Ông Larry Hu, Chuyên gia trưởng về kinh tế Trung Quốc tại trường Đại học Macquarie, Australia, mới đây cảnh báo, không phải chiến tranh thương mại, mà thị trường bất động sản phát triển "nóng" mới là nguy cơ rủi ro lớn nhất mà Trung Quốc đối mặt.
Chuyên gia Larry Hu cho rằng, trong vòng 12 tháng tới bất động sản là nguy cơ lớn nhất, lớn hơn nhiều so với chiến tranh thương mại. Ông cũng đang theo dõi chặt chẽ liệu thị trường bất động sản ở các thành phố nhỏ hơn có chứng kiến một sự sụt giảm giá hay không sau những lần tăng mạnh gần đây.
Bất động sản là "người cầm lái" của nền kinh tế Trung Quốc. Theo một số ước tính, lĩnh vực này, gián tiếp và trực tiếp, chiếm tới 30% Tổng sản phẩm quốc nội. Giữ cho giá nhà ở có xu thế tăng vì thế là một điều cấp bách với Trung Quốc.
Thị trường bất động sản phát triển nóng của Trung Quốc vẫn là một thách thức với các nhà quản lý khi họ phải nỗ lực duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định trong lúc đối mặt với những căng thẳng thương mại với Mỹ.
Theo hãng quản lý tài sản Noah Holdings, đầu tư bất động sản chiếm khoảng 2/3 tài sản các hộ gia đình Trung Quốc. Thị trường bất động sản cũng đóng một vai trò quan trọng trong doanh thu của các chính quyền địa phương, các khoản vay ngân hàng và đầu tư doanh nghiệp. Do đó, một sự sụt giảm mạnh sức tăng trưởng của thị trường bất động sản cũng như giảm giá bất động sản sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế chung.
Cho đến lúc này, thị trường vẫn đang phát triển "nóng": Giá bán ra trung bình cho một căn hộ tại 60 thành phố cấp ba và cấp bốn của Trung Quốc đã tăng 28,1% từ tháng 1/2016 đến tháng 5/2018 - theo báo cáo vừa công bố tuần trước của ông Sheng Songcheng, nhà tư vấn cho Ngân hàng trung ương Trung Quốc, cũng là giáo sư tại trường Kinh doanh quốc tế Trung - Âu.
Giá các tài sản nội địa nhìn chung cũng đã tăng trong hơn 3 năm qua, thời kỳ tăng dài nhất kể từ năm 2008.
Tuần trước, thành phố Nam Kinh công bố lệnh cấm các pháp nhân mua bất động sản nhà ở, theo sau những động thái tương tự nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản của chính quyền Thượng Hải và một số thành phố khác.
Theo ông Joe Zhou giám đốc khu vực phụ trách thị trường vốn Trung Quốc của công ty quản lý đầu tư và bất động sản JLL, đó là một động thái tốt để kiểm soát rủi ro. Ông Zhou cho biết, không nhiều khả năng chính phủ Trung Quốc sẽ sớm nới lỏng chính sách và giá cả bất động sản có thể sụt giảm nếu tính trung bình.
Tuy vậy chưa rõ một cuộc sụt giảm trên thị trường bất động sản Trung Quốc có gây ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế chung với cùng quy mô hay không. Người dân vẫn trông đợi giá bất động sản tăng do chính phủ liên tục thay đổi chính sách từ siết chặt sang nới lỏng, chủ yếu là nhằm ngăn chặn sụt giảm tăng trưởng – chuyên gia Sheng nhận xét.
Giới phân tích cũng dự đoán chung rằng, các nhà quản lý tại Trung Quốc sẽ đối phó bằng những biện pháp kích thích lên những lĩnh vực khác của nền kinh tế như cơ sở hạ tầng, công nghệ. Trong khi đó, nền kinh tế lệ thuộc vào xuất khẩu của Trung Quốc cũng đối mặt với áp lực từ việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc giữa căng thẳng thương mại giữa hai nước.
Viễn cảnh kinh tế lúc này có thể ổn định, nhưng nếu việc kiểm soát thị trường bất động sản không được tăng cường, khi đó tiền sẽ chảy vào bất động sản thay vì vào các lĩnh vực khác mà nền kinh tế cần như sản xuất, sáng tạo công nghệ và du lịch – theo ông Thales Qin, một giám đốc điều hành của Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa có trụ sở tại Bắc Kinh.