Hạ viện Thái Lan vừa thông qua một dự luật ân xá gây "bão" vào ngày 1/11 sau gần 20 giờ tranh cãi với 310 phiếu thuận trong khi bốn nghị sỹ của đảng Vì nước Thái vắng mặt và tất cả các nghị sĩ của đảng Dân chủ đều rút khỏi nghị trường trước lúc bỏ phiếu. Dự kiến dự luật này sẽ được chuyển lên Thượng viện thông qua vào ngày 11/11 trước khi được Hoàng gia phê chuẩn.
Quốc hội Thái Lan. Ảnh: Xinhua |
Dự luật gây tranh cãi trên do một số nghị sĩ đảng Vì nước Thái đề xuất, trong đó sẽ thực hiện ân xá cho tất cả các bên liên quan tới các cuộc xung đột chính trị cũng như tất cả các vụ án kể từ sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra tháng 9/2006.
Sự ân xá toàn diện này của dự luật đã gây ra nhiều phản ứng từ đảng Dân chủ và phe "áo đỏ" - những người vốn ủng hộ ông Thaksin và đảng cầm quyền, khiến Thái Lan có khả năng bị cuốn vào những bất ổn mới trong tương lai.
Đảng Dân chủ đối lập và những người phản đối ông Thaksin cho rằng dự luật ân xá toàn diện này sẽ giúp ông Thaksin thoát án tù mà ông ta đang lẩn trốn, đồng thời cũng giúp ông này lấy lại được số tiền 46 tỷ baht đang bị phong tỏa kể từ sau đảo chính.
Tuy nhiên, các nghị sĩ đảng Vì nước Thái giải thích rằng việc ông Thaksin có lấy lại được tài sản hay không không liên quan tới dự luật ân xá này. Năm 2010, Tòa án Tối cao Thái Lan đã ra phán quyết kết tội cựu Thủ tướng Thaksin lợi dụng chức vụ để thu lợi cho bản thân và gia đình số tiền 46 tỷ baht trong thương vụ với một tập đoàn truyền thông với Singapore.
Trong khi đó, phe "áo đỏ" cho rằng dự luật ân xá cũng sẽ giúp hai thủ lĩnh của đảng Dân chủ là cựu Thủ tướng Ahbisit Vejjajiva và cấp phó của ông là Suthep Thaugsuban không phải chịu trách nhiệm về các vụ đàn áp người biểu tình năm 2010, khiến 92 người thiệt mạng. Bốn nghị sỹ "áo đỏ" thuộc đảng Vì nước Thái thể hiện sự phản đối bằng việc không tham gia bỏ phiếu là Natthawut Saikaur, Weng Tojirakarn, Worachai Hema và Khattiya Kattipol.
Cả đảng Dân chủ và những người "áo đỏ" đều đã tổ chức các cuộc biểu tình riêng rẽ nhằm phản đối việc thông qua dự luật ân xá này. Ngoài ra, một số tổ chức khác như "Nhóm xanh" từng tham gia các cuộc biểu tình của phe áo vàng trước đây và "Mạng lưới nhân dân chống Thaksin" hay những người nông dân trồng cao su ở Surat Thani, nơi ông Suthep được bầu làm nghị sĩ, cũng tiến hành biểu tình.
Phe đối lập và các nhóm doanh nghiệp cho rằng dự luật này sẽ gây phương hại đến pháp trị. Các thành viên gia đình của 92 người thiệt mạng trong các cuộc bạo động chính trị năm 2010 nói rằng dự luật ngăn cản họ quy trách cho những người gây ra tội. Ông Kraisak Choonhavan, một thành viên của đảng Dân chủ, thì nói rằng dự luật này rõ ràng là giúp cho ông Thaksin thoát được vòng lao lý. Ông nói: “Nếu dự luật được thông qua, điều duy nhất mà họ (đảng cầm quyền) muốn là đem lại lợi ích cho một người, đó là ông Thaksin Shinawatra”.
Ông Chris Baker, chuyên gia bình luận chính trị Thái Lan, nhận định Chính phủ Thái, hiện do người em gái của ông Thaksin là bà Yingluck Shinawatra lãnh đạo, dường như tin rằng dự luật sẽ vượt qua được các thách thức pháp lý và các cuộc biểu tình ngoài đường phố.
Ông nói: “Chắc chắn dự luật sẽ bị phản đối. Dân chúng sẽ đệ đơn kiện và nói đó là vi hiến bởi vì cách thức dự luật bị thay đổi và sẽ có những người xuống đường. Rõ ràng, ông Thaksin và những người ủng hộ đã tính toán rằng có thể vượt qua vì các cuộc biểu tình gần đây diễn ra với quy mô nhỏ. Tôi nghĩ vấn đề là ở chỗ điều gì sẽ xảy ra”.
Một số dư luận tại Thái Lan cho rằng chính ông Thaksin muốn tạo ra những xung đột chính trị mới để có thể "kiến thiết lại từ đầu". Các chính trị gia trong đảng Vì nước Thái cố tình làm tràn ly nước để biến kịch bản trên trở thành hiện thực vì nếu một cuộc bầu cử bất thường xảy ra họ vẫn là người sẽ giành chiến thắng chứ không phải là đảng Dân chủ đối lập.
Tuy vậy, ngay nội bộ phe "áo đỏ" cũng bị chia rẽ trong vấn đề này khi một số người phản đối dự luật ân xá từng dọa sẽ không tiếp tục ủng hộ đảng Vì nước Thái song không thể chuyển sang ủng hộ đảng đối lập vì như thế sẽ gây hại cho cả hệ thống quyền lực hiện nay.
Lý do tiếp theo mà những người trong đảng Vì nước Thái muốn xúc tiến dự luật ân xá là vì họ đã "làm yên lòng" phe quân sự bảo thủ khi dự luật không bao gồm điều khoản ân xá cho tội khi quân. Mặt khác, trong hai năm cầm quyền, chính phủ của đảng Vì nước Thái đã có những cuộc trải nghiệm và họ nhận thấy các phong trào đường phố chống chính phủ chưa mạnh tới mức gây lo ngại. Trong trường hợp tồi tệ nhất và xã hội có biến cố, Thủ tướng chỉ cần tuyên bố giải tán quốc hội và kêu gọi bầu cử. Điều này đã được cả bà Yingluck và nhiều nhân vật có thế lực trong đảng Vì nước Thái ám chỉ vì một cuộc bầu cử trong thời điểm hiện nay nếu diễn ra thì chiến thắng vẫn thuộc về họ.
Chính những lý do trên đã khiến các thành viên đảng Vì nước Thái không ngần ngại xúc tiến kế hoạch của họ. Chính phủ đã tồn tại được hơn hai năm và họ chẳng quan tâm nhiều lắm nếu phải đi bỏ phiếu vào giữa nhiệm kỳ.
Giới quan sát lo ngại rằng nếu thông qua đạo luật ân xá này sẽ không mang lại sự ổn định trong đời sống chính trị Thái Lan như chính quyền mong muốn mà trái lại sẽ lại làm dấy lên một chu kỳ bạo động mới. Người đứng đầu Cơ quan an ninh quốc gia Thái Lan Paradorn Pattanatabutr bày tỏ lo ngại rằng những người quá khích sẽ khơi mào cho các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình và cảnh sát.
Cảnh sát cho biết chiều ngày 31/10 đã có 5.000 người tụ tập biểu tình ở 3 địa điểm ở thủ đô Bangkok, với cuộc tuần hành lớn nhất bắt đầu từ nhà ga Samsen ở khu phố cổ. Christian Lewis, một chuyên gia về Đông Nam Á thuộc nhóm Eurasia tư vấn nguy cơ chính trị, nhận định: "Những người biểu tình sẽ làm gia tăng lo ngại trong giới đầu tư về tình trạng bất ổn ở Thái Lan".
TTK