Theo chuyên gia kỳ cựu về các vấn đề Á-Âu Paul Goble, Giám đốc nghiên cứu và xuất bản tại Học viện Ngoại giao Azerbaijan ngày 16/5, một tháng trước, Nga lo ngại rằng họ sẽ mất đi ảnh hưởng trên khắp Nam Caucasus, đáng kể nhất là việc sớm rút “lực lượng gìn giữ hòa bình” khỏi Azerbaijan và một số lính biên phòng từ Armenia.
Cụ thể, đầu mùa xuân này, Điện Kremlin dường như đã nhượng bộ quá nhiều ở Nam Caucasus - hoặc ít nhất là ở thế phòng thủ - đến mức một số nhà bình luận Nga đã thảo luận về việc Moskva có thể đã “mất” hoàn toàn và vĩnh viễn khu vực này vào tay phương Tây. Họ đưa ra nhiều lý do có vẻ thuyết phục.
Đầu tiên, Moskva rút lực lượng gìn giữ hòa bình khỏi Karabakh và lính biên phòng ở biên giới Armenia.
Thứ hai, Armenia đang hạn chế sự tham gia vào Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) và Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu và đang nói về việc gia nhập Liên minh châu Âu và thậm chí cả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Thứ ba, Gruzia vẫn giữ khoảng cách với Nga và mở rộng quan hệ với phương Tây.
Thứ tư, Armenia và Azerbaijan đang đạt được tiến bộ hướng tới một hiệp định biên giới độc lập với sự hòa giải của Moskva.
Thứ năm, Baku đang tiến hành một cuộc tập trận hải quân lớn và độc lập trên Biển Caspian cũng như tiếp tục thân thiện với Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, trong vài tuần qua, tình hình ở cả ba nước dường như đang diễn biến theo hướng ngược lại với những gì Nga lo ngại. Chính phủ Gruzia, thông qua đảng Giấc mơ Gruzia cầm quyền, ngày càng có quan điểm thân Nga và chống phương Tây.
Đảng này đã giới thiệu lại và thúc đẩy thông qua luật “các cơ quan đại diện nước ngoài” gây tranh cãi kiểu Nga, dẫn đến ra các cuộc biểu tình lớn. Tổng thống Gruzia Salome Zourabichvili và phe đối lập Gruzia coi quyết định của đảng Giấc mơ Gruzia thân Nga, trong khi phương Tây cho rằng luật mới sẽ ngăn cản tư cách thành viên của Gruzia trong Liên minh châu Âu và NATO.
Tại Armenia, Thủ tướng Nikol Pashinyan vẫn cam kết đạt được thỏa thuận hòa bình với Baku và sự hội nhập của nước này với phương Tây. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa Yerevan và Baku đã bị chậm lại do các cuộc biểu tình rầm rộ của người Armenia phản đối việc ông Pashinyan nhường bất kỳ phần lãnh thổ nào cho Azerbaijan và đặt ra câu hỏi về sự ổn định và lâu dài của chính phủ do Thủ tướng Pashinyan lãnh đạo.
Có lẽ quan trọng nhất là Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, người từ lâu đã theo đuổi đường lối độc lập hơn, hiện nói rằng Nga sẽ không bao giờ rời khỏi Nam Caucasus và vẫn là cường quốc trong khu vực.
Tóm lại, liệu Moskva có thể tận dụng tuyên bố trên của Tổng thống Azerbaijan về tầm quan trọng của Nga ở Nam Caucasus và sự nồng ấm trong các cuộc gặp song phương gần đây giữa ông Aliyev và Tổng thống Nga Vladimir Putin hay không vẫn còn phải chờ xem. Tuy nhiên, không thể nghi ngờ rằng đây là một bước tiến đáng kể đối với Nga, quốc gia luôn coi Azerbaijan là nước quan trọng nhất ở Nam Caucasus. Điều này là đặc biệt ấn tượng, đến vào thời điểm mà nhiều người ở Nga và phương Tây chỉ tính đến sự nhượng bộ của Moskva trong khu vực.