Lý do Brazil chìm sâu trong thảm họa COVID-19

Có nhiều lý do khiến Brazil trở thành điểm nóng dịch bệnh COVID-19 hàng đầu trên thế giới mà các động thái của Tổng thống Jair Bolsonaro là một trong số đó.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Manaus, Brazil
ngày 20/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ Financial Times, đã có những so sánh, đánh giá về Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Họ giống nhau về tính cách. Điểm khác biệt nằm ở chỗ trước khi làm tổng thống, ông Trump từng lãnh đạo một doanh nghiệp lớn, còn ông Bolsonaro không có điểm gì nổi bật, chức vụ cao nhất mà ông từng có trong quân đội là đại úy trước khi chuyển sang làm chính trị.  

Đại dịch COVID-19 đã khắc họa rõ nét tương đồng và khác biệt đó. Tổng thống Brazil có cách tiếp cận đặc biệt giống với đồng cấp người Mỹ, nhưng ở cấp độ nguy hiểm hơn và lỏng lẻo hơn.

Cả hai nhà lãnh đạo đều ám ảnh với khả năng trị bệnh COVID-19 của thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine. Nhưng trong khi ông Trump chỉ tự dùng cho riêng mình, ông Bolsonaro đã ép buộc Bộ Y tế Brazil ban hành hướng dẫn sử dụng mới, khuyến nghị sử dụng hydroxychloroquine. 

Bất đồng chính kiến về công dụng của thuốc, Tổng thống Mỹ chỉ dừng lại ở ở việc tranh cãi với các cố vấn khoa học. Còn tại Brazil, ông Bolsonaro đã sa thải Bộ trưởng Y tế, tiếp đó có hành động để vị bộ trưởng kế nhiệm phải từ chức. Trong khi ông Trump thể hiện sự thông cảm đối với những người biểu tình phản đối đóng cửa, Tổng thống Bolsonaro trực tiếp tham gia các cuộc tuần hành phản đối lệnh ở nhà.

Hậu quả là Brazil đang phải trả giá đắt cho những động thái của Tổng thống Bolsonaro, với tình hình dịch bệnh ngày một tệ đi nhanh chóng. COVID-19 tấn công Brazil tương đối muộn, nhưng quốc gia Nam Mỹ này đang đứng thứ hai về số ca lây nhiễm và đứng thứ sáu thế giới về số ca tử vong. Số người chết tại Brazil tăng gấp đôi cứ sau hai tuần và hiện chiếm 1/2 tổng số ca tử vong ở Mỹ Latinh. 

Cấu trúc kinh tế, xã hội của Brazil khiến nước này dễ chịu tổn thất lớn khi dịch bệnh hoành hành. Hệ thống bệnh viện tại São Paulo, thành phố lớn nhất tại Brazil, đang ở ngưỡng gần sụp đổ. Tình trạng phần lớn dân cư sống trong điều kiện tập trung đông đúc, không có tiết kiệm, thất nghiệp hàng loạt có thể dẫn tới nguy cơ đói nghèo trong vài tháng tới.

Công bằng mà nói vị tổng thống mới nhậm chức hồi tháng 1/2019 không chịu trách nhiệm về virus, cũng như tình cảnh đói nghèo hay việc tập trung dân cư đông đúc vốn là nhân tố biến COVID-19 thành mối đe dọa đối với quốc gia. Ông cũng không thể ngăn cản các thống đốc, thị trưởng tại Brazil ban hành lệnh đóng cửa tại các khu vực địa phương. 

Tuy nhiên, với hành động khuyến khích người ủng hộ phản đối đóng cửa và loại bỏ các bộ trưởng trong chính quyền, ông Bolsonaro phải chịu trách nhiệm trong tìm ra giải pháp đối phó với tình trạng hỗn loạn đã tạo điều kiện để dịch bệnh bùng phát ngoài tầm kiểm soát. Hệ quả là những thiệt hại kinh tế, sức khỏe mà Brazil phải gánh chịu sẽ nghiêm trọng hơn, dai dẳng hơn. Những nước khác có tình trạng xã hội căng thẳng hơn Brazil, như Nam Phi, cũng chọn giải phóng chống dịch hiệu quả, có nguyên tắc hơn. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Brazil Jair Bolsonara. Ảnh: AFP

Tổng thống Bolsonaro đang gặp rắc rối về chính trị. Tỉ lệ ủng hộ của cử tri đối với ông đã lao dốc mạnh, giờ xuống ngưỡng 30%. Có 50% dân chúng phản đối biện pháp chống dịch của ông. Sự ủng hộ ông Bolsonaro từng có được từ phái chính trị bảo thủ dòng chính cũng đang suy giảm. Bộ trưởng Tư pháp Sergio Moro, đồng minh của ông trong cuộc chiến chống tham nhũng, đã từ chức hồi tháng trước. 

Dựa trên những cáo buộc của ông Moro về việc Tổng thống tìm cách can thiệp vào tiến trình điều tra chống tham nhũng của cảnh sát, Tòa án Tối cao Brazil ngày 28/4 đã mở cuộc điều tra trong thời hạn 60 ngày. Kết quả có thể dẫn đến một quy trình luận tội nhằm vào ông Bolsonaro.

Các biện pháp giãn cách xã hội mà ông Bolsonaro chỉ trích bấy lâu có thể lại mang hiệu quả chính trị. Nó giúp ngăn chặn các cuộc biểu tình hàng loạt vốn từng là động lực để thúc đẩy tiến trình luận tội nhằm vào nữ Tổng thống Dilma Rousseff tại thời điểm năm 2016.

Số chính trị gia đối lập cũng e ngại, không muốn đẩy Brazil vào một cuộc khủng hoảng chính trị giữa tâm dịch COVID-19. Thế nhưng, Brazil không thể thống nhất, đoàn kết quốc gia trong đại dịch. Số ca tử vong, tỉ lệ thất nghiệp do COVID-19 ngày một cao hơn.

Hoài Thanh/Báo Tin tức
Số ca mắc COVID-19 nhiều thứ 2 thế giới, Brazil đóng cửa biên giới thêm 30 ngày
Số ca mắc COVID-19 nhiều thứ 2 thế giới, Brazil đóng cửa biên giới thêm 30 ngày

Phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ đưa tin, Chính phủ của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã gia hạn lệnh đóng cửa biên giới thêm 30 ngày trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đã trở thành nước có tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN