây dựng xã hội toàn diện khả giả và bước vào chặng đường mới.
Trung Quốc cũng đạt được nhiều thành tựu nổi bật về khoa học công nghệ: như đưa người lên vũ trụ xây dựng trạm không gian Thiên Cung; tàu thăm dò vũ trụ đáp thành công lên bề mặt Sao Hỏa; đưa vào sử dụng hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu phủ sóng toàn cầu, công nghệ đường sắt cao tốc dẫn đầu thế giới với tổng chiều dài đạt 37.900 km…
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đạt được những kết quả quan trọng trong việc thúc đẩy quản lý toàn diện đất nước theo pháp luật, tăng cường nỗ lực chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy chính trị.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng chịu tác động của cục diện thế giới diễn biến khó lường, cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt. Cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo theo "bão giá", lạm phát tăng cao trên toàn cầu dẫn tới sức mua ảm đạm. Mức cầu của thị trường thế giới giảm ảnh hưởng không nhỏ đến "đại công xưởng" như Trung Quốc. Trong khi đó, đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Cạnh tranh Trung-Mỹ trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại đến công nghệ, quân sự… được dự báo sẽ tiếp tục gay gắt trong thời gian tới.
Ở trong nước, Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức như sự phát triển không đồng đều, thiếu bền vững, tình trạng bất bình đẳng và khoảng cách giàu - nghèo gia tăng, ô nhiễm môi trường…
Những khó khăn, thách thức đó đòi hỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo, hoạch định đường hướng cũng như lộ trình cụ thể để hoàn thành những mục tiêu đặt ra, đặc biệt là mục tiêu “100 năm thứ hai” - xây dựng toàn diện nhà nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp vào năm 2049.
Trong những năm qua, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc duy trì xu hướng phát triển tích cực và lành mạnh. Quan hệ Việt - Trung ngày càng phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, an ninh, quốc phòng. Giao lưu và tiếp xúc cấp cao được duy trì thường xuyên bằng nhiều hình thức linh hoạt. Qua các chuyến thăm và tiếp xúc, trao đổi, lãnh đạo cấp cao hai Ðảng, hai nước đã đạt nhiều nhận thức chung quan trọng, góp phần củng cố và tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực, là định hướng chiến lược nền tảng, lâu dài cho sự phát triển lành mạnh, ổn định của quan hệ Việt-Trung.
Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, hai bên đã tận dụng những lợi thế của mình, trên tinh thần đôi bên cùng có lợi, thúc đẩy hợp tác thiết thực. Bất chấp dịch COVID-19, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 lần đầu tiên vượt ngưỡng 200 tỷ USD, đạt 230,2 tỷ USD, tăng 19,7% so năm trước đó. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Australia).
Trong cuộc điện đàm mới đây giữa Thủ tướng nước ta Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, hai bên đã nhất trí tăng cường tiếp xúc cấp cao và các cấp; thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất đi vào chiều sâu, phát triển lành mạnh, hài hòa, bền vững; thúc đẩy giao lưu, đi lại của người dân hai nước.