Hãng tin Reuters cho hay, sự phản đối chưa từng có tiền lệ của các nước Mỹ Latinh đối với việc Mỹ cấm vận Cuba đã khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama bị cô lập tại Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) ngày 15/4/2012. Điều này càng nêu bật thực tế rằng ảnh hưởng của Oasinhtơn ngày càng suy giảm tại một khu vực mà Trung Quốc đang tích cực lôi kéo.
Không còn giữ được vị thế "ngôi sao" như tại Hội nghị Thượng đỉnh của các nước châu Mỹ năm 2009 sau khi vừa lên nắm quyền, Tổng thống Obama đã phải trải qua những thời khắc "gian nan" trong cuộc họp kéo dài 2 ngày ở Côlômbia (có sự tham dự của khoảng 30 nguyên thủ quốc gia): 16 nhân viên an ninh Mỹ bị bắt vì liên quan tới một vụ bê bối tình dục trước khi ông Obama tới tham dự hội nghị; Braxin và các nước khác chỉ trích mạnh mẽ ông Obama về chính sách tiền tệ của Mỹ; và ông đã phải tự vệ trong vấn đề Cuba và những lời kêu gọi hợp pháp hóa sử dụng ma túy.
Giáo hoàng Benedict XVI đã chỉ trích cuộc cấm vận từ 50 năm qua của Mỹ đối với Cuba nhân chuyến thăm hòn đảo này ngày 26 và 27/3/2012. |
Do thái độ thù địch của Mỹ và Canađa đối với Cuba, các nguyên thủ quốc gia đã không thể đưa ra được tuyên bố chung khi hội nghị kết thúc chiều 15/4. Tổng thống nước chủ nhà Côlômbia Juan Manuel Santos nói: "Không có tuyên bố chung bởi không có sự đồng thuận".
Lần đầu tiên, các đồng minh của Mỹ như Mêhicô và Côlômbia lên tiếng ủng hộ yêu cầu từ lâu của các chính phủ cánh tả về việc mời Cuba tham dự hội nghị OAS lần tới. Cuba đã bị gạt ra khỏi OAS một vài năm sau cuộc cách mạng năm 1959 do ông Fidel Castro tiến hành và không được tham dự các kỳ họp của diễn đàn này chủ yếu là do sự phản đối của Mỹ. Tuy nhiên, lãnh đạo các nước Mỹ Latinh ngày càng phản đối việc Mỹ cô lập và cấm vận thương mại suốt 50 năm qua đối với hòn đảo vùng Caribê này. Tổng thống Santos nói: "Sự cô lập, cấm vận, thờ ơ đã không có tác dụng. Tôi hy vọng Cuba sẽ có mặt tại hội nghị này vào 3 năm tới".
Khối các nước cánh tả ALBA - bao gồm Vênêxuêla, Êcuađo, Bôlivia, Nicaragoa - và một số nước vùng Caribê tuyên bố sẽ không tham dự các hội nghị OAS tới nếu không có sự có mặt của Cuba. Tổng thống Nicaragoa Daniel Ortega nói: "Đó không phải là một đặc ân dành cho Cuba. Đó là quyền mà người ta đã tước đoạt của họ".
Mặc dù người ta từng hi vọng nhiều vào việc nối lại quan hệ giữa Mỹ và Cuba khi ông Obama lên nắm quyền, song Oasinhtơn hầu như không làm gì để giảm bớt những hạn chế về việc đi lại giữa hai bên. Mỹ đòi Cuba phải thực hiện thay đổi trước.
Hội nghị OAS kết thúc trong chia rẽ đã làm tăng thêm căng thẳng trong hệ thống ngoại giao của bán cầu do Mỹ chi phối này. Hệ thống này được dựng lên xung quanh OAS nhưng hiện phải cố gắng để thích ứng với những thay đổi trong khu vực này. Carlos Gaviria, nhà chính trị Côlômbia và là cựu ứng cử viên tổng thống, nói: "Tôi không chắc rằng hội nghị tới có nhóm họp được không".
Sự sao lãng của Mỹ đối với khu vực Mỹ Latinh đã tạo điều kiện cho Trung Quốc lấn bước mạnh mẽ hơn và trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Braxin và nhiều nước khác. Tại hội nghị ở Côlômbia, cường quốc kinh tế khu vực Braxin đã đi đầu trong việc chỉ trích chính sách tiền tệ bành trướng của Mỹ và các nước giàu khác, đổ tiền ồ ạt vào các nước đang phát triển, chèn ép các đồng tiền bản địa và làm ảnh hưởng tới sức cạnh tranh. Tổng thống Braxin Dilma Rousseff gọi chính sách đó là "sóng thần tiền tệ" mà các nước Mỹ Latinh có quyền phải tự vệ.
TTK (Theo Reuters)