Nga, Ukraine: Ai sẽ bứt phá trong cuộc cải cách kinh tế?

Với cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn chưa đi vào hồi kết, hai quốc gia có chung đường biên giới Ukraine và Nga cùng bước vào năm 2015, đương đầu với hai cuộc suy thoái kinh tế riêng. Điều này hứa hẹn sẽ tạo ra một cuộc tranh đua về cải cách để thoát khỏi khủng hoảng.

Năm 2014, Nga và Ukraine cùng rơi vào một cuộc chiến tranh ở cấp độ thấp liên quan đến vùng lãnh thổ và xảy ra sau khi Ukraine có xu hướng ra xa khỏi Moskva.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo thường niên lần thứ 10 ngày 18/12/2014. Ảnh: AFP/ TTXVN


Năm nay, trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine đã bị đóng băng bởi lệnh ngừng bắn, cả Nga và Ukraine lại phải đối đầu với cuộc suy thoái kinh tế riêng và dành nhiều sự quan tâm hơn nữa cho các vấn đề trong nước, bởi nếu không nhanh chóng cải cách, điều khó tránh khỏi là sự mất tín nhiệm và suy yếu.

Với 11 tháng có lẻ ở phía trước, cuộc cạnh tranh Ukraine - Nga có thể sẽ chuyển thành việc giành thắng thế bằng những biện pháp giúp cải tử hoàn sinh cho nền kinh tế. Trước câu hỏi "kiểu mẫu điều hành nào sẽ mang lại sự tăng trưởng ổn định?", giới quan sát cho rằng, với những chồng lấn về lịch sử, văn hóa và tôn giáo, Nga và Ukraine hứa hẹn tạo ra một cuộc thử nghiệm vô song khi cả hai cùng phải xử lý những thách thức hóc búa nội tại.

Kể từ tháng 11 năm ngoái, tại Ukraine, đất nước với tệ tham nhũng trứ danh và khoản nợ khổng lồ, các nhà lãnh đạo đưa ra những cam kết cải cách căn bản như tinh giản chính phủ để hạn chế nạn hối lộ. Bên cạnh đó, phần lớn các bộ trưởng mới được chọn ở quốc gia này đều là những người trẻ tuổi và có năng lực nói tiếng Anh. Dù thuộc hai đảng khác nhau, song hai nhà lãnh đạo của Ukraine là Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk và Tổng thống Petro Poroshenko có vẻ như đang đoàn kết trong một liên minh chính nhị nhằm thúc đẩy sự minh bạch và tinh thần trách nhiệm.

Thủ tướng Yatsenyuk phát biểu sau khi Quốc hội phê chuẩn nội các mới tại phiên họp ở Kiev ngày 2/12. Ảnh: AFP-TTXVN


Trong số những chướng ngại mà chính quyền mới ở Kiev đang vấp phải là sức nóng chính trị đến từ những người từng góp phần vào việc lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych hồi tháng 2/2014, trong khi Liên minh Châu Âu và Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF cũng tăng cường sức ép cải cách. Ukraine cần thêm 15 tỉ USD cùng với khoảng 17 tỉ USD mà IMF đã cam kết.

Để có được tiền, cải cách cần diễn ra một cách nhanh chóng, dù cho những cải cách đó động chạm tới những đầu sỏ kinh tế nắm giữ các ngành công nghiệp chính. Và để thực hiện được điều này, cần phải xem các quan chức của Ukraine dũng cảm đến đâu.

Trong khi đó, tại Nga, trong cuộc họp báo thường niên diễn ra hồi tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Vladimir Putin đã cam kết sự hồi phục của kinh tế là là điều “không thể tránh khỏi”, và sẽ diễn ra trong khoảng thời gian hai năm. Mặc dù vậy, Tổng thống Nga không đưa ra nhiều chi tiết về những biện pháp ông sẽ thực hiện để đạt được mục tiêu này.

Dù có được sự ủng hộ lớn tại quê nhà với chính sách trong năm 2014, nhưng giờ đây ông Putin phải đối mặt với sự sụp đổ của đồng nội tệ, lạm phát cao cũng như các lệnh cấm vận ngày càng nhiều của phương Tây nhằm trả đũa quyết định sáp nhập bán đảo Crimea (Crưm) hồi tháng 3/2014. Bên cạnh đó, không thể không kể đến sự ảnh hưởng của tình trạng giảm sút lợi nhuận dầu mỏ trong dài hạn tới ngân sách quốc gia. Nga cũng đối mặt với việc giảm dân số cũng như sự di cư những người giàu có.

Cuộc cải cách chính của ông Putin cho đến nay là ngăn chặn nền kinh tế khỏi sự cạnh tranh từ nước ngoài. Tổng thống Nga đồng thời hy vọng giá dầu sẽ hồi phục trong hai năm tới và chính phủ của ông có thể cầm cự dựa vào hơn 400 tỉ USD dự trữ ngoại tệ có được từ nhiều năm bán dầu giá cao.

Ngân hàng Trung ương Nga đã nỗ lực để thu hút các nhà đầu tư giữ tiền trong nước, tăng lãi suất cơ bản lên 17% từ 10,5%, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng đồng ruble hồi năm 1998. Nhưng nỗ lực này cũng không mang lại kết quả rõ ràng. Thất bại của Ngân hàng Trung ương Nga đồng nghĩa với việc ngân hàng này sẽ phải tiếp tục cố gắng. Vấn đề là những cố gắng đó sẽ dẫn về đâu.


Anh Minh (Tổng hợp)

Đối sách của Nga làm khó NATO
Đối sách của Nga làm khó NATO

Tổng thống Nga đã lựa chọn một đối sách khá hợp lý, vừa cứng rắn lại vừa mềm dẻo, khôn ngoan nhằm tránh bị cuốn theo những khiêu khích từ NATO.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN