Nga: 'Liệu pháp' mạnh có giúp ổn định thị trường tiền tệ?

Nước Nga đang chứng kiến đồng ruble - đồng nội tệ, bị mất giá kỷ lục sau khi Ngân hàng Trung ương tuyên bố thay đổi chính sách can thiệp vào thị trường tiền tệ, nhằm tăng tính linh hoạt của đồng ruble, khi tỷ giá biến động. Đây là một bước đi tiến gần hơn tới việc thực hiện kế hoạch thả nổi đồng nội tệ. Và trong vài ngày qua, đồng ruble (Nga) đã mất giá nhanh hơn bất kỳ loại tiền tệ nào trên thế giới, trong khi dự trữ ngoại tệ giảm xuống mức thấp nhất trong suốt 4 năm qua.


Mỗi ngày, người dân Nga lại lo lắng chờ đợi một "đáy" mới của đồng ruble so với đồng USD. Ảnh: Reuters.


Đồng ruble Nga bị mất giá kỷ lục so với đồng USD được ghi nhận vào thời điểm ngày 5/11, với tỷ giá thấp kỷ lục được thiết lập là hơn 45 rúp quy đổi được 1 USD, sau khi Ngân hàng Trung ương Nga tuyên bố từ bỏ chính sách can thiệp tiền tệ không giới hạn được áp dụng thời gian qua. Thay vào đó, Nga sẽ hạn chế lượng tiền bơm vào thị trường xuống mức tối đa là 350 triệu USD mỗi ngày, nhằm thúc đẩy tính linh hoạt của tỷ giá ruble trên thị trường. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc tỷ giá ruble sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các yếu tố thị trường. Ngay sau động thái trên, đồng ruble Nga đã liên tục thiết lập các "đáy" mới so với đồng USD, mặc dù đây không phải là kết cục quá bất ngờ đối với các nhà chuyên môn. Từ lâu, giới chuyên môn đã khuyến cáo về những nguyên nhân sâu xa làm xói mòn giá trị đồng ruble, trước hết do xu thế giá dầu thế giới giảm mạnh, cộng với các lệnh trừng phạt kinh tế chống Nga mà phương Tây áp đặt, liên quan cuộc khủng hoảng tại nước láng giềng Ukraine, đã bắt đầu phát tác. Bởi vậy, mặc dù trong tháng 10, Nga đã chi gần 30 tỷ USD để giải cứu đồng ruble, song họ đã không thể kiểm soát nổi đà sụt giảm của đồng nội tệ trong mức kiểm soát dự tính.


Hơn nữa, theo nhận định ngày 6/11 của Phó Thống đốc thứ nhất Ngân hàng Trung ương Nga Ksenia Yudaeva, "đồng ruble Nga hiện đang bị thị trường định giá thấp và Ngân hàng Trung ương Nga có quyền can thiệp thị trường trong trường hợp xuất hiện những rủi ro đối với sự ổn định tài chính". Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Nga có thể sử dụng các công cụ tài chính để ngăn xu hướng tiêu cực trên thị trường ngoại hối, trong đó có việc tăng mạnh lãi suất chủ chốt (thêm 1,5%) hồi tháng 3 vừa qua. Ngân hàng trung ương Nga cũng đã thực hiện rót 350 triệu USD mỗi lần, khi đồng ruble tuột khỏi quãng giới hạn, sau đó tiếp tục nâng biên độ giao dịch của ruble so với giá trị rổ tiền tệ mục tiêu thêm 5 kopek. Tuy nhiên việc lặp lại chu trình này đã tạo cơ hội cho giới đầu cơ giao dịch kiếm lời. Bởi thế, Nga quyết định sẽ chỉ chi 350 triệu USD 1 lần duy nhất trong ngày để hỗ trợ, nếu đồng ruble vượt qua biên độ dao động. Đây chính là một "bước dài hướng tới thả nổi đồng ruble", song giới chuyên môn cho rằng điều đó sẽ giúp đồng ruble thiết lập giá sàn nhanh hơn so với cơ chế cũ, và Ngân hàng Trung ương cũng sẽ phải rút ít tiền hơn từ kho dự trữ ngoại hối quốc gia.


Ngoài ra, Nga cũng không loại trừ khả năng tiếp tục nâng lãi suất và sử dụng công cụ giao dịch PERO, cho phép Ngân hàng Trung ương Nga giao dịch mua hoặc bán lại chứng khoán có kỳ hạn được sử dụng trên thị trường tài chính trong thời hạn 12 tháng, nhằm đảm bảo bình ổn chức năng hoạt động của ngân hàng và giảm áp lực lên tỷ giá đồng ruble. Trong trường hợp giá trị đồng ruble đạt mức trần chạm đỉnh (hoặc đáy), Ngân hàng Trung ương Nga sẽ thực hiện giao dịch mua (hoặc bán) ngoại tệ hạn chế ở mức tương đương 350 triệu USD/ngày. Cùng với một loạt biện pháp khác, Ngân hàng Trung ương Nga dự kiến bình ổn tỷ giá đồng rúp trước cuối năm nay.

Nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD của Nga đang bên bờ vực suy thoái. Song dường như đó chỉ là kịch bản xấu nhất và không dễ xảy ra. Mặc dù kho dự trữ ngoại hối, của quốc gia xuất khẩu năng lượng hàng đầu thế giới này, đã chảy ròng 73 tỷ USD trong 2014, chạm đáy thấp nhất trong 4 năm qua với mức dự trữ 439 tỷ USD tính đến ngày 24/10. Thêm vào đó việc giá dầu thế giới tiếp đáy thấp nhất trong 4 năm qua cũng khiến Nga – quốc gia có nguồn thu nhập quốc dân chiếm tới 50% bằng việc xuất khẩu năng lượng, lại càng làm cho tình hình thêm tồi tệ, trong khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đang tạo ra tình trạng khan hiếm USD tại Nga.


Tuy nhiên, bất chấp một thực tế không thể phủ nhận là kinh tế Nga bị ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, đồng ruble rớt giá mạnh, song giới chuyên môn dự báo rằng vẫn trong tầm kiểm soát của Nga và đồng ruble có thể được bình ổn trước cuối năm nay, khi mà nước này áp dụng các “liệu pháp” mạnh, tiến sát hơn tới kế hoạch thả nổi đồng nội tệ.


Quế Anh (P/v TTXVN tại LB Nga)
Thị trường tiền tệ Trung Quốc ổn định trở lại

Thị trường tiền tệ Trung Quốc đã trở lại bình thường sau một đợt sóng gió khi thị trường liên ngân hàng xuất hiện tình trạng khan hiếm tiền mặt và lãi suất biến động mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN