Mỹ 'chột dạ' khi Nga định lập căn cứ hải quân tại Ai Cập

Mạng tin "Debka" ngày 4/11 cho rằng đề nghị của Moskva hồi tuần trước về việc thiết lập một căn cứ hải quân tại Ai Cập đã dẫn đến quyết định của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vội vã thăm Cairo và Riyadh nhằm làm dịu mối quan hệ gai góc với Ai Cập và Saudi Arabia do các chính sách của Washington đối với Syria và Iran.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chuẩn bị lên máy bay cho chuyến thăm Ai Cập và Saudi Arabia. Ảnh: AP


Tuy nhiên, ngày 3/11, vào thời điểm ông Kerry đặt chân đến Cairo trên đường tới Riyadh, sức mạnh của hải quân Nga ở Địa Trung Hải đã được gia tăng đáng kể. Theo thông báo chính thức của Moskva, tàu chỉ huy của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga Varyag và tàu chạy bằng nhiên liệu hạt nhân Pyotr Veliky đã đến khu vực để tiến hành nhiều nhiệm vụ cùng với các tàu chiến khác của hải quân Nga.

Các nguồn tin quân sự cho biết sự xuất hiện của hai tàu này đã mở rộng sự hiện diện của hải quân Nga trên Địa Trung Hải lên 16 tàu, trong đó có tàu tuần tiễu trang bị tên lửa Moskva và ba tàu lưỡng cư lớn nhất của hải quân Nga là Aleksandr Shabalin, Novocherkassk và Minsk, cùng với tàu đổ bộ thứ tư Azov đã có mặt tại đây từ tháng trước. Tất cả những tàu này đều mang theo những biệt đội lính thủy đánh bộ.

Hạm đội Nga đã lấp vào khoảng trống để lại sau khi các tàu chiến của Mỹ rút đi sau quyết định của Tổng thống Mỹ Barack Obama không tấn công các kho vũ khí hóa học của Syria. Những động thái này đã tạo nên sự hiện diện lớn nhất của Nga tại Địa Trung Hải, với hỏa lực mạnh nhất so với bất kỳ lực lượng nào ở phía đông và trung tâm vùng biển này. Các tàu chiến của Nga hiện được bố trí đối diện với Cyprus, Syria, Liban, Israel, Ai Cập, kênh đào Suez và Libya.

Theo "Debka", Saudi Arabia đã "đạo diễn" kế hoạch tái lập mối quan hệ Nga - Ai Cập với việc đưa các cố vấn quân sự Nga trở lại nước này lần đầu tiên kể từ khi Nga bị "hất cẳng" khỏi Ai Cập năm 1972. Theo đó, Moskva được chọn làm nhà cung cấp vũ khí lớn cho quân đội Ai Cập thay cho Washington.

Mạng tin này tiết lộ bốn địa điểm mà Moskva đã lựa chọn làm các cơ sở cảng cho hạm đội tàu chiến của Nga. Một là cảng Alexandria. Nga có thể sử dụng một cầu cảng tại cảng biển lớn này và các kho tàng để xây dựng thành các cơ sở hải quân theo dạng mà Moskva đã xây dựng tại cảng Tartus của Syria.

Moskva không có kế hoạch loại bỏ Tartus, nhưng có thể Nga muốn thiết lập một căn cứ thay thế trên Địa Trung Hải trong trường hợp họ phải vội vã rời bỏ Syria. Cảng Tartus hiện chỉ hoạt động một phần trong suốt những tháng gần đây.

Hai là cảng Damietta nằm ở nhánh phía tây của sông Nile, cách biển Địa Trung Hải 15km và cảng Port Said 70km. Ba là cảng Port Said ở điểm cuối của kênh đào Suez. Bốn là cảng Rosetta ở châu thổ sông Nile, cách Alexandria 65km về phía đông.

Các nguồn tin quân sự đánh giá rằng việc sở hữu một căn cứ hải quân tại bất kỳ cảng nào trong số đó sẽ tạo cho Nga một chỗ đứng trên Địa Trung Hải và biến Nga thành siêu cường duy nhất có sự hiện diện hải quân và quân sự kiểm soát kênh đào Suez, nơi vốn hết sức quan trọng đối với đường biển thế giới cũng như buôn bán, và là một mắt xích biển liên kết các lực lượng hải quân và quân sự của Mỹ trên Địa Trung Hải với Vịnh Persique.

Đề nghị của Nga về việc thiết lập một căn cứ hải quân nhằm phục vụ hạm đội Thái Bình Dương đã ảnh hưởng tới cuộc gặp của ông Kerry với Quốc vương Saudi Arabia Abdullah và Ngoại trưởng Saud al-Faisal ngày 4/11. Washington đánh giá mối quan hệ với Saudi Arabia là rất quan trọng, trong bối cảnh khu vực đối mặt với những thay đổi và thách thức từ thời kỳ chuyển tiếp ở Ai Cập tới cuộc nội chiến ở Syria.

Ông Kerry là quan chức cấp cao đầu tiên của Mỹ thăm Ai Cập kể từ sau khi Tổng thống Mohamed Morsi bị phế truất hồi tháng 7/2013 và đây là chuyến thăm lần đầu tiên tới Saudi Arabia kể từ khi Giám đốc Cơ quan tình báo nước này, Hoàng tử Bandar bin Sultan cảnh báo "tách" khỏi Washington cũng như thông báo việc Riyadh từ bỏ chiếc ghế ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.


Quang Hoàn
Mỹ và Saudi Arabia cam kết giải quyết bất đồng
Mỹ và Saudi Arabia cam kết giải quyết bất đồng

Bất chấp thực trạng căng thẳng chưa từng có giữa Washington và Riyadh do hai bên bất đồng trong vấn đề Syria, Iran và một loạt vấn đề quốc tế và khu vực, ngày 4/11, Mỹ và Arập Xêút đã cam kết cùng nỗ lực giải quyết các bất đồng, duy trì và củng cố mối quan hệ chiến lược, bền vững giữa hai nước.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN