Nấc thang căng thẳng mới ở Đông Bắc Á

Sau cuộc gặp giữa ba Bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc bên lề Hội nghị bộ trưởng ASEAN+3 tại Brunei hồi cuối tháng 6/2013, giới quan sát từng kỳ vọng về những bước tiến mới trong quan hệ Nhật-Trung và Nhật-Hàn vốn bị sứt mẻ bởi những tranh cãi về lãnh thổ trên biển Nhật Bản và biển Hoa Đông gần một năm qua.

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc chụp ảnh chung tại Hội nghị bộ trưởng ASEAN+3. Ảnh: AFP-TTXVN.


Những tưởng hợp tác kinh tế-tài chính và các lĩnh vực mà ba bên có chung lợi ích sẽ giúp hâm nóng các mối quan hệ song phương có phần lạnh nhạt từ mùa Thu năm ngoái, song việc Nhật Bản ra Sách Trắng Quốc phòng ngày 9/7 đã chứng tỏ một thực tế rằng vấn đề chủ quyền lãnh thổ-lãnh hải và căng thẳng ngoại giao trong khu vực vẫn chưa hề lắng xuống.

Sách Trắng Quốc phòng năm 2013 đề cập đến mọi khía cạnh quốc phòng và an ninh của Nhật Bản, nhưng vấn đề tranh cãi chủ quyền lãnh hải đã thực sự trở thành tâm điểm thu hút mạnh mẽ dư luận khu vực và quốc tế. Sách Trắng đã dành hẳn 20 trang đề cập đến những quan ngại của Tokyo về việc gia tăng các hoạt động hàng hải tiềm ẩn "nguy hiểm" của Trung Quốc “có khả năng gây ra tình huống bất ngờ”.

Sách Trắng cũng chỉ trích Bắc Kinh thiếu hợp tác và giải thích chưa thoả đáng sau vụ tàu chiến Trung Quốc chĩa radar điều khiển hoả lực vào tàu hộ vệ của Lực lượng Phòng vệ trên biển (MSDF) Nhật Bản hồi tháng Giêng, đồng thời hối thúc Bắc Kinh hành động theo luật pháp quốc tế.

Ngay sau khi Chính phủ Nhật Bản công bố Sách Trắng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Tokyo rằng Trung Quốc tham gia các hoạt động hàng hải “nguy hiểm”, đồng thời khẳng định các hoạt động hàng hải của nước này tuân theo luật pháp trong nước và quốc tế.

Cùng ngày, Hàn Quốc cũng lên tiếng phản đối các tuyên bố trong Sách Trắng tái khẳng định chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo tranh chấp mà Seoul gọi là Dokdo trong khi Tokyo gọi là Takesima. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết Seoul “cực lực phản đối”, đồng thời hối thúc Tokyo xem xét lại và xóa tuyên bố chủ quyền khỏi Sách Trắng. Phía Hàn Quốc cũng đã triệu quan chức cấp cao của Đại sứ quán Nhật Bản, ông Takashi Kura, đến để trao công hàm phản đối.

Bên cạnh đó, Sách Trắng cũng bày tỏ lo ngại về chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên, cho rằng việc Bình Nhưỡng phát triển các tên lửa đạn đạo có thể vươn tới nước Mỹ là minh chứng cho thấy chương trình này đã bước vào giai đoạn phát triển mới. Cùng với việc khẳng định vai trò quan trọng của liên minh Nhật–Mỹ cũng như coi việc triển khai trực thăng vận tải thế hệ mới Osprey MV-22 ở Okinawa góp phần đem lại hòa bình, ổn định ở khu vực, Sách Trắng dường như đã đưa ra một câu trả lời rõ ràng trước những đồn đoán về ý định “xích lại gần” Triều Tiên sau chuyến thăm của cố vấn Thủ tướng Abe là ông Isao Ijima, đến Bình Nhưỡng hồi trung tuần tháng 5/2013.

Đáng chú ý là Sách Trắng được công bố trong bối cảnh Nhật Bản đang gấp rút chuẩn bị cho cuộc bầu cử Thượng viện nước này mà khả năng giành đa số ghế tại cơ quan lập pháp đang nghiêng về liên minh cầm quyền của Thủ tướng Abe.

Sau khi trở lại nắm quyền hồi cuối năm ngoái, ông Abe cam kết sẽ phục hồi nền kinh tế và tăng cường hệ thống quốc phòng của Nhật Bản. Để thực hiện được mục tiêu này, Thủ tướng Abe bày tỏ ý định sửa đổi bản hiến pháp hòa bình được soạn thảo sau Chiến tranh Thế giới thứ hai nhằm nâng cấp Lực lượng phòng vệ (SDF) thành quân đội chính quy, đồng thời thay đổi quan điểm về quyền phòng vệ tập thể mà theo đó, Tokyo có khả năng can thiệp quân sự trong trường hợp đồng minh của nước này bị bên thứ ba tấn công. Nhật Bản dự định sẽ đưa ra một kế hoạch quốc phòng mới vào tháng 12 và tăng ngân sách quốc phòng lần đầu tiên trong 11 năm qua.

Hàng loạt những động thái nêu trên cho thấy chính quyền Thủ tướng Abe đang ngày càng tỏ rõ quyết tâm mạnh mẽ trong các vấn đề đối ngoại, an ninh và quốc phòng. Điều này khiến giới quan sát không khỏi nghi ngại rằng nếu giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Thượng viện lần này, các mục tiêu và chính sách trên của chính quyền Abe sẽ có cơ hội tiến gần hơn đến hiện thực. Điều này có thể sẽ gây ra những quan ngại nhất định đối với Trung Quốc và Hàn Quốc.

Tuy vẫn chưa rõ những diễn biến gần đây sẽ tác động ra sao đến tình hình ở Đông-Bắc Á, song một điều hiển nhiên là tình hình căng thẳng hiện nay rất cần đến những cân nhắc kỹ lưỡng của các bên liên quan nhằm tránh một kịch bản không ai mong đợi.


Hữu Thắng (Phóng viên TTXVN tại Nhật Bản)
Trật tự Đông Á sẽ ra sao?
Trật tự Đông Á sẽ ra sao?

Đông Á được coi là khu vực phát triển năng động nhất thế giới, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa phá vỡ trạng thái cân bằng tương đối của một trật tự ổn định và bền vững.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN