Khó khăn và cơ hội đang chờ đợi nước Mỹ

Trang mạng economist.com mới đây đăng tải bài viết nhận định những điều kiện để Mỹ thực hiện các thỏa thuận chính sách đối ngoại trong năm 2020 càng trở nên chông gai hơn. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản, ngày 28/6/2019. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Bài viết cho rằng nỗ lực luận tội Tổng thống Donald Trump sẽ làm tổn hại đến chính sách ngoại giao của nước này vì những nghi ngờ và nguy cơ rò rỉ thông tin có thể đe dọa bất kỳ sáng kiến lớn nào. Mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc đang trong tình trạng mất lòng tin sâu sắc. 

Nhìn vào cuộc đối thoại chiến lược giữa các quan chức Mỹ - Nga có thể thấy mối quan hệ giữa Washington và Moskva hiện mong manh hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ thời Chiến tranh Lạnh. 

Trong lĩnh vực vũ khí, việc kiểm soát vũ khí được đánh giá vô cùng quan trọng và cần phải được khôi phục. Sự cấp bách này xuất phát từ thực tế rằng cơ chế kiểm soát hạt nhân đang bị xói mòn nghiêm trọng. Năm 2002, Washington đã từ bỏ Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo năm 1972. Tổng thống Trump cũng đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), ký giữa Tehran với nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) năm 2015. Chương trình hạt nhân và hoạt động thử tên lửa của Triều Tiên vẫn tiếp diễn mặc dù Tổng thống Trump tuyên bố các hoạt động ngoại giao hội nghị thượng đỉnh của ông đã giải quyết được vấn đề này. 

Một vấn đề khác là Mỹ và Nga rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), một trong những "hòn đá tảng" của cơ chế kiểm soát vũ khí giữa hai cường quốc quân sự này. Sau sự sụp đổ của INF, Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START mới) là công cụ pháp lý cuối cùng hạn chế tiềm năng tên lửa hạt nhân của hai bên và cho phép khả năng dự báo trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí. Tuy nhiên, Hiệp ước START mới sẽ hết hiệu lực vào tháng 2/2021 và Washington vẫn chưa hồi đáp đề nghị của Moskva về việc gia hạn văn kiện này. Nếu không có hạn chế và giám sát, nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua hạt nhân mới là điều khó tránh khỏi.

Bất chấp viễn cảnh ảm đạm trên, cơ hội vẫn sẽ rộng mở với nước Mỹ trong năm 2020. Một là với Iran. Các nỗ lực mạnh mẽ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đóng vai trò trung gian cho một hội nghị, hoặc ít nhất là một cuộc đối thoại giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Iran Hassan Rouhani, có thể dẫn đến một thỏa thuận hạt nhân mới. Giới phân tích cho rằng Tổng thống Trump cần cân nhắc kỹ lưỡng khi Iran mong muốn được nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Trong một tín hiệu tích cực mới đây, Tổng thống Rouhani nhận định sáng kiến của Pháp là "có cơ sở cho các cuộc đàm phán". 

Hai là với Nga, liên quan đến Hiệp ước New START. Cả Mỹ và Nga vẫn có những khúc mắc cần giải quyết trước khi nhất trí gia hạn hiệp ước này, nhưng không có gì là không thể vượt qua nếu đủ ý chí chính trị. Các cuộc đàm phán nghiêm túc cần sớm khởi động để đạt được một thỏa thuận đúng thời điểm.

Đối với Tổng thống Trump, ông rất cần các thỏa thuận mới được nâng cấp vào lúc này để đấu dịu những rối ren trong nước. Những công việc khó khăn hơn đang nằm ở phía trước, đó là làm thế nào để quản lý những mối đe dọa mới, chẳng hạn như những vũ khí siêu thanh và chiến tranh mạng. Tất cả sẽ được quyết định trong năm 2020.

Minh Tâm (TTXVN)
Những khủng hoảng chính sách đối ngoại mà Tổng thống D.Trump có thể phải đối mặt
Những khủng hoảng chính sách đối ngoại mà Tổng thống D.Trump có thể phải đối mặt

Mạng tin thehill ngày 25/12 đăng bài viết nhận định Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải đối mặt với một thế giới đầy biến động trong năm 2020, có khả năng dẫn tới những khủng hoảng chính sách đối ngoại đối với vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN