Khủng hoảng Ukraine: Mỹ là ‘con hổ giấy’?

Quan hệ Nga-Mỹ đã trở nên căng thẳng quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraine sau khi Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ đe dọa sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt về kinh tế và quân sự nếu Nga đưa quân vào Crưm. Mỹ có thể sẽ tạm dừng trao đổi thương mại song phương và các cam kết đầu tư và quân sự, đồng thời cân nhắc một số biện pháp khác như trừng phạt ngân hàng, đóng băng tài sản, cấm cấp thị thực du lịch... nhằm vào Nga.

Trong khi đó, Nga đang tiếp tục các nỗ lực ngoại giao nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia láng giềng Ukraine, đồng thời cảnh báo phương Tây rằng "tất cả các mối đe dọa nhằm vào Nga đều có hại và phản tác dụng". Tổng thống Nga Putin nói: "Các hành động của chúng tôi thường bị phương Tây miêu tả là bất hợp pháp, nhưng hãy xem các chiến dịch của Mỹ tại Afghanistan, Iraq và Libya. Các hành động của chúng tôi là hợp pháp xét theo quan điểm luật pháp quốc tế, vì tổng thống hợp pháp của Ukraine đã đề nghị chúng tôi trợ giúp".

Tổng thống Mỹ Obama tại phòng làm việc ở Nhà Trắng.


Cuộc “khẩu chiến” Nga và Mỹ về vấn đề Ukraine đang tiếp tục nóng lên trong bối cảnh nhiều chính trị gia và các chuyên gia nghiên cứu về khủng hoảng tại Washington đều tỏ ra rất bi quan đối với phản ứng của Chính quyền Obama. Giám đốc CIA John Brennan nhận định hành động của Tổng thống Vladimir Putin không phải hoàn toàn là sai khi cho rằng động thái quân sự của Nga tại khu vực Crưm của Ukraine là thực hiện theo hiệp ước Moscow đã ký kết với Kiev năm 1997. Hiệp ước đó - sẽ hết hạn vào năm 2042 - có điều khoản yêu cầu Nga phối hợp các hoạt động quân sự với Ukraine. Theo quan điểm của Nga, việc lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych của chính quyền Kiev hiện nay là bất hợp pháp và ông Yanukovych cũng đã đề nghị Nga giúp đỡ.

Trong khi đó, cựu chiến binh Stephen F. Cohen (Mỹ) ở Princeton viết trên tờ The Nation rằng truyền thông Mỹ đã đưa những thông tin một chiều về Nga và việc hầu hết người dân Ukraine muốn nước này gia nhập châu Âu là không chính xác. “Tổng thống Nga Putin không phải là người chống Mỹ. Ông chỉ làm những điều mà ông xem là để bảo vệ lợi ích sống còn của Nga”, ông Cohen nói.

Cựu ứng cử viên phó tổng thống đảng Cộng hòa Sarah Palin thì cho rằng hành động gần đây của Tổng thống Barack Obama làm cho người ta có cảm giác rằng Mỹ trông có vẻ yếu hơn so với Nga. 

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld và cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc John Bolton cũng đồng tình với quan điểm trên khi cho rằng Mỹ đang hành động như một quốc gia đang suy giảm, thể hiện rõ nhất qua những phản ứng với Nga về vấn đề Ukraine. Theo ông Rumsfeld, vấn đề ở đây là Tổng thống Barack Obama không có chiến lược nào dựa trên những lợi ích của Mỹ. “Hôm qua là Syria, nay là Ukraine, ngày mai có thể là Cộng hòa Georgia một lần nữa và cũng có thể là Trung Á, Iran, CHDCND Triều Tiên. Trong trường hợp này, các lựa chọn là rất ít trong tương lai gần”, ông Rumsgeld nói.

Ông Bolton thì nhận định: “ Đây không phải là một vấn đề của ngày hôm nay và cũng không phải là những gì mà ông Obama đã thể hiện trong tuần vừa qua về vấn đề Ukraine. Đó là vấn đề về việc không có suy nghĩ nào về lợi ích của Mỹ trong vòng 5 năm qua. Khi các cuộc khủng hoảng xảy ra, Tổng thống có rất ít sự lựa chọn”.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của đảng Cộng hòa tuy không đồng ý về mặt chiến lược với các nhận xét trên, nhưng cũng cho rằng Mỹ đang thể hiện sự yếu kém trên vũ đài thế giới. Theo ông Graham, ông Putin sẽ nghĩ rằng ông Obama "tất cả chỉ là nói suông chứ không có hành động”. Ông Graham cho rằng Washington bắt đầu bị thiếu tôn trọng khi không có phản ứng mạnh mẽ nào đối với những kẻ tấn ông Đại sứ quán Mỹ ở Libya khiến Đại sứ Chris Stevens và 3 người khác thiệt mạng.

Khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine tiếp tục leo thang, cựu Thị trưởng thành phố New York Rudolph Giuliani muốn thấy một sự lãnh đạo “quyết đoán hơn” từ Tổng thống Barack Obama. Ông Giuliani cho rằng Tổng thống Nga khi đã "quyết định những gì cần làm, thì sẽ được triển khai nhanh chóng trong vòng nửa ngày. Sau đó tất cả mọi người phản ứng và như vậy ông Putin đã khiến chúng ta phải chạy theo như chong chóng”.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers ngày 2/3 đã chỉ trích phản ứng của Mỹ về hành động của Nga tại Crimea và cho rằng Tổng thống Barack Obama đã bị người đồng cấp Nga Vladimir Putin “qua mặt”. "Tổng thống Nga Putin đang chơi cờ trong khi chúng ta đang chơi bi. Tôi cho rằng Mỹ đã chậm chân hơn và đang rơi vào thế bị động”, ông Rogers nói.

Ông Obama dường như đã bẽ mặt khi ông Putin nhanh chóng được Thượng viện Nga đồng ý sử dụng lực lượng quân sự tới Crưm chỉ vài giờ sau lời cảnh báo của Nhà Trắng về "cái giá phải trả" nếu Moskva quyết định can thiệp vào Ukraine. Trên thực tế, kể từ khi Chính quyền ông Obama từ bỏ ý đồ tấn công Syria, ông Putin đã nhận ra điểm yếu của Mỹ. Ngoài ra, Mỹ vẫn cần sự hỗ trợ của Nga trong một số vấn đề quốc tế quan trọng khác.

Những gì đang diễn ra trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine cho thấy, Mỹ và phương Tây dường như đã đánh giá quá thấp sự quả quyết tiềm ẩn trong con người của Tổng thống Nga Vladimir Putin đầy quyền lực. Nước Mỹ của Tổng thống Barack Obama và các đồng minh châu Âu đã phản ứng giống như một "sự choàng tỉnh sau giấc ngủ dài" trước Putin.


CT (Theo NewsMax)

 Các bên tiếp tục nỗ lực giải quyết khủng hoảng Ukraine
Các bên tiếp tục nỗ lực giải quyết khủng hoảng Ukraine

Các nỗ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine vẫn đang được xúc tiến khi thủ đô Kiev của nước này trở thành "điểm đến" thu hút quan chức từ nhiều nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN