Lý do Nga tăng chi phí quốc phòng nhanh nhất thế giới

Nguồn ngân sách quốc phòng khổng lồ ở Nga không phải lúc nào cũng được chi tiêu hiệu quả. Đó là thừa nhận của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin để thảo luận về tiến trình cấp tài chính cho các đơn đặt hàng quốc phòng của nhà nước. Sự thừa nhận này đã được đăng tải trong một bài viết trên "Báo Độc lập" (Nga) ngày 16/4.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.


Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết Nga là một trong số ít các quốc gia trên thế giới, bất chấp thời kỳ ảm đạm của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu, vẫn nỗ lực gia tăng chi tiêu quân sự. Với mức chi tiêu 91 tỷ USD, Nga đứng thứ ba thế giới về chi tiêu quốc phòng trong năm 2012, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc, tuy nhiên lại có mức tăng nhanh nhất. Theo thống kê của SIPRI, được công bố ngày 15/4, chi tiêu quân sự của Nga trong năm 2012 tăng gần 15,7%, đạt 91 tỷ USD; chi tiêu quân sự của Trung Quốc tăng 7,8%, đạt 160 tỷ USD; chi tiêu quân sự của Mỹ giảm tới 6%, còn 670 tỷ USD. 


Chi tiêu quốc phòng của Nga đã vượt Pháp, Anh, Nhật Bản, Arập Xêút, Ấn Độ, Đức. Chi tiêu quốc phòng trong năm qua của Nga chiếm 4,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Tỷ lệ này của Mỹ cũng là 4,4% GDP, Ấn Độ là 2,5% và Trung Quốc là 2% GDP.


Từ đây có thể thấy rõ chi tiêu quân sự của Nga không cân xứng so với tương quan giữa GDP và dân số. Khối lượng GDP của Nga so với Mỹ và Trung Quốc ít hơn 6-7 lần, trong khi dân số của Nga chỉ bằng 1/2 dân số Mỹ và bằng 1/10 dân số Trung Quốc. Tuy nhiên, tỷ lệ GDP chi cho quốc phòng của Nga lại tương đương Mỹ (đều chiếm 4,4% GDP) và hơn gấp 2 lần so với Trung Quốc.


Theo báo cáo của SIPRI, loại trừ yếu tố lạm phát, chi tiêu quân sự thế giới trong năm 2012 đã giảm 0,5%, xuống còn 1.750 tỷ USD so với năm 2011 và đây là mức giảm đầu tiên kể từ năm 1998. Thế nhưng, vẫn có một số ít các quốc gia tăng chi tiêu quân sự, trong đó nước Nga tăng gần 16%, mức tăng cao nhất thế giới. 


Về lý thuyết, số tiền đó là nhằm tăng cường an ninh quốc gia, củng cố tiềm lực quốc phòng cũng như thúc đẩy tái vũ trang quân đội một cách chính quy, hiện đại, song "Báo Độc lập" (Nga) cho rằng dường như số tiền đó đã không được chi tiêu một cách hiệu quả. Tại cuộc họp ngày 15/4, Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin cho biết kế hoạch chi tiêu cho các đơn đặt hàng quốc phòng cấp nhà nước vẫn chưa được giải quyết xong, bởi có không ít văn bản liên quan không được chuyển đến kịp thời.


Nhìn chung, năm 2013, Bộ Quốc phòng mới chỉ hoàn thành được 2/3 khối lượng đơn đặt hàng cấp nhà nước thuộc lĩnh vực quốc phòng. Điều này khiến Thủ tướng Medvedev không hài lòng và đánh giá đây là một kết quả đáng chê trách, "chứng tỏ có những sai sót trong việc lập kế hoạch và thực hiện các đơn đặt hàng cấp nhà nước". Nói cách khác, số tiền phân bổ của chính phủ đã không được chi tiêu toàn bộ cho các mục đích quốc phòng, thậm chí có thể còn được sử dụng không đúng mục đích. 


Trả lời phỏng vấn "Báo Độc lập", các chuyên gia đã tìm ra một số nguyên nhân vì sao chi phí cho quốc phòng Nga lại tăng tới con số khổng lồ như vậy. Một trong những nguyên nhân này là do số tiền chi phí không nhỏ cho các mục tiêu biên phòng (do đường biên giới của Nga trải dài với các quốc gia khác), cũng như các chi phí cao cho công tác bảo trì và hiện đại hóa các kho vũ khí đã lỗi thời.


