Năm bài học rút ra từ cuộc xung đột ở Dải Gaza

Sau một tuần giao chiến ác liệt, cuộc xung đột ở Dải Gaza đã tạm thời lắng dịu với việc Ixraen và phong trào Hồi giáo Hamas đang kiểm soát Dải Gaza đạt được thỏa thuận ngừng bắn vào tối 21/11. Theo tờ "Thời báo Tài chính" (Anh), cuộc xung đột này đã để lại năm bài học lớn như sau:


 

Ixraen đã hủy bỏ cuộc tấn công trên bộ nhằm vào Dải Gaza. Ảnh: AFP/ TTXVN

Một là, Ixraen đã biết học cách để chấm dứt cuộc chiến. Trong vòng 6 năm qua, Ixraen đã tham gia tới 3 cuộc chiến: Libăng năm 2006, Dải Gaza năm 2008 - 2009 và Dải Gaza năm 2012, nhưng chẳng có cuộc chiến nào mang lại chiến thắng rõ ràng cho Ixraen. Cả ba cuộc chiến này đều bắt đầu với một cuộc không kích trên quy mô lớn và đều dẫn tới việc kêu gọi tiến hành một chiến dịch trên bộ rầm rộ với hy vọng giải quyết dứt điểm mối đe dọa từ phong trào Hồi giáo Hezbollah và Hamas. Tuy nhiên, lần này giới lãnh đạo Ixraen đã quyết định lùi bước và chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn trước khi các xe tăng của nước này bắt đầu tham gia chiến dịch. Phần lớn các nhà phân tích quân sự cho rằng đây là một quyết định đúng đắn.


Trong cuộc chiến ở Libăng, chiến dịch trên bộ đạt được rất ít kết quả nhưng Ixraen lại thiệt hại khá nặng nề về quân số cũng như danh tiếng của nước này trên trường quốc tế. Cuộc chiến lần trước ở Gaza đã khiến cho 1.400 người Palextin thiệt mạng, và buộc Liên hợp quốc phải tiến hành điều tra những cáo buộc Ixraen phạm tội ác chiến tranh. Lần này, các nhà lãnh đạo Ixraen có vẻ như sẵn sàng chấp nhận thực tế rằng một cuộc chiến quy mô nhỏ với những kết quả hạn chế còn tốt hơn một cuộc chiến lớn cũng với những kết quả hạn chế.


Hai là, phong trào Hồi giáo Hamas đã trở thành một đối thủ hợp pháp trong khu vực. Hamas có thể vẫn còn bị Ixraen, Mỹ và châu Âu coi là một tổ chức khủng bố, nhưng ít có nước nào bây giờ dám đối xử với phong trào này theo cách đó. Các nhà lãnh đạo của Hamas đã được chào đón ở các cung điện hoàng gia và các dinh thự tổng thống ở Thổ Nhĩ Kỳ, Cata, Tuynidi và Gioócđani. Chính phủ mới của đảng "Anh em Hồi giáo" ở Ai Cập lại khá gần gũi với chi nhánh của đảng này ở Palextin.


Chính phủ các nước phương Tây, và thậm chí cả Ixraen, có vẻ như đang thay đổi quan điểm của mình. Các quan chức Ixraen khẳng định họ chưa bao giờ công nhận Hamas là một chính đảng hợp pháp. Thế nhưng, thỏa thuận ngừng bắn rõ ràng đã ám chỉ sự công nhận đó. Hơn nữa, thỏa thuận này cũng đưa ra một số biện pháp cụ thể nhằm tăng cường sự cai trị của Hamas ở Dải Gaza. Trong quá trình đàm phán thỏa thuận ngừng bắn, không chỉ một lần các điều kiện của "Bộ tứ" được đề cập đến. Đây là một bộ các cam kết chính trị mà cộng đồng quốc tế muốn Hamas thực hiện, trong đó có cam kết từ bỏ bạo lực và công nhận nhà nước Ixraen. Rốt cuộc thì Hamas có vẻ như đã buộc Ixraen, Mỹ và một số nước khác phải cam kết với các điều khoản của phong trào này như là một lực lượng chính trị có quyền lực và sẽ không bị phớt lờ nữa.


Ba là, Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi đã vượt qua thử thách đầu tiên của mình. Sự ủng hộ vô điều kiện của ông Morsi dành cho Hamas có thể gây tổn hại đến uy tín của ông với tư cách là trung gian hòa giải, cũng như làm sâu sắc thêm mối bất hòa với Ixraen và làm ảnh hưởng tới mối quan hệ với Mỹ. Nhưng cuối cùng, có vẻ như ông Morsi đã đúng: ông đã cử Thủ tướng Hisham Qandil tới thị sát Dải Gaza trong vòng chưa đầy 48 giờ sau khi cuộc xung đột nổ ra, nhằm thể hiện sự đoàn kết với người dân Palextin. Ông Morsi đã lên án mạnh mẽ cái mà ông gọi là "cuộc xâm lược" của Ixraen. Ông đã thành công trong việc làm trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn, ngăn chặn khả năng xảy ra một cuộc tấn công trên bộ và khôi phục sự yên ổn cho miền nam Ixraen cũng như Dải Gaza.


Bốn là, Tổng thống Palextin Mahmoud Abbas đã mất uy tín. Người dân Palextin sẽ không dễ gì quên được một điều là tổng thống của họ đã từ chối đến thăm Dải Gaza khi mảnh đất này quằn quại dưới những cuộc không kích của Ixraen. Việc ông Abbas không đến thăm Dải Gaza càng gây sự chú ý hơn trong bối cảnh nhiều nhà lãnh đạo chính trị và quan chức từ thế giới Arập đã đến thăm vùng đất này trong những ngày xảy ra xung đột vừa qua.


Năm là, hệ thống tên lửa phòng thủ đã cứu mạng nhiều người ở Ixraen cũng như ở Dải Gaza. Đây là lần đầu tiên Ixraen thử nghiệm hệ thống phòng thủ chống tên lửa tầm ngắn Vòm sắt thực sự và trên quy mô lớn. Mặc dù có ba người Ixraen thiệt mạng bởi đạn pháo trong ngày thứ hai của cuộc xung đột, nhưng hệ thống này đã ngăn chặn hiệu quả rất nhiều đạn pháo và tên lửa nhằm vào các khu vực đông dân cư. Quan trọng hơn là hệ thống này có thể đã giúp Ixraen và Dải Gaza tránh được một cuộc tấn công trên bộ.


Huy Hiệp

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN