Nga soạn sửa nghị trình, Mỹ chuẩn bị hồ sơ tâm lý trước cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Putin

Nhà Trắng ngày 4/7 xác nhận cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ diễn ra ngày 7/7 tại Đức. Vậy hai bên đang chuẩn bị những gì cho cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo thu hút sự chú ý của cả thế giới này?

Theo tờ Los Angeles Times, cuộc gặp giữa hai tổng thống vốn dành cho nhau những lời tán dương trong suốt thời kỳ chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016 chắc chắn sẽ là một điểm nhấn của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới G20 ở thành phố Hamburg, Đức.


Đây sẽ là cuộc đối thoại chính thức đầu tiên giữa ông Putin và một tổng thống Mỹ trong vòng gần hai năm qua, kể từ khi chính quyền Mỹ tiền nhiệm cô lập Nga sau khi Moskva sáp nhập bán đảo Crimea.

Sẽ có gì trong cuộc gặp đầu tiên giữa ông Trump (trái) và ông Putin? Ảnh: EPA

Ông Steven Pifer, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine, nhận định: “Tôi hơi lo về cuộc gặp vì ông Putin sẽ bước vào phòng họp trong phong thái chuẩn bị kỹ càng. Và tôi không chắc ông Trump có sẵn sàng như vậy trước khi bước cuộc gặp”.


Mỹ ráo riết chuẩn bị “vũ khí” cho ông Trump


Nếu ông Trump tỏ ra chưa sẵn sàng cho cuộc gặp thì đó sẽ không phải là do phía Mỹ thiếu nỗ lực chuẩn bị cho tổng thống. Trước cuộc đối mặt đầu tiên của ông Trump với ông Putin, giới chức tình báo Mỹ đã chuẩn bị một hồ sơ tâm lý chi tiết về ông Putin, một cựu điệp viên từng tuyển mộ gián điệp cho Liên xô cả chục năm.


Theo hai quan chức Mỹ, hồ sơ này là một phần trong một tập tài liệu dầy cộp chuẩn bị cho ông Trump. Do ông Trump thường không đọc cả tập báo cáo dài và chỉ nghe báo cáo trực tiếp, nên các phụ tá cũng viết sẵn cả một danh sách các câu có độ dài bằng một dòng tweet, trong đó tổng kết lại những điểm chính mà ông Trump có thể đề cập khi gặp ông Putin.


Vậy nhưng các phụ tá cấp cao Mỹ cũng “mù tịt” về những gì hai tổng thống sẽ bàn thảo với nhau. Cố vấn An ninh Quốc gia của ông Trump, tướng H. R. McMaster, nói với phóng viên: “Tổng thống thực sự sẽ nói bất kỳ điều gì ông ấy muốn nói”.


Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, nghị sĩ Dân chủ Adam B. Schiff thuộc Ủy ban Tình báo Hạ viện cảnh báo: Ông Trump sẽ bị phản ứng mạnh nếu không nói ông Putin tránh xa các cuộc bầu cử Mỹ trong tương lai. Giới chức Mỹ vốn cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ - điều mà Nga kiên quyết bác bỏ. Theo ông Schiff, ông Trump sẽ mắc sai lầm lớn nếu không có dũng khí đề cập tới vấn đề đó với ông Putin.

Các quan chức Mỹ chuẩn bị nhiều thông tin cho ông Trump trước cuộc gặp. Ảnh: AP

Các quan chức như Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đang tìm cách sửa soạn kỹ lưỡng kịch bản tương tác cho ông Trump để ngăn chặn ông Putin tìm cách thao túng cuộc gặp theo hướng có lợi cho mình.


Một quan chức Mỹ nói: Ông Putin vốn nổi tiếng là người chuẩn bị tỉ mỉ cho các cuộc gặp “nguy hiểm” như vậy với các đối tác nước ngoài. Ông thường xây dựng một loạt mục tiêu chính xác và “mài” chiến lược nhằm khiến đối tác phải nhượng bộ.


Ông John Herbst, chuyên gia chính sách đối ngoại thuộc Hội đồng Đại Tây Dương và là Đại sứ Mỹ tại Ukraine thời Tổng thống George Bush, nhận định: “Ông Putin là một cựu đặc vụ KGB và các đặc vụ KGB là chuyên gia dụ dỗ, biết cách thuyết phục người khác làm điều mình muốn”. Nhưng theo ông Herbst, không khí cuộc gặp sẽ tốt vì “tổng thống của chúng ta dường như yêu quý ông Putin”.


Từng giúp các tổng thống Mỹ và ngoại trưởng chuẩn bị cho các cuộc gặp tương tự trước đó, ông Herbst cho rằng ông Putin sẽ tìm cách thiết lập liên hệ cá nhân với ông Trump – vốn bị các đối tác toàn cầu đánh giá là đặc biệt dễ bị tán dương. Ông Putin sẽ muốn thuyết phục ông Trump rằng Nga không phải là mối nguy hiểm và NATO không quan trọng như các cố vấn Mỹ nói.


Ngoài việc chuẩn bị cho ông Trump trước cuộc gặp với ông Putin, giới chức Mỹ còn tìm cách tăng cường lợi thế cho ông Trump trước cuộc gặp. Ông Trump được sắp xếp phát biểu ngày 6/7 ở Warsaw và gặp các lãnh đạo Đông Âu để nỗ lực nhấn mạnh cam kết sát cánh đối phó với việc Nga tìm cách giành ảnh hưởng ở khu vực này.


Tuy nhiên, việc ông Trump thể hiện tinh thần đoàn kết với Đông Âu trước khi gặp ông Putin có thể làm phức tạp thêm nỗ lực tạo lập kỷ nguyên mới cho mối quan hệ Nga-Mỹ tốt đẹp.


Nga trau chuốt nghị trình


Trong khi đó, về phía Nga, theo hãng tin ABCNews, Tổng thống Putin sẽ đòi Mỹ trả lại hai khu phức hợp ngoại giao mà Mỹ đã tịch thu của Nga. Một quan chức cấp cao Nga cảnh báo rằng lòng kiên nhẫn của Nga về vấn đề này sắp cạn.


Cố vấn các vấn đề ngoại giao của ông Putin, Yuri Ushakov cho biết chính phủ Nga đã “linh hoạt bất thường” khi không trả đũa hồi tháng 12/2016 – thời điểm Tổng thống Mỹ khi đó Barack Obama đã tịch thu hai khu phức hợp ở bang New York và Maryland, đồng thời trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga với cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ.


Ông Ushakov kêu gọi Mỹ “miễn cho Nga nhu cầu thực hiện các động thái trả đũa”.

Tổng thống Putin (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Getty Images

Nhà Trắng gần đây đang tính toán trả lại hai khu phức hợp nhằm cải thiện quan hệ với Nga. Hai khu vực này vốn được Đại sứ quán Nga dùng làm nơi giải trí nhưng giới tình báo Mỹ lại nói rằng đó là căn cứ gián điệp.


Trong một tuyên bố phát ngày 3/7, Điện Kremlin cũng xác nhận ông Putin sẽ đề cập vấn đề này với ông Trump trong cuộc gặp đầu tiên giữa hai người ở Đức. Ông Putin sẽ hối thúc tìm giải pháp nhanh nhất cho vấn đề được mô tả là điều khó chịu trong quan hệ Nga-Mỹ.


Điện Kremlin còn công bố một danh sách dài các lĩnh vực mà họ cho rằng có thể hợp tác với Mỹ. Các vấn đề hàng đầu được liệt kê cho cuộc gặp là việc Nga bất mãn với các biện pháp trừng phạt của Mỹ, mong muốn hợp tác chống khủng bố quốc tế, cuộc khủng hoảng Syria và cải thiện nỗ lực kiểm soát vũ khí hạt nhân.


Phần lớn các vấn đề tương tự như những gì Điện Kremlin từng đưa ra với chính quyền Obama, trong đó nhấn mạnh Nga mong muốn khôi phục quan hệ bình thường.


Tuyên bố của Điện Kremlin có đoạn: Có tiềm tăng hợp tác lớn. Hai nước có thể cùng nhau làm tốt hơn trong giải quyết các khủng hoảng khu vực như Ukraine, Libya, xung đột Israel-Palestine. Nga cũng muốn khôi phục quan hệ kinh doanh với Mỹ.


Tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết ông hi vọng cuộc gặp sẽ khiến quan hệ Mỹ-Nga rõ ràng và cảnh báo rằng nếu không tìm cách bình thường hóa quan hệ, đó sẽ là sai lầm nghiêm trọng.


Có đạt đột phá?


Theo ABC News, dù được dư luận trông đợi nhưng cuộc gặp khó có thể đột phá. Ngoài việc trả lại khu phức hợp ngoại giao, không có nhiều điều để hai tổng thống có thể nói với nhau. Trong nhiều lĩnh vực, lợi ích Nga và Mỹ không gặp nhau mấy và điều đó cũng chưa thay đổi thời ông Trump.


Về Syria, hai bên đã xung đột nghiêm trọng gần đây sau vụ máy bay Mỹ bắn hạ chiến đấu cơ Syria.


Về Ukraine, Nhà Trắng tuyên bố sẽ không bỏ trừng phạt Nga nếu Nga chưa trả lại Ukraine bán đảo Crimea. Tại Thượng viện, cả hai đảng đang xây dựng các biện pháp trừng phạt Nga vì cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ.


Bà Maria Lipman, một nhà phân tích chính trị kỳ cựu ở Moskva nhận định: “Tôi không cho là chúng ta nên kỳ vọng bất kỳ đột phá nào.Thậm chí là cả việc cuộc gặp là khởi đầu cho việc giải quyết các vấn đề lớn”.


Trong chiến dịch tranh cử tổng thống và sau bầu cử, một số quan chức Nga và báo chí lạc quan rằng ông Trump sẽ cải thiện quan hệ với Nga. Tuy nhiên, hi vọng này tới nay chưa thành hiện thực.


Theo bà Lipman, Điện Kremlin ngày càng nhận ra rằng ông Trump bị hạn chế khả năng nghiêm trọng trong việc thay đổi chính sách Mỹ với Nga, nhất là khi đang chịu sức ép vụ bê bối điều tra liên quan tới Nga.


Thùy Dương/Báo Tin Tức
Ngoại trưởng Lavrov tiết lộ gì về cuộc gặp mặt Trump-Putin tại Đức
Ngoại trưởng Lavrov tiết lộ gì về cuộc gặp mặt Trump-Putin tại Đức

Theo Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump rất có khả năng có buổi nói chuyện bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra trong tuần tới tại Hamburg, Đức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN