Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, tiến triển trong đàm phán giữa các quan chức Nga và Ukraine đã làm tăng hy vọng các bên có thể tổ chức một hội nghị thượng đỉnh quốc tế đầu tiên trong ba năm qua về việc chấm dứt cuộc xung đột giữa lực lượng đòi độc lập tại miền Đông Ukraine và lực lượng Chính phủ Ukraine.
Tuy nhiên, một số quốc gia EU một mặt hoan nghênh việc tiến hành một hội nghị thượng đỉnh giữa Pháp, Đức, Ukraine và Nga, mặt khác lại tỏ ra lo ngại EU có thể dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga kể từ khi Moskva sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea hồi năm 2014.
Thời gian gần đây, bất đồng trong EU về chính sách với Nga có xu hướng nghiêm trọng hơn, đặc biệt trong bối cảnh Pháp là nước đi tiên phong có động thái "mở cửa" với Nga.
Tháng 8 vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nỗ lực làm ấm lại quan hệ với Nga khi chủ trì cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại miền Nam nước Pháp và nhất trí về việc nối lại liên lạc ngoại giao cấp cao giữa hai nước. Hai nhà lãnh đạo mới đây đã có cuộc điện đàm, trong đó đánh giá sự kiện trao đổi tù nhân giữa Nga và Ukraine là bước đi hướng tới nỗ lực hòa bình.
Ngày 7/9 vừa qua, Nga và Ukraine đã thực hiện việc trao đổi tổng cộng 70 tù nhân của cả hai bên. Giới chức phương Tây, đặc biệt là Đức và Pháp, đã hoan nghênh động thái này, coi đây là một hành động chứng tỏ cả Moskva và Kiev đã sẵn sàng cho đối thoại. Đức và Pháp tuyên bố sẽ ủng hộ các nỗ lực của cả hai bên nhằm có được những tiến bộ cụ thể để chấm dứt xung đột ở miền Đông.
Quan hệ giữa Kiev và Moskva đã xấu đi từ năm 2014, khi Nga sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea và nổ ra cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine. Giao tranh đã làm trên 13.000 người thiệt mạng trong 5 năm. Việc ông Volodymyr Zelenskiy đắc cử Tổng thống Ukraine hồi tháng 4 vừa qua đã mở ra hy vọng làm sống lại tiến trình hòa bình đã bị bế tắc lâu nay.