Chỉ 5 ngày sau khi sát hại chỉ huy đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) - Thiếu tướng Qasem Soleimani, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng đề nghị NATO “can dự nhiều hơn đối với tiến trình tại Trung Đông”.
Tổng thống Trump đã lên tiếng đề nghị NATO cử thêm binh sĩ tới Trung Đông và tăng cường vai trò “ngăn chặn xung đột” trong khu vực. Động thái này gây bất ngờ bởi Tổng thống Trump từng nhiều lần chỉ trích các thành viên NATO liên quan tới việc chi tiêu quốc phòng.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã sớm lên tiếng, cho biết khối quân sự này có thể hành động nhiều hơn ở Trung Đông. Nhưng ông Stoltenberg cũng hàm ý rằng NATO sẽ không cử thêm binh sĩ tới khu vực và “phương án tốt nhất là để lực lượng địa phương tự chiến đấu với khủng bố”.
Hiện tại NATO duy trì lực lượng 400 binh sĩ tại Iraq để đào tạo quân đội nước này chống lại sự hồi sinh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Nhưng sau sự kiện sát hại Tướng Soleimani ngày 3/1, NATO đã tạm ngưng hoạt động đào tạo.
Mặc dù Tổng thống Trump trực tiếp lên tiếng đề nghị NATO nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng chia rẽ giữa Mỹ và một số đồng minh trong NATO về chiến lược đối với Iran nhiều khả năng là nguyên nhân hạn chế vai trò của khối quân sự này tại Trung Đông.
Ông Ivo Daalder, Đại sứ Mỹ tại NATO từ 2009-2013, đánh giá: “Chưa có đồng minh NATO nào ủng hộ quyết định của Mỹ sát hại Tướng Soleimani. Thổ Nhĩ Kỳ đã công khai quan điểm trong khi các đồng minh khác cho rằng đó là quyết định sai lầm chiến lược. Đó cũng là lý do NATO không can thiệp sâu hơn vào Trung Đông”.
Cả NATO và Anh đều không nhận được báo trước về chiến dịch của Mỹ sát hại Tướng Soleimani. Sau vụ việc, Anh, Pháp và Đức đã kêu gọi giảm căng thẳng trong khi Thổ Nhĩ Kỳ phản đối “can thiệp của nước ngoài, ám sát và xung đột bè phái trong khu vực”.
Ông Ivo Daalder bổ sung: “Tình hình hiện tại càng hằn sâu hơn chia rẽ tại Đại Tây Dương và tăng khả năng các đồng minh châu Âu tạo khoảng cách với nước Mỹ vốn ngày càng khó đoán định”.
Theo ông Daalder, đề nghị của Tổng thống Trump dựa trên niềm tin rằng lợi ích của châu Âu gắn liền với khu vực Trung Đông nhiều hơn Mỹ, liên quan đến dầu mỏ. Tổng thống Trump khi đề nghị NATO can thiệp sâu hơn đã nói rằng Mỹ độc lập và không cần dầu mỏ của Trung Đông.
Ông Jamie Shea tại viện nghiên cứu Friends of Europe (Bỉ) nhận định rằng các thành viên NATO cần xem xét đề nghị của Tổng thống Trump đóng góp nhiều hơn cho các chiến dịch tại Trung Đông. Bên cạnh đó, ông Shea cho rằng đổi lại châu Âu có thể đề nghị Tổng thống Trump đảm bảo không đe dọa rời NATO.
Tờ Aljazeera dẫn lời một số chuyên gia dự đoán rằng bước đi tiếp theo của NATO tại Trung Đông có thể vô cùng quan trọng với tương lai của khối quân sự này.
Giáo sư Fawaz A Gerges tại Trường Kinh tế London (Anh) đánh giá NATO sẽ hướng tới “thời kỳ chuyển tiếp” khi các thành viên quyết định về nguồn lực tương lai sẽ đặt ở đâu. Ông Fawaz A Gerges nói: “Thế kỷ của Mỹ sắp tới hồi kết. Đang xảy ra rạn nứt trong quan hệ giữa các đồng minh lâu đời trên toàn cầu và NATO lại ở vị trí trung tâm.