Với những tuyên bố lạc quan và thiện chí mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump, liệu cuộc gặp lần thứ ba giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều có thể tạo ra bước ngoặt thực sự cho tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên?
Cách đây đúng một năm, thế giới đã hoan hỉ với bước đột phá ngoại giao về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên khi Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lần đầu tiên gặp nhau và ký một tuyên bố chung 4 điểm, cam kết thiết lập các quan hệ mới và một cơ chế hòa bình. Tuy nhiên, những cam kết đó dường như đang đứng trước nguy cơ bị lãng quên nếu không có những bước đi cụ thể hơn từ hai phía nhằm xóa bỏ sự nghi kị lẫn nhau, thu hẹp bất đồng để cùng tạo dựng lòng tin chiến lược.
Sau “những lời có cánh" dành cho nhau tại cuộc gặp lần thứ nhất, rồi đến những bất đồng dẫn tới việc không đạt được thỏa thuận tại cuộc gặp thứ hai, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã có dấu hiệu gia căng thẳng trở lại với việc Triều Tiên hai lần phóng thử tên lửa chỉ trong vòng một tuần hồi đầu tháng 5 - động thái được coi là phản ứng của Bình Nhưỡng trong bối cảnh đàm phán bế tắc và các biện pháp trừng phạt của Mỹ vẫn có hiệu lực.
Các vụ thử tên lửa của Triều Tiên được giới phân tích nhìn nhận là nhằm gia tăng áp lực nhằm buộc Mỹ phải nhượng bộ hơn trong các cuộc đàm phán sau này và Washington phải xem xét lại cách tiếp cận với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Cho đến nay, giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn bất đồng quan điểm về các bước đi nhằm phi hạt nhân hóa. Trong khi Mỹ yêu cầu Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn ngay lập tức, có kiểm chứng và không thể đảo ngược, thì Bình Nhưỡng kiên quyết thực hiện việc phi hạt nhân hóa theo từng bước và đổi lại Washington phải dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt nhằm giảm bớt tình hình khó khăn trong đời sống của người dân nước này.
Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trở lại, hai bên vẫn để ngỏ lối thoát bằng con đường ngoại giao. Triều Tiên cho biết họ vẫn sẵn sàng tuân thủ tuyên bố đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh Singapore cho đến khi Mỹ tìm ra một cách tiếp cận có tính xây dựng, và đặt thời hạn chót là cuối năm nay. Về phần mình, Tổng thống Trump vẫn tin rằng Bình Nhưỡng muốn đạt được thỏa thuận với Mỹ, đồng thời bày tỏ sẵn sàng tiến hành hội nghị thượng đỉnh lần ba với ông Kim Jong-un. Với việc không lên án Triều Tiên tiến hành các vụ thử tên lửa gần đây, Tổng thống Trump muốn để ngỏ cơ hội để hai bên nối lại đàm phán. Hiện Mỹ và Triều Tiên đang có những tính toán riêng và gây sức ép cho đối phương nhằm tạo lợi thế khi bước vào cuộc thương lượng tiếp theo.
Theo giới phân tích, nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Trump có thể tiến hành hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba vào cuối năm nay, cho dù trên thực tế chưa có nhiều tiến bộ trong việc xóa bỏ chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Harry Kazianis, nhà nghiên cứu lâu năm về Triều Tiên của Trung tâm lợi ích quốc gia Mỹ, nhận định: "Hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim lần thứ ba gần như chắc chắn sẽ diễn ra trong năm 2019. Cả hai bên đã tiến gần tới một thỏa thuận nên giờ họ sẽ không bỏ cuộc". Theo ông Kazianis, do Tổng thống Trump đang tìm cách tái cử, nên ông muốn gặt hái được những thành tích về đối ngoại trong nhiệm kỳ của mình để tạo lợi thế trong chiến dịch tranh cử.
Trong khi đó, ông Kim Jong-un cũng có thể có lý do riêng khi muốn tiến hành hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần ba. Frank Aum, chuyên gia lâu năm về vấn đề Triều Tiên tại Viện Hòa bình Mỹ nhận định: "Ông Trump muốn có một chiến thắng về đối ngoại, còn ông Kim Jong-un cần được nới lỏng các biện pháp trừng phạt".
Nhà nghiên cứu này đồng thời dự báo rằng "khả năng diễn ra hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ ba là 50 - 50. Vấn đề là mức độ táo bạo của mỗi bên đến đâu để đạt được thỏa thuận". Tổng thống Trump có thể cảm thấy hài lòng với hiện trạng Triều Tiên không tiến hành bất kỳ vụ thử hạt nhân hay vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nào có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ, song theo chuyên gia Aum, "ông Trump cũng không muốn chờ đến lúc Triều Tiên tiến hành một hành động ‘khiêu khích’ hơn mới có những hành động mạnh mẽ hơn với Bình Nhưỡng. Và ông Trump cũng không muốn chính sách của mình đối với Triều Tiên thất bại trước khi diễn ra các cuộc bầu cử ở Mỹ".
Chuyên gia này cũng nhận định rằng sự bế tắc giữa Mỹ và Triều Tiên hiện nay có thể được phá vỡ sau cuộc gặp giữa ông Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Seoul vào cuối tháng 6 này.
Chuyên gia Aum cho rằng: "Lý tưởng nhất là hai nhà lãnh đạo sẽ nhất trí có sự linh hoạt cao hơn, sau đó Mỹ - Hàn có thể báo hiệu cho Bình Nhưỡng. Lựa chọn thứ nhất là hai bên chấp nhận một thỏa thuận nhỏ hơn, bao gồm một số biện pháp nới lỏng trừng phạt để đổi lấy việc đóng cửa cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên ở Yongbyon. Lựa chọn thứ hai là hai bên đạt được một thỏa thuận toàn diện, sau đó thực hiện nó theo từng giai đoạn".
Trong khi đó, Bruce Klingner - chuyên gia về các vấn đề Hàn Quốc tại Quỹ Di sản - cho rằng kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Hà Nội, hai bên thiếu các cuộc đàm phán cấp chuyên viên, một nhân tố có thể quyết định sự thành bại của các cuộc đàm phán cấp cao. Vì thế, khả năng diễn ra hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim lần thứ ba dường như khá xa vời. Chính quyền Trump đã tuyên bố rằng hội nghị thượng đỉnh thứ ba sẽ phụ thuộc vào tiến trình hướng tới một thỏa thuận phi hạt nhân hóa khả thi.
Mặc dù vậy, giới phân tích nhìn chung đều cho rằng vẫn còn chỗ cho giải pháp ngoại giao nhằm hóa giải thế bế tắc trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Vấn đề đặt ra hiện nay là hai bên sẵn sàng đến mức độ nào cho một thỏa thuận có thể chấp thuận được với cả hai bên. Vì thế, hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim lần ba có thể coi là cơ hội cuối cùng để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.