Mỹ, Canada trước khả năng hỗ trợ vũ khí cho Ukraine

Theo hãng tin CBC của Canada, gần đây, Ukraine đang tích cực vận động Mỹ và Canada cung cấp vũ khí sát thương.

Tại Canada, Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Vadym Prystaiko đề nghị Canada đi đầu trong việc thuyết phục các đồng minh cung cấp vũ khí sát thương và huấn luyện cách sử dụng chúng. Nghị sĩ Ukraine Andiy Parubiy ngày 23/2 trước khi tới Mỹ cũng đã tới Ottawa nhằm vận động cho việc này.

Tuy nhiên, Mỹ và Canada sẽ rất cẩn trọng trong quyết định cung cấp vũ khí cho Ukraine. Sự can thiệp quân sự cứng rắn và thô bạo vào Ukraine lúc này sẽ chỉ khiến vấn đề thêm rắc rối bởi hai lý do: Thứ nhất, việc cung cấp vũ khí cho Ukraine chưa đủ sức ép khiến Tổng thống Putin phải thay đổi lập trường. Nga chắc chắn sẽ không từ bỏ ảnh hưởng của họ tại miền Đông Ukraine, một khu vực có tầm quan trọng chiến lược đặc biệt đối với sự tồn tại của họ. Và với tính cách của mình, Tổng thống Putin sẽ không bị nao núng trước sức ép từ phương Tây.

Một tay súng lực lượng ly khai tại sân bay Donetsk, nơi bị phá hủy nặng nề trong cuộc xung đột với quân đội Ukraine, ngày 26/2. Ảnh: AFP/TTXVN


Thứ hai, châu Âu, đồng minh chủ chốt của Mỹ và Canada là phía chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc xung đột. Việc này đã thể hiện rõ từ những nỗ lực ngoại giao không ngừng nghỉ của Thủ tướng Đức Angela Markel thời gian gần đây nhằm khuyên can chính phủ Mỹ và Canada không nên làm cho tình hình Ukraine căng thẳng hơn.

Hiện quyết định cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine đối với chính quyền Canada còn có thêm trở ngại, khi mà nhiệm vụ quân sự ở nước ngoài của nước này bị soi xét khi nổ ra tranh cãi về việc binh sĩ làm nhiệm vụ cố vấn ở Iraq nhiều lần phải “nổ súng tự vệ”. Giới phân tích cho rằng việc quân huấn luyện “nổ súng tự vệ” trước phe ly khai sẽ khiến căng thẳng leo thang.

Bộ trưởng Quốc phòng Canada Jason Kenney tuyên bố nước này cũng đang xem xét việc tham gia sứ mạng đào tạo quân sự tại Ukraine. Tuy nhiên, ông Kenney khẳng định binh lính Canada được cử đi làm nhiệm vụ sẽ tránh xa chiến sự. Cuối năm 2014, chính phủ Canada đã đưa ra đảm bảo tương tự khi cử 69 lính đặc nhiệm đến cố vấn cho binh lính người Kurd tại Iraq, thế nhưng những cố vấn này đã bị nã súng và "buộc phải nổ súng tự vệ".

Do vậy, để đối phó với sự cứng rắn của Nga, Mỹ và Canada cùng đồng minh phương Tây đang tìm cách can thiệp quân sự vào Ukraine theo cách hợp thức hóa và có mức độ. Mỹ cam kết gửi đến Ukraine 800 binh sĩ huấn luyện. Động thái triển khai quân huấn luyện này không loại trừ việc trang bị một số vũ khí nhất định, ít nhất dưới hình thức “vũ khí phòng thân” nhằm tự bảo vệ. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Canada Jason Kenny cho biết sẽ xem xét tham gia nhiệm vụ huấn luyện binh sĩ Ukraine do Mỹ dẫn đầu.


Giới quan sát nhận định, mặc dù về mặt chính trị, chính quyền Bảo thủ của Thủ tướng Stephen Harper luôn "lên gân" với Nga về vấn đề Ukraine, nhưng về mặt kinh tế, nước này vẫn để ngỏ quan hệ kinh tế với các tập đoàn Nga có lợi cho các công ty Canada. Việc này cho thấy bản chất thực dụng của chính quyền Canada, một mặt chính phủ của đảng Bảo thủ tính toán để không làm mất lòng 1,2 triệu cử tri Ukraine trước kỳ bầu cử dự kiến vào tháng 10/2015, mặt khác không làm mất lòng các đồng minh, nhất là Mỹ, nhưng cũng tính đến yếu tố không thể cô lập được Nga, vì Nga đang chuyển hướng tập trung vào các nền kinh tế đang nổi lên như Ấn Độ và Trung Quốc.


Lê Hoàng (P/v TTXVN tại Canada)


Ukraine thừa nhận vũ khí sát thương của nước ngoài
Ukraine thừa nhận vũ khí sát thương của nước ngoài

Phó Thư ký Hội đồng An ninh Quốc phòng Ukraine, ông Oleg Gladkovsky đã thừa nhận việc Ukraine tiếp nhận vũ khí từ các quốc gia khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN