Israel ‘làm nóng’ nhiều mặt trận, nhưng không ai rõ mục đích cuối cùng của ông Netanyahu

Ông Netanyahu đang chơi một trò chơi phức tạp, cố gắng cân bằng các yêu cầu trái ngược nhau của nhiều đồng minh mà ông không thể để mất.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (giữa, phía trước) chủ trì cuộc họp Nội các an ninh sau vụ tấn công của Iran, tại Jerusalem ngày 1/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Khi lực lượng Israel giết chết thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar – được cho là chủ mưu vụ thảm sát ngày 7/10/2023, vào tuần trước, nhiều người ở trong và ngoài Israel hy vọng đó có thể là thời điểm Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố chiến thắng và thu hẹp quy mô hoạt động ở Gaza với hy vọng đảm bảo lệnh ngừng bắn và thỏa thuận thả con tin.

Nhưng một tuần sau cái chết của Sinwar, ngày càng rõ là họ đã sai.

Nghi ngờ về mục tiêu cuối cùng của ông Netanyahu

Ông Netanyahu, người vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 hôm 21/10, là thủ tướng tại vị lâu nhất của Israel, đang lãnh đạo đất nước vượt qua cuộc chiến dài nhất từ ​​trước đến nay.

Các đồng minh quốc tế của Israel, cũng như nhiều người trong nước, đang gây sức ép buộc ông Netanyahu chấm dứt cuộc chiến đó ngay lúc này, chỉ ra rằng vụ ám sát Sinwar diễn ra sau những thành công quân sự khác, đáng chú ý nhất là vụ tiêu diệt thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah.

Nhưng thay vào đó, ông Netanyahu thề sẽ tiếp tục chiến đấu, khiến thế giới đoán già đoán non về mục tiêu cuối cùng của ông.

Thủ tướng Israel đã ám chỉ rằng tham vọng của mình có thể vượt xa việc đè bẹp Hamas và Hezbollah, hai mối đe dọa cấp bách nhất mà Tel Aviv đang phải đối mặt. Ông cho biết vụ ám sát Nasrallah là "một bước đi cần thiết" hướng tới việc thay đổi "cán cân quyền lực trong khu vực trong nhiều năm tới". Quan điểm này làm dấy lên lo ngại về ý định của ông đẩy Israel vào cuộc đối đầu trực tiếp với Iran.

Israel và Iran hiện đang ở rất gần một cuộc leo thang lớn khác sau khi Iran phóng một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo lớn vào Israel vào ngày 1/10. Ông Netanyahu ngay lập tức thề sẽ trả đũa, nhưng ba tuần sau, thế giới vẫn đang chờ xem Israel sẽ làm gì tiếp theo. Mỹ và các đồng minh khác đã thúc giục ông Netanyahu kiềm chế và tránh tấn công các tài sản hạt nhân và dầu mỏ của Iran, nhưng không rõ liệu họ có thành công hay không.

Thủ tướng Netanyahu đã công khai tuyên bố rằng ông muốn quân đội của mình loại bỏ các lực lượng ủy nhiệm của Iran đang gây ra mối đe dọa trực tiếp nhất đối với Israel, đó là Hamas ở Gaza và Hezbollah ở miền nam Liban. Nhưng ngày càng rõ ràng rằng điều đó có thể không thể đạt được.

Tình hình hiện tại ở phía bắc Gaza cho thấy lý do tại sao. Quân đội Israel đã rút khỏi khu vực này hai lần sau khi cả hai lần đều tuyên bố rằng họ đã đánh bại Hamas ở đó. Tuy nhiên, đầu tháng này, IDF đã tiến vào một lần nữa sau khi tuyên bố có dấu hiệu Hamas tái xuất hiện trong khu vực.

Tương tự như vậy, nhiều tuần sau khi Israel tiến hành chiến dịch ở Liban, Hezbollah vẫn tiếp tục tấn công. Hôm 21/10, một UAV phóng từ Liban đã lọt qua hệ thống phòng không Israel, đánh trúng ngôi nhà bên bãi biển của ông Netanyahu cách biên giới Liban khoảng 80km.

Áp lực trong nước

Việc ông Netanyahu còn do dự chưa ký kết thỏa thuận ngừng bắn, ngay cả sau khi giành được một số chiến thắng quân sự, đã khiến nhiều người ở Israel tức giận. Các cuộc biểu tình hàng tuần chống lại ông và chính phủ Israel lại tiếp tục, yêu cầu một thỏa thuận với Hamas nhằm đảm bảo việc thả 101 con tin vẫn bị giam giữ ở Gaza.

Aviv Bushinsky, cựu cố vấn của ông Netanyahu, hiện là nhà phân tích chính trị, cho biết số phận của các con tin – mà hàng chục người trong số đó được cho là vẫn còn sống - là yếu tố quan trọng đối với di sản tương lai của ông.

"Nếu ông Netanyahu không thể thả thêm bất kỳ con tin nào nữa, dù bằng biện pháp quân sự hay ngoại giao, người ta sẽ nói rằng ông ấy đã thất bại", ông nói.

Ông Bushinsky nói rằng nếu chiến tranh kết thúc mà không có thêm con tin hoặc thi thể nào được thả hoặc giải cứu, thì có thể một số người cuối cùng sẽ bắt đầu đặt câu hỏi về quyết định giết Sinwar - điều mà hầu như tất cả người dân trên khắp Israel đều hoan nghênh vào tuần trước.

"Và đây là nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi, rằng mọi người sẽ nói, 'ồ, bạn thấy đấy, chúng tôi đã phạm sai lầm khi loại bỏ một nhân vật duy nhất mà bạn có thể đàm phán... Ai biết điều gì sẽ xảy ra, nhưng ít nhất bạn cũng có một cánh cửa nào đó để gõ'", ông Bushinsky nói thêm.

‘Không có động lực để chấm dứt chiến tranh’

Theo các nhà phân tích, ông Netanyahu đang chơi một trò chơi phức tạp, cố gắng cân bằng các yêu cầu mâu thuẫn của nhiều đồng minh mà ông không thể để mất.

Chính phủ của ông dựa vào sự ủng hộ của những nhân vật cực hữu như Bộ trưởng An ninh Itamar Ben-Gvir và Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich, những người không hề che giấu sự thật rằng họ muốn Israel tiếp tục chiếm đóng Gaza và thậm chí còn đề xuất xây dựng các khu định cư Do Thái ở đó.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: THX/TTXVN

Tỷ lệ ủng hộ ông Netanyahu đã cải thiện trong năm qua, nhưng không đủ để ông có thể kêu gọi một cuộc bầu cử mới và giành chiến thắng. Vì vậy, ông đã bị mắc kẹt.

“Kết thúc chiến tranh Gaza và chiến tranh Liban không phải là một lựa chọn cho các đối tác chính trị của ông trong liên minh. Họ muốn đi đến cùng, vì vậy ông không thể kết thúc chiến tranh với liên minh hiện tại”, Gayil Talshir, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Hebrew ở Jerusalem, cho biết.

“Một Netanyahu thường thấy trong 15 năm qua có lẽ sẽ hướng đến một chính phủ đoàn kết dân tộc và một thỏa thuận (ngừng bắn) lớn với sự hỗ trợ của Mỹ. Nhưng đây không phải là tình hình chính trị mà chúng ta thực sự đang trải qua, vì vậy về mặt chính trị, với liên minh này, ông ấy không có động lực để chấm dứt chiến tranh", bà Talshir giải thích.

Bà Talshir nói thêm rằng một chính phủ đoàn kết dân tộc rộng lớn hơn không phải là một lựa chọn cho ông Netanyahu vì điều đó có thể đồng nghĩa là một cuộc điều tra công khai về những thất bại dẫn đến các cuộc tấn công ngày 7/10 sẽ được mở ra.

Ảnh hưởng từ Mỹ

Trong khi đó, ông Netanyahu cũng cần cân nhắc đến những yêu cầu từ Mỹ. Chính quyền Tổng thống Biden đã nói rất rõ rằng họ muốn Israel hướng tới một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh. Ngoại trưởng Antony Blinken vừa đến thăm Israel ngày 22/10, thúc giục Netanyahu và chính phủ của ông làm nhiều hơn nữa để xoa dịu căng thẳng.

Nhưng Thủ tướng Israel dường như ngày càng trở nên miễn nhiễm với áp lực từ Mỹ. Chuyến đi của ông Blinken trong tuần này là chuyến thăm Trung Đông thứ 11 của ông trong một năm, nhưng giống như những lần trước, chuyến đi này dường như không đạt được nhiều thành quả.

Căng thẳng vốn đã rõ ràng giữa ông Netanyahu và Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là có khả năng tệ hơn nhiều trong tương lai gần.

Với cuộc bầu cử Tổng thống đang ở giai đoạn nước rút và sít sao, ông Biden phải cân nhắc cẩn thận cách tiếp cận của mình đối với Israel để không làm tổn hại đến cơ hội chiến thắng của Phó Tổng thống Kamala Harris. Ông cần được coi là người có lập trường cứng rắn về tình hình nhân đạo khủng khiếp ở Gaza để ngăn chặn người Mỹ gốc Arab và những người theo chủ nghĩa tiến bộ rời bỏ đảng của ông vì cuộc chiến mà Israel đang tiến hành ở đó. Tuy nhiên, ông cũng phải tiếp tục ủng hộ Israel để không làm phật lòng những cử tri ôn hòa và Do Thái, những người mong đợi Mỹ sẽ ủng hộ nhà nước Do Thái bất kể điều gì xảy ra.

"Cuộc bầu cử Mỹ đóng vai trò quan trọng trong cách Netanyahu nhận thức về những gì sẽ xảy ra", bà Talshir nói và lưu ý rằng, bất kể ai thắng cử, chính quyền Mỹ có thể gây nhiều áp lực hơn nữa lên Israel để chấm dứt chiến tranh trong khoảng thời gian 2 tháng kể từ ngày bầu cử đến lễ nhậm chức của tân tổng thống Mỹ.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo CNN)
Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza
Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngày 23/10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi Israel chấm dứt xung đột tại Gaza và chuyển hướng sang giải pháp chiến lược bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN