Nhật Bản chật vật duy trì đội tàu cao tốc vắng khách vì COVID-19

Hãng vận hành mạng lưới đường sắt cao tốc tại Nhật Bản East JR dự báo mức thu lỗ lớn nhất kể từ thời điểm tư nhân hóa năm 1987.

Chú thích ảnh
Chương trình kích cầu du lịch "Go to travel" chưa tạo ra được cú hích với ngành vận tải đường sắt cao tốc tại Nhật Bản. Ảnh: AFP

Những ngày này, khu vực Nhà ga Tokyo chuyên phục vụ các chuyến tàu chạy tới các khu vực ở Nhật Bản chỉ còn lại cái bóng của mình. Ở thời điểm cuối tháng 9, không còn cảnh tượng đông đúc thường thấy, chỉ có một vài hành khách đang lượn quanh mấy quán bán đồ ăn. 

“Tôi thấy số lượng nhân viên làm vệ sinh bước xuống tàu còn đông hơn cả lượng hành khách. Thường thì mọi người sẽ nhanh chóng chọn mua bento (dạng cơm hộp tại Nhật) và xếp hàng đợi lên tàu. Nhưng nay hầu như chẳng có mấy khách”, Taro Aoki, người quản lý chuỗi 18 tiệm đồ ăn nhanh tại Nhà ga Tokyo chia sẻ. 

COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến mỗi ngành hàng không. Công ty đường sắt Đông Nhật Bản (East JR) và Tây Nhật Bản (West JR) - hai hãng có doanh thu lớn nhất cả nước về loại hình vận tải này, ước tính năm nay sẽ phải gánh chịu những khoản thua lỗ lớn nhất kể từ khi mạng lưới đường sắt được Nhật Bản tư nhân hóa vào năm 1987. East JR dự tính lỗ khoảng 4 tỉ USD trong tài khóa này (kết thúc vào ngày 31/3), trong khi khoản lỗ với West JR được dự báo là gần 2,3 tỉ USD. 

Chiến dịch “Go to travel” (Đi du lịch) do Chính phủ Nhật Bản khởi xướng nhằm thúc đẩy du lịch nội địa cũng không tạo ra được thêm động lực cho ngành vận tải chạy bằng tàu cao tốc shinkansen. Áp dụng từ tháng 7, chiến dịch này trợ giá đến 50% đối với các khoản chi phí đi lại, khách sạn, tham quan đối với du khách trong phạm vi Nhật Bản. Tokyo lúc đầu không nằm trong diện bao phủ của “Go to travel”, nhưng mới được bổ sung vào từ đầu tháng này. 

Tuy nhiên, với số ca mắc COVID-19 mới tăng và du khách có xu hướng e ngại đi du lịch, kể cả ngắn ngày vì sợ nhiễm virus, nhiều chính trị gia cho rằng chiến dịch kích cầu du lịch nội địa của chính phủ đã thất bại. Nhiều người khác lo ngại thúc đẩy du lịch sẽ làm COVID-19 lây lan rộng hơn. Số khách muốn thăm thú, khám phá thì lại chọn phương tiện ô tô cá nhân để tránh tiếp xúc đông người. 

Chú thích ảnh
Lượng khách trên các tàu Shinkansen thưa thớt, chưa kín 50% số ghế. Ảnh: Bloomberg

Theo Yoshitaka Watanabe, Giám đốc bộ phận marketing tại East JR, rất ít có cơ hội để dịch vụ vận tải đường sắt cao tốc trở lại thời tiền COVID-19. Ngành này từng được dự báo hồi phục theo hình chữ V (giảm nhanh, nhưng tăng lại nhanh). Thế nhưng giờ nhiều khả năng sẽ là hình chữ L (có sự giảm mạnh sau đó không tăng trưởng hoặc tăng trưởng rất trì trệ) – ông Wantanabe nhìn nhận. Lượng khách sử dụng tàu cao tốc của East JR trong tháng 8 vừa qua giảm 74% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Cũng trong tháng 8, East JR khởi động chương trình khuyến mãi giảm giá, hoàn toàn độc lập với gói “Go to travel” của chính phủ. Mức giảm giá lên đến 50% đối với tất cả các tuyến. Đã có 300.000 hành khách đặt mua vé tính đến ngày 25/9 và hãng hy vọng sẽ đạt mục tiêu 1.000.000 khách vào cuối tháng 3/2021.

Nhưng với mức giảm giá sâu này cùng với chi phí tài sản cố định cao đối với ngành đường sắt, những nhà vận hành tàu cao tốc như East JR sẽ phải rất chật vật trong tìm kiếm lợi nhuận ngay cả khi đại dịch COVID-19 chấm dứt. 

Công ty đường sắt miền Trung Nhật Bản (Central JR), chuyên vận hành các tuyến tàu cao tốc nối cố đô Kyoto với các thành phố lớn, trong đó có Tokyo, Hakata, cũng đang áp dụng chương trình giảm 50% giá vé với khách đi-về trong ngày. Nhưng Central JR cũng được dự báo sẽ phải gánh khoản lỗ 505 triệu USD trong năm tài khóa này. Lượng khách quốc tế tới Kyoto giảm tới 99,8% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái và trong bốn tháng liên tiếp gần như không có khách. Còn khách nội địa tới thăm cố đô này cũng giảm 50%. 

Để vượt qua thách thức, ngoài việc giảm giá vé, East JR cũng đang tính đến các giải pháp khác. Một chiến lược đang được hãng này cân nhắc là mở rộng hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa, hậu cần - như chuyển đồ ăn địa phương hoặc các sản vật của từng vùng như nho, lê, cá tới các khách hàng. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức
Hai 'đại gia' hàng không Mỹ sa thải hàng chục nghìn nhân viên
Hai 'đại gia' hàng không Mỹ sa thải hàng chục nghìn nhân viên

Ngày đầu tiên của tháng 10 là kết thúc giai đoạn các hãng hàng không Mỹ nhận được hàng tỷ USD viện trợ từ Quốc hội để tránh cho người lao động nghỉ việc tạm thời.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN