NATO sẽ ra sao nếu không có Mỹ?

Báo Le Monde của Pháp số ra mới đây dẫn đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu quốc phòng Pháp nhận xét việc Mỹ rút dần các cam kết trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể sẽ dẫn đến việc châu Âu tăng cường các phương tiện quân sự.

Thực vậy, hành động can thiệp quân sự của phương Tây vào Libi giúp đưa ra hai nhận định: Thứ nhất, rất ít quốc gia châu Âu có khả năng đáp ứng năng lực quân sự trên tuyến đầu và phần nhiều trong số họ chỉ đưa ra cam kết, mà không có đóng góp thực tế. Thứ hai, việc Mỹ tham gia với vai trò hạn chế trong cuộc chiến Libi đã đặt ra vấn đề về khả năng tự chủ của NATO. Chính vì vậy, NATO đã kêu gọi sự trợ giúp. Tháng 6/2011, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Robert Gates đã phát biểu rằng nếu tình trạng suy yếu về năng lực quân sự hiện nay của châu Âu không có lời giải, các nhà lãnh đạo tương lai của Mỹ rất có thể sẽ tự đặt câu hỏi: Liệu sự đầu tư của Mỹ trong NATO có xứng đáng với chi phí họ bỏ ra hay không?

Sự cảnh báo của Mỹ trước hết phản ánh thực tế Mỹ đang gặp phải vấn đề về ngân sách. Cuộc khủng hoảng tài chính, cũng như cuộc chiến Irắc và Ápganixtan, đã đẩy gánh nặng nợ công của Mỹ tới mức không kham nổi. Tuyên bố từ đầu năm 2010 của chính quyền Mỹ từ bỏ khả năng tham gia tác chiến đồng thời trên hai mặt trận chính là tín hiệu mạnh đầu tiên. Ưu tiên hiện nay của Mỹ là những vấn đề trong nước. Song song với những vấn đề này là sự nổi lên của mối đe dọa hiện hữu từ Trung Quốc. Vì vậy, việc rút một phần cam kết khỏi NATO đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ rảnh tay hơn và hướng ưu tiên năng lực quân sự hơn cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sự đảo lộn này đã được thực hiện với việc triển khai theo kế hoạch phần lớn lực lượng Mỹ tại khu vực này.

Theo báo Le Monde, Mỹ sẽ không từ bỏ NATO, song sự can dự của họ trong tổ chức này sẽ giảm từng bước. Hậu quả nhãn tiền sẽ là liên minh quân sự này sẽ phải căng sức ra, trong đó chỉ có các quốc gia thành viên châu Âu với Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi duy trì hoạt động của NATO. Đó cũng là một tín hiệu cho thấy phải tăng cường tính trách nhiệm hoàn toàn và đầy đủ của nền quốc phòng châu Âu trong tổ chức này. Châu Âu cần trở thành một liên minh thực sự tự chủ về phương tiện quân sự. Rất có khả năng Mỹ sẽ tập trung lực lượng ở Thái Bình Dương đồng thời đảm bảo để châu Âu nắm giữ vai trò ở sườn Tây của châu Âu.

Ở thời điểm Pháp đang xem xét sửa đổi Sách Trắng, cần phân tích và tính đến sự thay đổi mang tính chiến lược này. Pháp vừa là cường quốc quân sự, hạt nhân chủ chốt ở châu Âu, vừa là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là một trong những quốc gia hiếm hoi thường ủng hộ chính sách đối ngoại dựa trên năng lực triển khai lực lượng ra bên ngoài. Thiếu vắng Mỹ, Pháp có thể trở thành nòng cốt, để từ đó xây dựng các liên minh có tính đa dạng với các cam kết chính trị trong khuôn khổ Đại Tây Dương hay châu Âu. Theo các chuyên gia nghiên cứu quốc phòng Pháp, lựa chọn duy trì năng lực quốc phòng ở mức độ cao không thể gắn với việc từ bỏ sự tự chủ trong hành động chính trị của Pháp. Vì thế, theo Le Monde, Pháp cần nắm bắt cơ hội tốt này để góp phần xây dựng một nền quốc phòng châu Âu toàn diện và đầy đủ.

Trung Dũng (P/v TTXVN tại Pháp)
Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN