Ngăn Tổng thống đọc Thông điệp Liên bang đúng lịch, bà Nancy Pelosi ‘tuyên chiến’?

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi dường như đã “tuyên chiến” với Tổng thống Donald Trump khi có ý định ngăn ông đọc Thông điệp Liên bang ngày 29/1 nếu chính phủ còn đóng cửa.

Theo tờ Politico, động thái của bà Pelosi cho thấy bà là một thách thức lớn với Tổng thống Trump. Trong khi chưa biết bao giờ chính phủ mở cửa trở lại, chính trường Mỹ chứng kiến một cuộc đấu tranh chính trị chưa từng có tiền lệ giữa Tổng thống và Chủ tịch Hạ viện.

“Xa tanh và thép”

Từ trước tới nay, bà Pelosi luôn dành cho Tổng thống Trump những từ ngữ khó nghe. Khi bà ngày 16/1 quyết định không mời Tổng thống Trump tới Quốc hội đọc Thông điệp Liên bang hàng năm, Politico cho rằng đây là bước đầu tiên chống đối tổng thống mạnh mẽ nhất.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Ảnh: Getty

Sau hơn 2 năm Tổng thống Trump được tự do hành động khi hai viện quốc hội đều dưới sự kiểm soát của đảng Cộng hòa, bà Pelosi đang nói điều mà mọi người thuộc đảng Dân chủ muốn nói với Tổng thống: Không.

Nếu như lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số ở Thượng viện Chuck Schumer đã nhiều lần ngăn chặn các sáng kiến của Tổng thống Trump trong năm 2018 thì bà Pelosi là lãnh đạo đầu tiên có khả năng và sẵn sàng thách thức thực sự ông chủ Nhà Trắng kể từ khi ông nắm quyền. Khi nắm quyền kiểm soát Hạ viện và được dư luận ủng hộ trong cuộc chiến chính phủ đóng cửa, bà Pelosi được trao quyền hành động.  

Trong bức thư gửi Tổng thống Trump ngày 16/1, bà Pelosi đề xuất ông xếp lại lịch bài phát biểu cho tới khi chính phủ mở cửa trở lại. Theo Politico, đây là một “lời khiển trách choáng váng” nhằm vào tổng thống. Bà Pelosi thậm chí còn đề nghị tổng thống thay vì đọc Thông điệp Liên bang thì gửi thư cho Quốc hội, như thông lệ trong những năm 1800.

Bức thư có đoạn: “Đáng buồn là trong tình hình lo ngại về an ninh hiện nay và trừ khi chính phủ mở cửa lại tuần này, tôi đề xuất rằng chúng ta phối hợp để xác định một ngày phù hợp khác cho bài phát biểu sau khi chính phủ mở cửa lại. Hoặc ngài cần cân nhắc truyền tải Thông điệp Liên bang dưới dạng thư cho Quốc hội ngày 29/1”.

Bước đi của bà Pelosi được nhận định là táo bạo, khiến Nhà Trắng bất ngờ. Mặc dù động thái có thể gây tác dụng ngược nếu một số nghị sĩ Cộng hòa tỏ ra cảm thông với tổng thống, nhưng động thái này thể hiện chính xác hành động chính trị của bà Pelosi: cứng rắn, nhiều mưu mẹo, không sợ Tổng thống Trump và có khả năng gây bất ngờ cho đối thủ.

Chú thích ảnh
Bà Nancy là thách thức lớn với Tổng thống Trump. Ảnh: Politico

Hạ nghị sĩ Dân chủ Anna Eshoo, một đồng minh chính trị và là bạn lâu năm của bà Pelosi, nhận định một cách hoa mỹ: “Bà ấy vừa là xa tanh vừa là thép”. 

Bà Pelosi đang có kế hoạch phát động cuộc chiến chống lại Tổng thống Trump trên nhiều mặt trận khác khi nhằm vào mọi thứ từ các thỏa thuận kinh doanh, đời tư cho tới mối quan hệ với Nga, tức là mọi vấn đề Tổng thống Trump tìm cách tránh trong 2 năm qua.

Ủy ban Giám sát Hạ viện đã triệu tập ông Michael Cohen, cựu luật sư riêng của Tổng thống Trump để điều trần ngày 7/2, một tháng trước khi ông Cohen phải vào tù. Ông Cohen được cho là sẽ trình bày về các khoản tiền chi cho những phụ nữ mà ông Trump bị đồn có quan hệ để họ im lặng trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2016.

Ủy ban Tư pháp Hạ viện có lịch nghe quyền Bộ trưởng Tư pháp Matthew Whitaker trình bày ngày 8/2. Dự kiến, ông sẽ bị chất vấn về việc xử lý cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller.

Ngày 16/1, Tổng thanh tra của Cơ quan dịch vụ công liên bang đã có báo cáo nói rằng việc Tổng thống Trump cho thuê khu vực Old Post Office, nơi có Khách sạn Quốc tế Trump, là vi phạm Hiến pháp.

Phản ứng của phe Cộng hòa

Chưa hết sốc về thông báo ngăn Tổng thống Trump đọc Thông điệp Liên bang, lãnh đạo phe Cộng hòa thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy nói: “Điều mà Chủ tịch Hạ viện đang làm là có động cơ chính trị. Tôi cho rằng điều mà người dân Mỹ muốn chúng tôi làm là thực sự tìm được điểm chung để thương lượng”.

Chú thích ảnh
Đây là cuộc chiến chưa có tiền lệ giữa Tổng thống Trump và bà Pelosi. Ảnh: Politico

Nghị sĩ Cộng hòa Stve Scalise nói: “Bà Pelosi là một phần của phong trào ‘Phản kháng’ không muốn thừa nhận rằng ông Trump đã được bầu làm tổng thống. Và họ muốn tận dụng thế đa số trong một nghị trình ngăn chặn bất kỳ điều gì tổng thống muốn làm”.

Trong khi đó, Tổng thống Trump đa phần kiềm chế công kích bà Pelosi. Tuy nhiên, khi bà Pelosi đang gây khó khăn cho mình, trong những ngày gần đây, tên của bà đã bắt đầu xuất hiện thường xuyên hơn trên Twitter của ông Trump. Ông hỏi những người theo dõi Twitter của mình ngày 15/1: “Tại sao bà Nancy Pelosi được trả lương khi những người đang làm việc lại không được trả lương?”

Cuộc chiến giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi dự kiến còn dai dẳng và chưa biết khi nào họ mới đạt thỏa thuận để mở cửa lại Chính phủ Mỹ.

Việc chính phủ đóng cửa đã khiến 800.000 nhân viên liên bang phải nghỉ phép hoặc làm việc không lương. Tình trạng này kéo dài 26 ngày qua đã gây nhiều khó khăn, xáo trộn cho người dân Mỹ. 

Đây là lần đóng cửa chính phủ dài kỷ lục trong lịch sử nước Mỹ. Theo các cuộc khảo sát dư luận, đa số cho rằng Tổng thống Trump là người chịu trách nhiệm về lần đóng cửa chính phủ này. 

Kết quả các cuộc thăm dò dư luận của công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường toàn cầu Ipsos công bố ngày 15/1 cho thấy có 51% số  người được hỏi cho rằng ông Trump là căn nguyên gây ra tình trạng này. 

Thùy Dương/Báo Tin tức
Chính phủ đóng cửa, nhân viên ngoại giao Mỹ mất tinh thần vì làm việc không lương
Chính phủ đóng cửa, nhân viên ngoại giao Mỹ mất tinh thần vì làm việc không lương

Bộ Ngoại giao Mỹ đang mất nhuệ khí làm việc khi chính phủ đóng cửa tuần thứ tư. Các nhà ngoại giao Mỹ trong nước và ngoài nước đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN