Trong bối cảnh thời hạn chót để hoàn thành thỏa thuận cuối cùng về vấn đề hạt nhân của Iran đang tới gần, nhiều nhà ngoại giao nói rằng hiện vẫn chưa thấy những dấu hiệu khả quan để đạt được kết quả ấy do vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng giữa Iran và P5+1 - gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất mà Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) công bố cách đây ít ngày càng làm gia tăng mối lo ngại của phương Tây về thiện chí của Tehran trong tiến trình đàm phán.
Các điều tra viên IAEA và các kỹ thuật viên Iran tại nhà máy hạt nhân Natanz, Iran ngày 20/1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo báo cáo kể trên, Iran đã không đáp ứng 5 đề nghị về chương trình hạt nhân do IAEA đưa ra vào ngày 25/8, nhất là đề nghị liên quan đến qui mô quân sự có thể có của chương trình này. Việc đáp ứng các đề nghị của IAEA sẽ quyết định kết quả của tiến trình đàm phán thỏa thuận cuối cùng về vấn đề hạt nhân Iran, dự kiến sẽ được ký trước thời hạn chót là ngày 24/11 tới.
Ngay sau khi IAEA ra báo cáo trên, Iran đã cố gắng chứng minh thiện chí của mình. Người phát ngôn của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran nói: "Chúng tôi đã báo trước với IAEA rằng do tính phức tạp của các vấn đề liên quan, nên việc thực hiện toàn bộ 5 yêu cầu của cơ quan này trước ngày 25/8 là không thể".
Theo kế hoạch, các cuộc thương lượng mới giữa Iran với nhóm P5+1 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 18/9 tới tại New York nhân dịp khai mạc Khóa họp 69 của Đại hội đồng LHQ. Trong một cố gắng nhằm làm giảm bớt những mối lo ngại của P5+1 trước khi khai mạc vòng thương lượng quan trọng này, Iran đã tiến hành một loạt cuộc gặp song phương và đa phương với các thành viên Nhóm P5+1. Đáng chú ý là các cuộc gặp giữa Iran với Mỹ và giữa Iran với Nhóm 3 nước châu Âu gồm Anh, Pháp và Đức tại Geneva (Thụy Sĩ).
Một quan chức ngoại giao phương Tây nói rằng họ tổ chức các cuộc gặp như vậy với Iran trước thềm hội nghị 18/9 chỉ để nhằm cảnh báo Tehran về tinh thần hợp tác của quốc gia này với IAEA. Trong khi đó, theo các nhà phân tích, phương Tây hy vọng các cuộc gặp song phương này có thể dẫn đến một sự đột phá, mở đường cho việc ký kết thỏa thuận cuối cùng trước thời hạn chót, bởi "Thỏa thuận sơ bộ" - được ký kết hồi tháng 11/2013 - cũng là kết quả của một loạt cuộc họp song phương trước đó.
Lẽ ra theo Thỏa thuận sơ bộ, các bên sẽ ký Thỏa thuận cuối cùng trước ngày 20/7 vừa qua. Song đến thời điểm đó, do còn quá nhiều bất đồng chưa được giải quyết, các bên buộc phải quyết định kéo dài thời hạn ký văn kiện hết sức quan trọng này thêm 4 tháng nữa, tức là tới ngày 24/11 năm nay. Hiện tại, các bên đang nỗ lực hết sức để hướng tới Thỏa thuận cuối cùng. Theo đó, Iran phải bảo đảm bản chất dân sự trong chương trình hạt nhân để đổi lấy việc hủy bỏ hoàn toàn mọi biện pháp trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, hiện hai bên vẫn bất đồng về qui mô của chương trình làm giàu urani của Iran và lịch trình hủy bỏ các lệ̣nh trừng phạt.
Theo giới chuyên gia, hai mâu thuẫn trên có thể đe dọa những nỗ lực ngoại giao đang diễn ra. Thêm vào đó, sức ép của các nhân vật diều hâu tại Iran, và Mỹ - những người liên tục gây sức ép tối đa lên các cuộc thương lượng - cũng là một rào cản không nhỏ. Đấy là chưa kể tới tác động của Israel, đồng minh số một của Mỹ, khi nước này luôn tìm mọi cách để phá hỏng tất cả các thỏa thuận của phương Tây và Mỹ với Iran.
Giới phân tích cho rằng dưới những áp lực từ nhiều phía, Iran và Mỹ đang tìm cách cùng lúc đạt được ba mục đích: làm hài lòng các phần tử cứng rắn của chính quyền; duy trì sức ép với đối thủ trong đàm phán và tìm kiếm những nhượng bộ cao nhất có thể của đối phương về hai vấn đề đang tranh chấp. Vẫn có ý kiến cho rằng bất chấp thái độ mập mờ của cả hai phía, Thỏa thuận cuối cùng có thể sẽ được ký trước thời hạn vì cả̉ Iran và Mỹ cùng các thành viên khác của P5+1 đều có lợi khi đạt được một thỏa thuận như vậy.
Phạm Phú Phúc