Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong cuộc gặp tại Moskva hồi đầu tháng 5 vừa qua đã thỏa thuận sẽ kết nối dự án Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc với Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU). Nói cách khác, lãnh đạo hai nước dự kiến thành lập một không gian kinh tế chung nối giữa Nga và Trung Quốc với các nước láng giềng của hai nước này.
Tổng thống Putin (phải) và Chủ tịch Tập Cận Bình tại lễ ký các thỏa thuận hợp tác song phương hôm 8/5. Ảnh: THX/TTXVN |
Tuy nhiên giới phân tích hiện còn nhiều tranh cãi xung quanh khả năng hiện thực hóa ý tưởng này và những lợi ích thực tế mà Nga có thể nhận được. Dự án “Một vành đai, một con đường” về bản chất là một dự án mang tính toàn cầu. Dự án này bao trùm 60% dân số thế giới, với năng lực sản xuất ra 30% tổng GDP toàn cầu. Trên thực địa, Con đường tơ lụa mới kết nối các huyết mạch giao thông đường bộ, trên biển, các tuyến giao thương then chốt và giúp gắn kết sản xuất cũng như tiềm năng con người ở khắp các châu lục, từ đại lục địa Á - Âu đến Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương.
Giới chuyên gia Trung Quốc khẳng định, Nga sẽ được lợi nếu tham gia vào tiến trình thương mại đầy tham vọng này của Trung Quốc bởi giữa Moskva và Bắc Kinh đang có mối quan hệ hết sức nồng ấm, hai quốc gia đều là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, có sự phối hợp chặt chẽ ở các diễn đàn song phương, đa phương, quốc tế và khu vực như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), đồng thời cấu trúc hai nền kinh tế có tính bổ khuyết cho nhau. Trong trường hợp Nga tham gia vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và vận tải với Trung Quốc thì không chỉ được lợi từ việc làm địa bàn trung chuyển hàng hóa Trung Quốc xuất sang châu Âu, mà còn có điều kiện tiếp cận các thị trường khác ở châu Á, nơi sự hiện diện của Nga còn rất khiêm tốn như Campuchia, Thái Lan, Malaysia.
Trong khi đó, với cái nhìn thận trọng hơn, giới chuyên gia Nga lại chỉ ra rằng Nga sẽ không được lợi như mong muốn bởi kim ngạch thương mại song phương hiện mất cân đối theo hướng bất lợi cho Nga và rất không tương xứng với tiềm năng và quy mô của hai nền kinh tế Nga - Trung. Theo số liệu thống kê năm 2012, kim ngạch thương mại Trung - Nga chỉ đạt 88 tỷ USD, trong khi kim ngạch Trung - Mỹ là 500 tỷ USD, Trung Quốc - Liên minh châu Âu (EU) là 546 tỷ USD và Trung - Nhật là 320 tỷ USD. Bên cạnh đó, kim ngạch thương mại Nga - Trung chủ yếu dựa trên sự tham gia của các tập đoàn nhà nước, mà mô hình hợp tác này đang ngày càng kém phù hợp với nền kinh tế thị trường của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Phó Giám đốc Viện kinh tế thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga Svetlana Glinkina cho rằng Nga không nên quá kỳ vọng vào các lợi ích có thể thu được khi tham gia vào các liên kết kinh tế với Trung Quốc. Lẽ dĩ nhiên khi quan hệ với phương Tây gặp vấn đề thì Nga sẽ chuyển hướng sang phía Đông, song Bắc Kinh luôn tiến hành chính sách khôn ngoan trong việc đa dạng hóa các nguồn cung hàng hóa cho nước này và tranh thủ tối đa các diễn biến bất thường trên thị trường để có được mức giá có lợi nhất.
Con đường tơ lụa mới là dự án lớn và được tính toán dựa trên những mục tiêu hết sức cụ thể. Để thực hiện dự án này, Trung Quốc dự định chi 21.000 tỷ USD, trong đó 8.000 tỷ USD được huy động từ khối doanh nghiệp tư nhân. Xuất phát từ nguyên tắc quyền lực thuộc về người có tiền thì trong trường hợp này một nước Nga đang thiếu hụt nguồn lực tài chính rõ ràng không có chỗ đứng tốt đẹp trong cuộc phân chia miếng bánh lợi nhuận từ Con đường tơ lụa mới.
Giới chuyên gia cho rằng xét về tổng quan Nga có thể để tuột lợi thế về tay Trung Quốc nếu trở thành một mắt xích của Con đường tơ lụa mới. Vì vậy, thay vì đi theo tiến trình liên kết này, Nga có thể tăng cường quan hệ với các nước ASEAN để nâng cao trao đổi thương mại với khu vực tăng trưởng tiềm năng này.