Victor Kuharsky, Chủ tịch "Nhóm Phát triển" của Nga, nhận định: "Chiều dài biên giới đất nước càng lớn, sẽ càng có nhiều nước láng giềng chủ trương thắt chặt chi tiêu (bao gồm cả chi tiêu quốc phòng) và chi tiêu biên phòng của Nga tỷ lệ thuận trong tương quan này". Chuyên gia này cho rằng nếu không tính tới Mỹ và Trung Quốc thì Nga đang là quốc gia phải chi phí nhiều nhất cho các mục tiêu kể trên. Hơn nữa, trái ngược với Canada, Australia và Nhật Bản, Nga không có "người anh lớn", người bảo trợ, giúp đỡ trong lĩnh vực bảo đảm an ninh quốc gia.


Nga là một quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới, bởi vậy số tiền chi tiêu quốc phòng cũng tỷ lệ thuận với phần lãnh thổ, lãnh hải cần được bảo vệ dẫn đến chi tiêu quốc phòng sẽ luôn ở mức cao. Một chuyên gia khác tiếp cận vấn đề với giả thuyết rằng, nếu đến một thời điểm nào đó, người dân không có khả năng bảo vệ an toàn cho đất nước cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ, và nếu chúng ta không dành các nguồn chi xứng đáng cho quốc phòng, lúc đó an ninh biên giới có thể không được đảm bảo.


Một nhà phân tích khác, ông Alexander Razuvaev - người đứng đầu bộ phận phân tích thuộc Công ty "Alpari" - đã dẫn một câu châm ngôn rằng: "Ai không muốn nuôi quân thì sẽ phải nuôi người khác". Theo nhà phân tích này, trong khi nước Nga có tỷ lệ các đơn vị quân đội lạc hậu cao, thậm chí tồn tại từ thời Xôviết, thì việc tái trang bị quân đội hiện đại là việc làm cần thiết, không thể xem nhẹ. Thế giới đang ngày càng trở nên bất ổn, nước Nga cần phải sẵn sàng cho một cuộc xung đột vũ trang mới. Đó chính là lý do cần hiện đại hóa quân đội.


Tiếp tục quan điểm này, ông Sergey Zvenigorod - Giám đốc một công ty tư vấn hàng đầu nước Nga đồng thời là một nhà phân tích - cho biết: "Chi tiêu quốc phòng của Nga tăng trong năm qua, sau suốt 20 năm không được trang trải đầy đủ, bởi vậy cần phải chi một số tiền không nhỏ để tái trang thiết bị vũ khí, khí tài hiện đại, tăng cường đào tạo quân đội cũng như bảo đảm khả năng quốc phòng của đất nước chống trả bất kỳ hành động gây hấn nào từ bên ngoài". Nhà phân tích này cho rằng quá trình nói trên ít nhất phải kéo dài từ 3-5 năm. 


Có một thực tế là Nga không đủ lực lượng để bố trí các đơn vị biên phòng trên từng cây số biên giới, cũng như không có sự hiện diện của lực lượng quân đội bảo vệ an ninh quốc gia trên mỗi 100 kilômét vuông. Xuất phát từ thực trạng trên, sự cần thiết phải hiện đại hóa và tái vũ trang quân đội là điều không thể bàn cãi. Tuy nhiên, "Báo Độc lập" đặt câu hỏi: nếu tất cả số tiền 91 tỷ USD chỉ được dùng để nâng cấp, hiện đại hóa quân đội, thì tại sao trong suốt 20 năm qua, vấn đề này lại không được nhắc tới? Về vấn đề chi tiêu quốc phòng thiếu hiệu quả, bài báo cũng để ngỏ một câu hỏi cho rằng dường như có sự liên đới trách nhiệm của các quan chức quốc phòng Nga, kể cả những người đang tại nhiệm hay đã buộc phải từ chức.



TTXVN/Tin tức

Tại sao Nga ngừng mua xe bọc thép nước ngoài?
Tại sao Nga ngừng mua xe bọc thép nước ngoài?

Cuối tuần qua Đại tướng Vladimir Chirkin, Tư lệnh Lục quân Nga tuyên bố Mátxcơva quyết định điều chỉnh một số hợp đồng mua bán xe tăng, xe bọc thép hạng nhẹ với công ty IVECO của Italia.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN