Giải pháp quân sự có chống được di cư bất hợp pháp?

Trước đây, khi cướp biển tấn công các tàu hàng trên vùng biển ngoài khơi Somalia, Liên minh châu Âu (EU) đã gạt sang một bên sự phụ thuộc vào "quyền lực mềm" và sử dụng giải pháp quân sự.

Kết quả là “Chiến dịch Atalanta” được phát động vào năm 2008 với việc các tàu chiến từ Tây Ban Nha, Anh, Italy và các nước thành viên khác tham gia chặn tàu cướp biển ở Ấn Độ Dương và thậm chí phá hủy chúng ngay trên vùng biển của Somalia.


Tàu chở người di cư tới cảng Messina sau khi được lực lượng bảo vệ bờ biển Italy cứu. Ảnh: AFP/TTXVN


Và giờ đây, EU lại đang tính đến một giải pháp quân sự để đối phó với một cuộc khủng hoảng mới ngoài khơi châu Phi (khoảng 1.600 người đã bỏ mạng trên Địa Trung Hải kể từ đầu năm nay). Trong cuộc họp khẩn diễn ra tại Luxembourg đầu tuần này nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng, các bộ trưởng nội vụ và ngoại giao EU đã đi tới kết luận rằng một chiến dịch quân sự hiếm hoi của EU sẽ "khơi nguồn cảm hứng" cho nỗ lực của châu lục nhằm trấn áp các mạng lưới buôn người ở Libya.

Tuy nhiên, sự hào hứng về một chiến dịch quân sự như vậy nhanh chóng bị phủ bóng bởi những nghi ngờ về tính khả thi của nó. Tờ "Thời báo Tài chính" (Anh) ngày 21/4 dẫn đánh giá của các nhà ngoại giao và giới phân tích cho rằng, trong khi vấn đề người di cư đang trở thành vấn đề cấp bách thì hành động đáp trả bằng quân sự lại có thể diễn ra không kịp thời. “Chiến dịch Atalanta” cũng phải mất 4 năm kể từ khi phát động mới có được cuộc tấn công đầu tiên.
Trở ngại đầu tiên là bất cứ chiến dịch quân sự nào ở Libya cũng đòi hỏi phải được sự ủy quyền của nhà chức trách Libya hoặc Liên hợp quốc và đây là điều khó được đảm bảo. Theo lời một nhà ngoại giao, cứ xem thái độ giận dữ của Nga và Trung Quốc về cách thức Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn giải về sự ủy quyền thiết lập các vùng cấm bay là đủ thấy kiểu ủy quyền này sẽ khó được chấp nhận.

Cho dù vấn đề ủy quyền được giải quyết thì lại có những nghi vấn khác về khả năng phá hủy tàu thuyền của bọn buôn người. Ông Paolo Magri, Phó Chủ tịch điều hành Viện nghiên cứu chính trị quốc tế tại Milan (Italy) nhận định: Chỉ có kẻ ngốc mới nghĩ rằng phá hủy được một con thuyền trên biển Libya là giải quyết được vấn đề. Theo ông, những kẻ vận chuyển người bất hợp pháp sẽ có ngay tàu mới để thay thế tàu bị phá hủy bởi chi phí cho một tàu mới mua từ Ai Cập chỉ mất 100.000 euro nhưng với mỗi chuyến đưa người vượt biển vào châu Âu lại có thể bỏ túi 800.000 euro.

Các vấn đề nan giải hơn là khó khăn trong công tác thu thập thông tin tình báo về các mạng lưới vận chuyển người ở Libya. Bản thân những kẻ buôn lậu thường kết hợp vận chuyển người như một “công việc thứ hai” trong thời buổi kinh tế khó khăn. Thậm chí các quan chức chính phủ cũng tham gia vận chuyển lậu cả người và hàng hóa theo nhiều tuyến đường khác nhau.

Ngoài các vấn đề trên, cũng cần tính toán đến bối cảnh chính trị phức tạp của Libya. Các nhà ngoại giao châu Âu lo ngại rằng việc những kẻ vận chuyển người bị thương hay bị chết dưới tay các lực lượng phương Tây có thể gây hậu quả khôn lường, làm khó khăn thêm cho các cuộc đàm phán hòa bình được phương Tây ủng hộ đang diễn ra nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 11 tháng qua ở Libya.

Ông Anas el-Gomati, nhà nghiên cứu thuộc Viện Sadeq (Libya) có tham gia cuộc họp tại Luxembourg, đánh giá rằng giải pháp quân sự chỉ là một hành động tạm thời chứ không phải là giải pháp thay thế cho một chính sách mạnh mẽ và mạch lạc. Ông này cũng nhấn mạnh thêm rằng điều đó cũng sẽ không thể giúp ngăn được dòng người di cư từ các nước cận Sa mạc Sahara.

Tại cuộc họp ở Luxembourg, các bộ trưởng EU cũng đã lên tiếng ủng hộ ý kiến dành sự hỗ trợ lớn hơn cho “Chiến dịch Triton” của khối, trong đó các tàu của một loạt nước thành viên EU tham gia tuần tra trong phạm vi 30 dặm tính từ bờ biển Italy. Một số nhà ngoại giao bày tỏ lạc quan rằng việc trao thêm sứ mệnh tìm kiếm và cứu hộ trong “Chiến dịch Triton” có thể giúp cứu thêm được người di cư bị nạn trên biển. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật thì các sứ mệnh như vậy chỉ có thể thực hiện bởi mỗi nước thành viên riêng rẽ chứ không phải của toàn EU.

Đỗ Sinh

Italy bắt thuyền trưởng và thuyền phó tàu di cư bị lật
Italy bắt thuyền trưởng và thuyền phó tàu di cư bị lật

Cảnh sát Italy đã bắt giữ thuyền trưởng và thuyền phó của chiếc tàu chở người di cư trái phép bị lật ngoài biển Lybia hôm 18/4.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN