Liệu luật cấm có ngăn Mỹ rút khỏi NATO dưới thời ông Trump cầm quyền?

Mỹ đã ban hành luật cấm tổng thống đơn phương rút khỏi NATO, nhằm ngăn chặn mọi ý đồ rời khỏi liên minh, đặc biệt sau những chỉ trích gay gắt của Donald Trump, người vừa mới đắc cử tổng thống Mỹ. Dù vậy, với quyền hạn tổng thống về đối ngoại, ông Trump vẫn có thể tìm cách lách luật, gây lo ngại cho tương lai của liên minh này. 

Chú thích ảnh
Quốc kỳ các nước thành viên NATO tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Theo tờ Politico ngày 9/11, sau chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ mới đây của ông Donald Trump, người nổi tiếng với những lời chỉ trích gay gắt nhằm vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), các chính trị gia Mỹ đã thông qua một đạo luật nhằm ngăn cản bất kỳ tổng thống nào đơn phương rút Mỹ khỏi liên minh này. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu luật đó có đủ mạnh để cản trở một quyết định quyết đoán từ ông Trump nếu ông tiếp tục muốn rời khỏi NATO.

Năm 2023, Thượng nghị sĩ Tim Kaine và Marco Rubio đã giới thiệu một điều khoản quan trọng trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia, yêu cầu tổng thống cần sự đồng ý của hai phần ba Thượng viện hoặc một đạo luật của Quốc hội trước khi có thể rời NATO. Đạo luật này được Tổng thống Joe Biden ký thành luật vào cuối năm tài khóa 2024, chính thức ràng buộc bất kỳ tổng thống nào với những quy định pháp lý rõ ràng.

“Sau những lời đe dọa của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên, Quốc hội Mỹ đã hành động trên cơ sở lưỡng đảng để ngăn chặn bất kỳ tổng thống nào đơn phương rút khỏi NATO”, Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen cho biết. Ông nhấn mạnh rằng Quốc hội Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực bảo vệ NATO khỏi những mối đe dọa từ bên trong.

Theo các chuyên gia pháp lý, mặc dù luật này đặt ra giới hạn, nhưng ông Trump có thể tận dụng quyền hạn của tổng thống về chính sách đối ngoại để tìm cách lách luật. Scott Anderson, học giả của Viện Brookings, cho rằng đạo luật chỉ mở ra một cuộc xung đột trực tiếp với Quốc hội nếu tổng thống thực sự có ý định rời NATO. “Điều đó có nghĩa là Quốc hội nói với bạn rằng bạn không thể làm điều này. Nếu bạn phớt lờ Quốc hội, bạn sẽ phải đấu tranh tại tòa án về vấn đề này”, ông Anderson nhận định.

Nhưng Giáo sư Curtis Bradley từ Đại học Chicago nhấn mạnh rằng, nếu ông Trump quyết định rút Mỹ khỏi NATO, không chắc liệu Quốc hội nước này có đủ tư cách pháp lý để kiện ông hay không. Theo luật Mỹ, những xung đột giữa các nhánh chính phủ thường được giải quyết qua quá trình chính trị, thay vì thông qua hệ thống tư pháp.

“Để vấn đề này được đưa ra xét xử, cần phải có bên có tư cách để kiện", ông Bradley cho biết, lưu ý rằng Quốc hội có thể là bên duy nhất có đủ điều kiện khởi kiện, nhưng không chắc các thành viên đảng Cộng hòa trong đó có đồng tình với vụ kiện hay không.

Do đó, chuyên gia Anderson cho rằng để tăng cường sức mạnh của luật, Quốc hội Mỹ có thể cần thêm vào các điều khoản rõ ràng cho phép kiện tụng trong trường hợp tổng thống phớt lờ luật. 

Ngay cả khi không rút khỏi NATO, ông Trump vẫn có thể làm suy yếu liên minh này bằng nhiều cách khác. Các nghị sĩ đảng Dân chủ đã cảnh báo về khả năng ông Trump có thể từ chối cử đại sứ đến NATO hoặc ngăn cản quân đội Mỹ tham gia vào các cuộc tập trận chung. Những động thái như vậy sẽ làm suy giảm đáng kể cam kết của Mỹ với liên minh trên, khiến các thành viên khác của NATO phải hoài nghi về sự sẵn sàng của Mỹ trong việc bảo vệ các nước đồng minh.

Trước đây, ông Trump đã từng phớt lờ các yêu cầu của Quốc hội Mỹ trong việc rút khỏi các hiệp ước quốc tế. Vào năm 2020, ông Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở - một hiệp ước an ninh quan trọng giữa các nước phương Tây và Nga – mà không tuân thủ yêu cầu thông báo trước 120 ngày do Quốc hội Mỹ đặt ra. Khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ lý giải rằng tổng thống có quyền rút khỏi các hiệp ước quốc tế mà không cần thông qua Quốc hội, với lý do đây là một phần của thẩm quyền về đối ngoại.

Điều này cho thấy ông Trump và các cố vấn của mình có thể tìm cách sử dụng quyền hạn này để lách luật liên quan đến NATO, đặc biệt là nếu họ viện dẫn quyền tự quyết về các vấn đề đối ngoại của tổng thống.

Nếu Mỹ thực sự rời khỏi NATO, điều này không chỉ tác động đến an ninh của châu Âu mà còn gây ra một cuộc khủng hoảng niềm tin lớn trong NATO. Camille Grande, cựu Trợ lý Tổng thư ký NATO, cho rằng chỉ cần một thông báo về việc rút lui cũng có thể coi là tín hiệu của sự rời bỏ. 

Ngoài ra, việc Mỹ rời NATO cũng đồng nghĩa với việc hơn 100.000 binh sĩ Mỹ hiện đang đóng quân tại châu Âu sẽ phải rút về, và Bộ Quốc phòng Mỹ cũng sẽ phải tìm cách rút khỏi cơ cấu chỉ huy quân sự của NATO – một vị trí mà Mỹ đã nắm giữ từ khi NATO được thành lập vào năm 1949.

Có thể nói, dù Quốc hội Mỹ đã thông qua luật nhằm ngăn chặn tổng thống đơn phương rút khỏi NATO, nhưng luật này không hoàn toàn đảm bảo ngăn cản được các động thái của ông Trump nếu ông thực sự muốn Washington rời liên minh. Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine và sự leo thang căng thẳng giữa NATO với Moskva, sự ổn định của NATO đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có.

Công Thuận/Báo Tin tức
Lý do Trung Á ít quan tâm tới chiến thắng của ông Trump
Lý do Trung Á ít quan tâm tới chiến thắng của ông Trump

Dù chiến thắng của ông Trump đang thu hút sự quan tâm ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, nhưng các nước Trung Á lại giữ thái độ thờ ơ và cẩn trọng. Với lịch sử đầy thất bại trong hợp tác cùng Mỹ, các nước như Kazakhstan, Uzbekistan đã học cách duy trì một chính sách đối ngoại thực tế và không ràng buộc chặt chẽ với bất kỳ cường quốc nào. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN