"Báo cáo Tình báo Hàng ngày" (Mỹ) ngày 16/4 trích tài liệu của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) cho biết, Mỹ và các nước đồng minh châu Á, đặc biệt Australia và Nhật Bản, đang thúc đẩy các kế hoạch chuẩn bị chiến tranh chống Trung Quốc.
Mỹ dự định phát động trận chiến Không - Biển chống Trung Quốc? Ảnh Internet |
Tài liệu của ASPI được tiết lộ mang tên “Kế hoạch chiến tranh không thể tưởng tượng: Trận chiến trên không - trên biển và tác động đối với Australia”, bao gồm các nội dung kế hoạch chuẩn bị chiến tranh chống Trung Quốc. Tài liệu cho biết chiến lược cho trận chiến trên không - trên biển được phát triển 3 năm qua của Lầu Năm Góc là bộ phận không thể thiếu trong chính sách "trở lại" châu Á của chính phủ Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc trên tất cả các mặt trận ngoại giao, kinh tế, thương mại và quân sự.
Trong khi nền kinh tế toàn cầu ngày càng xấu đi, Mỹ quyết tâm sử dụng sức mạnh quân sự để bổ sung cho sự suy giảm kinh tế và ngăn chặn Trung Quốc trở thành một thách thức đối với sức mạnh của Mỹ tại châu Á và trên thế giới. Nhà phân tích Ben Schreer của ASPI cho biết Lầu Năm Góc đang toan tính một chiến lược quân sự nhằm phát động và đánh thắng trong cuộc chiến tranh lớn chống Trung Quốc.
Trận chiến Không - Biển là chiến lược phòng thủ chống lại cuộc tấn công mạnh mẽ của Trung Quốc - một phản ứng trước những khả năng phát triển quân sự ngày càng tăng của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang làm xói mòn sự thống trị trên biển của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Lầu Năm Góc dự định phát động một cuộc chiến tranh chủ yếu sử dụng các loại tàu chiến, máy bay chiến đấu và tên lửa nhằm phá hủy toàn bộ cơ sở hạ tầng quân sự và bao vây phong tỏa làm tê liệt kinh tế Trung Quốc mà không cần xâm lược.
Tài liệu của ASPI mô tả Trận chiến Không - Biển sẽ đối phó với các chiến lược của Trung Quốc "bằng cách đáp trả một cuộc tấn công mở đầu của Trung Quốc, sau đó tiến hành một chiến dịch làm tê liệt các hệ thống chỉ huy và kiểm soát của PLA, sử dụng các loại tên lửa phá hủy các hệ thống vũ khí trên bộ và phong tỏa từ xa các tàu thuyền thương mại của Trung Quốc ở eo biển Malacca cũng như các nơi khác".
Tài liệu nhận định: "Cuộc chiến có thể leo thang nhưng dưới ngưỡng chiến tranh hạt nhân". Nghĩa là, Mỹ sẽ không để xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân đầy đủ.
Tuy nhiên, nhà phân tích Schreer của ASPI cho rằng chiến dịch làm tê liệt các hệ thống chỉ huy và kiểm soát của PLA có thể dẫn đến nguy cơ Trung Quốc phản ứng quyết liệt, kể cả sử dụng các loại vũ khí hạt nhân. Nói cách khác, nếu Mỹ phá hủy khả năng theo dõi các tên lửa đang trên đường bay tới mục tiêu, Trung Quốc sẽ cho rằng đây là một cuộc tấn công hạt nhân và có thể phản ứng bằng vũ khí hạt nhân.
Đến nay, các kế hoạch chuẩn bị cho chiến lược Trận chiến Không - Biển của Lầu Năm Góc không chỉ dừng lại trên giấy tờ. Thực tế, Mỹ đã và đang tổ chức lực lượng quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kể cả tăng cường các căn cứ quân sự tiền phương để đối phó với các cuộc tấn công tên lửa, bố trí lực lượng rộng lớn hơn trong khu vực, tập trung 60% tài sản của hải quân Mỹ ở châu Á và phát triển một thế hệ vũ khí mới nhằm phát động một cuộc chiến tranh trên biển và trên không bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Đồng thời, lợi dụng CHDCND Triều Tiên như một cái cớ, Mỹ đang hợp tác với Nhật Bản xây dựng các hệ thống chống tên lửa đạn đạo trong khu vực để sẵn sàng đáp trả cuộc chiến tranh hạt nhân của Trung Quốc.
Lầu Năm Góc xác định Nhật Bản và Australia là trung tâm trong các kế hoạch chiến tranh và hai nước "sẽ trở thành đồng minh tích cực trong suốt chiến dịch". Nhật Bản sẽ được coi là tuyến đầu của bất cứ cuộc chiến tranh nào với Trung Quốc và các căn cứ Mỹ tại Nhật Bản, đặc biệt ở Okinawa, là một bộ phận quan trọng trong các kế hoạch bao vây phong tỏa các tàu chiến và tàu ngầm Trung Quốc, đồng thời quân đội Nhật Bản sẽ là lực lượng bổ sung cần thiết cho quân đội Mỹ.
TTK