Cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa có hồi kết, nhưng các chính phủ và doanh nghiệp ở Trung và Đông Nam Âu đã để mắt đến các hợp đồng béo bở tiềm năng với dự báo rằng giao tranh cuối cùng cũng chấm dứt và việc tái thiết sẽ diễn ra trên quy mô lớn với hàng trăm tỷ USD.
Cơ sở dữ liệu về các công ty sẵn sàng tham gia vào quá trình tái thiết đã được xây dựng ở Ba Lan, nơi được kỳ vọng sẽ đóng vai trò là trung tâm cho các nỗ lực tái thiết, cùng với Romania. Nhưng các nước nhỏ hơn trong khu vực cũng bày tỏ sự sẵn sàng tham gia vào quá trình này.
Các quan chức Ukraine cũng đang chuẩn bị lộ trình, có lẽ để đáp lại lời đồn đoán ngày càng tăng từ các quốc gia khác đang muốn giành được những hợp đồng tái thiết khổng lồ tiềm năng. Kiev đã thông báo vào ngày 6/4 rằng chính phủ nước này muốn các công ty Ukraine thực hiện ít nhất 60% công việc tái thiết.
Quy mô của công việc tái thiết sẽ ngày càng lớn khi xung đột kéo dài. Theo một đánh giá chung của Chính phủ Ukraine, Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên hợp quốc, chi phí tái thiết và phục hồi ở Ukraine đã tăng lên 411 tỷ USD, tương đương 2,6 lần GDP ước tính của nước này vào năm 2022.
Và đó mới chỉ là thiệt hại vật chất. Theo cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Ukraine Natalie Jaresko, nếu tính thêm các hoạt động kinh doanh bị mất, xuất khẩu giảm và các yếu tố kinh tế khác, thì tổng chi phí của cuộc xung đột lên tới khoảng 1 nghìn tỷ USD. Việc tái thiết và phục hồi dự kiến sẽ kéo dài hơn 10 năm, đòi hỏi nguồn tài trợ của cả nhà nước và tư nhân, mặc dù vẫn chưa rõ ai sẽ nhận phần chi trả.
Xét về lĩnh vực, theo WB giới công bố vào tháng Ba, nhu cầu tái thiết lớn nhất là giao thông (22%), nhà ở (17%), năng lượng (11%), bảo trợ xã hội và sinh kế (10%), quản lý nguy cơ cháy nổ (9%) và nông nghiệp (7%). WB cho biết, việc rà phá bom mìn ở quốc gia này có thể tiêu tốn tới 1,5 tỷ USD.
Tính đến tháng 2 năm nay, thiệt hại lớn nhất là về năng lượng, cao hơn 5 lần so với tháng 6/2022, sau khi Nga liên tục nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng năng lượng bằng các cuộc tấn công tên lửa. Các khu vực địa lý có nhu cầu tái thiết lớn nhất là những nơi xảy ra chiến sự: Donetsk, Kharkiv, Luhansk và Kherson.
Theo báo cáo của Trường Kinh tế Kiev, tính đến tháng 1, xung đột làm hư hại hơn 149.300 tòa nhà dân cư, cùng hơn 3.000 cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học. Hàng trăm bệnh viện, công trình tôn giáo, cơ sở văn hóa và các tòa nhà khác cũng bị hư hại hoặc phá hủy.
Chính phủ Ukraine và các đối tác đã bắt đầu một số công việc, khẩn cấp nhất, không đợi xung đột kết thúc, là xây dựng chỗ ở cho những người dân phải di tản. Tiếp theo trong danh sách là sửa chữa cơ sở hạ tầng năng lượng.
Trong lĩnh vực y tế, hơn 500 cơ sở y tế bị ảnh hưởng đã được sửa chữa một phần hoặc toàn bộ; ngành năng lượng và giao thông đã nhận được thiết bị, vật tư và nguồn tài chính để sửa chữa nhanh chóng. Trong quá trình khôi phục này, có nhiều công ty Ba Lan đã và đang làm việc tại Ukraine, nơi nhu cầu xây dựng lại cơ sở hạ tầng đang diễn ra, theo Cơ quan Thương mại và Đầu tư Ba Lan (PAIH).
Về phần mình, Litva, một quốc gia ủng hộ Ukraine mạnh mẽ, đã coi việc tái thiết các cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc cũng như cung cấp nhà ở tạm thời cho người bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột là ưu tiên hàng đầu của nước này. Theo kế hoạch được Chính phủ Litva phê duyệt vào tháng 8/2022, các dự án được công bố vào thời điểm đó là xây dựng một trại tập trung di động và cải tạo một trường học ở Borodyanka thuộc vùng Kiev, xây dựng lại cây cầu bắc qua sông Trubiz và xây dựng lại một trường mẫu giáo ở thị trấn Irpin, ngoại ô Kiev.
Một quốc gia vùng Baltic khác là Estonia đã tập trung vào khu vực Zhytomyr, nơi họ bắt đầu xây dựng lại một trường mẫu giáo và sẽ tiếp tục với các địa điểm dân sự và cơ sở hạ tầng quan trọng khác. “Chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi có thể làm gương cho các quốc gia khác bằng sáng kiến và các dự án đầu tiên của mình, bởi vì việc tái thiết Ukraine sẽ là một quá trình tốn nhiều thời gian và nguồn lực, đồng thời cần sự hợp tác quốc tế”, Ngoại trưởng Estonia Urmas Reinsalu nói.
