Hàng trăm người có thể đã thiệt mạng khi chiếc tàu đánh cá chở người di cư bất hợp pháp từ Libya bị lật khi đang trên đường tới Italy. Một số nghị sĩ đối lập ở Italy kêu gọi phong tỏa ngay lập tức bờ biển Libya để ngăn chặn dòng người nhập cư vào Italy. Tuy nhiên, đề xuất này chỉ mang tính tình thế. Muốn Địa Trung Hải không trở thành “nghĩa địa” của người nhập cư nữa, thế giới phải giải quyết tận gốc rễ của vấn đề.Chiếc tàu đánh cá gặp nạn dài 20 mét, chở khoảng 700 người di cư nhưng chỉ có 28 người được cứu sống. Số còn lại đã vĩnh viễn ôm theo giấc mơ đổi đời ở châu Âu xuống đáy Địa Trung Hải. Những vụ lật tàu thuyền chở người di cư như vậy không phải là chuyện hiếm ở biển Địa Trung Hải, thậm chí ngày càng tăng và với thương vong ngày càng lớn.
Tàu chở những người di cư tới cảng Messina sau khi được lực lượng bảo vệ bờ biển Italy cứu.Ảnh: AFP – TTXVN |
Chỉ tính từ đầu năm 2015 tới nay đã có 1.500 người di cư thiệt mạng trên đường đi tìm “miền đất hứa”. Trong tuần trước khi xảy ra tại nạn, tàu chở người di cư đã đưa tới 13.500 người vào vùng biển của Italy. Năm 2014, số lượng kỷ lục 170.000 người di cư đã vượt hành trình nguy hiểm để tới Italy.
Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã kêu gọi Liên minh châu Âu hành động để giải quyết tình trạng nhập cư qua đường biển bằng cách xử lý mạnh tay với tình trạng tội phạm buôn người, được coi là “dịch bệnh ở châu Âu”.
Bọn buôn người thường lợi dụng khủng hoảng chính trị để dụ dỗ người dân ở các nước Trung Đông, châu Phi, đặc biệt là Libya chạy trốn bạo lực hoặc đi tìm vận may đổi đời ở các nước châu Âu. Để có được một chỗ trên các con tàu sập sệ đông nghẹt người, mỗi người di cư phải trả cho chúng cả nghìn euro. Những người chưa có tiền trả ngay sẽ phải trả sau. Khi người di cư đã đặt chân lên đất châu Âu, bọn buôn người sẽ bắt những người còn nợ tiền chúng làm việc không công hoặc bán nội tạng để trả nợ. Trong thực tế, những người còn nợ tiền bị đối xử không khác gì nô lệ, thậm chí còn có nguy cơ bị bán cho các nhóm tội phạm.
Tòa án Italy từng xét xử nhiều thủ phạm buôn người, trong đó có cả người nước ngoài và người Italy. Tuy nhiên, tình trạng này không hề giảm và bọn buôn người thậm chí còn “nhờn thuốc”. Chúng biết khi tàu tới gần bờ biển Italy, chắc chắn lực lượng bảo vệ bờ biển nước này sẽ phải cấp tập đưa nhân lực, phương tiện ra cứu người di cư nếu con tàu phát tín hiệu khẩn cấp. Lợi dụng điều này, nhiều tàu chở người di cư thậm chí còn không thèm đổ đầy nhiên liệu cho cả hành trình. Chúng chỉ đổ nhiên liệu vừa đủ cho quãng đường đi từ Libya tới mép vùng nước Italy để tiết kiệm chi phí.
Chính phủ Italy cũng đang gặp khó khăn với tình hình kinh tế và không có nhiều nguồn lực để tìm kiếm, cứu vớt người di cư gặp nạn ngoài biển. Tình trạng nan giải đến mức Thủ tướng Renzi cho rằng châu Âu bỏ mặc Italy đối phó với vấn nạn buôn người, di cư ồ ạt, những vẫn phải kêu gọi các nước đoàn kết giải quyết vấn đề. Chính Giáo hoàng Francis cũng kêu gọi điều tương tự.
Tuy nhiên, nạn buôn người cũng chỉ là phần nổi của vấn đề di cư bất hợp pháp. Phần gốc rễ mà theo Giáo hoàng Francis chính là tình hình bất ổn ở Trung Đông. Nếu cuộc sống của người dân khu vực này còn bấp bênh, còn chìm trong bom đạn, khủng bố, xung đột, thì dù không có bọn buôn người, họ cũng sẽ tìm cách này hay cách khác để tháo chạy tới nơi an toàn. Như ở Libya, sau khi nhà lãnh đạo Moamer Kadhadi bị Mỹ và đồng minh lật đổ, làn sóng người di cư từ Libya sang Italy đã tăng chóng mặt, chiếm tới 90% người di cư tới Italy bằng đường biển.
Dường như Thủ tướng Italy Renzi đã nhìn ra được nguyên nhân cốt lõi của nạn di cư bất hợp pháp khi kêu gọi tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh khẩn với các lãnh đạo châu Âu ngay sau thảm họa chìm tàu mới nhất ngày 19/4. Trong đó, ông đề nghị châu Âu bàn cách giúp mang lại ổn định chính trị ở Libya – nơi mà các băng nhóm buôn người đang hoành hành tự do.
Như vậy, muốn xóa bỏ tình trạng di cư bất hợp pháp ồ ạt vào Italy nói riêng và châu Âu nói chung, thế giới phải tìm giải pháp cho vấn đề ở nơi cách đó hơn 1.700 km.
Thùy Dương