Rõ ràng, trong khi kết quả của cuộc xung đột và thời điểm kết thúc vẫn còn hoàn toàn không chắc chắn, các quan chức và công ty ở các nước láng giềng phía Tây của Ukraine đã tính đến thời kỳ tái thiết.
Vào ngày 15-16/2, diễn đàn Tái thiết Ukraine đã diễn ra tại Warsaw (Ba Lan), với sự tham dự của hàng trăm đại diện của các tổ chức chính phủ và doanh nghiệp từ các nước Trung Âu như CH Séc, Estonia, Latvia, Ba Lan và Slovakia, cũng như một số nước Tây Âu.
Ba Lan đã nhiều lần được nhắc đến như một trung tâm tái thiết Ukraine. Ba Lan là nền kinh tế lớn nhất ở Trung và Đông Âu (CEE), nước này có đường biên giới dài với Ukraine và Warsaw là một trong những bên ủng hộ mạnh mẽ nhất của Ukraine. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda là người vận động thành công các thành viên EU cam kết gửi cho Ukraine hơn 400 xe tăng chiến đấu chủ lực (MTB) Leopard 2 hiện đại và các viện trợ quân sự khác cho Kiev.
Vấn đề tái thiết Ukraine hậu xung đột dự kiến sẽ là chủ đề nổi bật trong các cuộc đàm phán Ba Lan-Ukraine trong những tuần và tháng tới, khi hai nước đang đàm phán một hiệp ước nhằm tạo động lực mới cho mối quan hệ đặc biệt của họ.
Chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới Warsaw vào ngày 5/4 có thể là chìa khóa trong việc thúc đẩy một thỏa thuận nhằm đặt nền móng cho các công ty Ba Lan tham gia vào nỗ lực tái thiết trị giá hàng trăm tỷ USD.
“Đây là một chương trình hợp tác rất chuyên sâu về tái thiết Ukraine sau xung đột, trong đó chính quyền Ba Lan và Ukraine, cũng như các tổ chức quốc tế và các tổ chức tài chính như WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhóm G7 sẽ tham gia”, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Pawel Jablonski nói với đài phát thanh Wnet.
“Các công ty Ba Lan rất quan tâm đến điều này”, ông Jablonski cho biết thêm, lưu ý rằng các doanh nghiệp đang hỏi về “điều kiện hoạt động kinh tế” ở Ukraine để chuẩn bị chuyển đến sau xung đột. Theo ông Jablonski, việc tái thiết Ukraine không chỉ là xây dựng lại những cơ sở hạ tầng bị phá hủy mà còn xây dựng mới theo tiêu chuẩn phương Tây, ví dụ như tuyến đường sắt tiêu chuẩn châu Âu hay biến Ukraine thành trung tâm năng lượng xanh của châu Âu.
Puls Biznesu thông báo, hiện có hơn 2.000 công ty Ba Lan trong cơ sở dữ liệu của cơ quan này quan tâm đến việc xuất khẩu sang Ukraine hoặc tham gia vào quá trình tái thiết. Một báo cáo của ngân hàng Ba Lan Pekao SA nêu rõ việc tái thiết Ukraine sau xung đột sẽ giúp Ba Lan thu về khoảng 38 tỷ euro, tương đương khoảng 3,8% GDP.
Tại Latvia, các cơ hội trong thời kỳ tái thiết đã được thảo luận tại một hội thảo do Bộ Tài chính nước này tổ chức hồi tháng 2 năm nay. Trong khi đó, các công ty ở Romania, nền kinh tế lớn thứ hai trong khu vực sau Ba Lan, cũng đang tìm cách để tham gia vào nỗ lực tái thiết. Ở Romania, Phòng Thương mại Romania-Ukraine đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) với Đại sứ quán Ukraine ở Bucharest vào tháng 1/2023 để tạo cơ sở dữ liệu về các công ty đủ điều kiện tham gia các dự án tái thiết của Ukraine.
Các nước nhỏ khác như Albania, Montenegro và Bắc Macedonia hay Slovenia cũng tìm cách can dự. Ví dụ, ngay cả quốc gia nhỏ trong khu vực như Slovenia với dân số chỉ hơn 2 triệu người, cũng đang để mắt đến các cơ hội tái thiết ở Ukraine. Thủ tướng Slovenia Robert Golob đã đến thăm Ukraine vào ngày 31/3 để bày tỏ sự ủng hộ chính trị và tình đoàn kết với người dân Ukraine, nhưng ông cũng nhấn mạnh Ljubljana quan tâm đến việc tham gia vào quá trình tái thiết.
Trong khi đó, Ukraine đã nói về sự cần thiết phải học hỏi từ những nỗ lực tái thiết thời kỳ đầu sau xung đột như ở Iraq và các quốc gia thuộc Nam Tư cũ, nhấn mạnh đến nhu cầu xây dựng lại tốt hơn, chẳng hạn bằng cách đầu tư vào năng lực năng lượng tái tạo mới và các lĩnh vực công nghệ cao hiện đại khác.