Theo nhận định mới đây của Giáo sư về quan hệ quốc tế Emil Avdaliani tại Đại học Châu Âu ở Tbilisi (Gruzia) và là học giả về Con đường Tơ lụa, trong bối cảnh địa chính trị đang diễn biến phức tạp, Iran và Nga đang tiến tới việc ký kết một hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện tại Moskva vào cuối năm nay.
Sự chuyển mình trong quan hệ Iran - Nga
Iran và Nga đã gia hạn thỏa thuận hợp tác nhiều lần, nhưng lần này, họ nhận thấy cần phải điều chỉnh để phản ánh thực tế toàn cầu hiện đại. Cuộc chiến ở Ukraine, sự xấu đi trong mối quan hệ giữa Nga với phương Tây, cùng với căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đã tạo ra những ảnh hưởng sâu sắc đến mối quan hệ giữa Moskva và Tehran.
Nga từng thận trọng trong việc cung cấp công nghệ nhạy cảm cho Iran do lo ngại về phản ứng từ phương Tây. Tuy nhiên, cuộc xung đột ở Ukraine dường như đã làm thay đổi quan điểm của Nga, khiến họ ngày càng coi Iran là một đối tác chính trong quá trình tái cấu trúc địa chính trị của mình.
Trên cơ sở đó, hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện sắp tới được kỳ vọng sẽ nhấn mạnh sự phản đối của hai nước đối với trật tự toàn cầu do phương Tây chi phối và tìm cách thúc đẩy một trật tự đa cực hơn. Iran và Nga đều ủng hộ các khuôn khổ hợp tác không phải của phương Tây như BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Thỏa thuận này cũng có khả năng nêu bật các lĩnh vực hợp tác như phát triển một hệ thống thanh toán mới cho phép giao dịch bằng các loại tiền tệ quốc gia. Điều này trở nên cần thiết khi thương mại giữa hai nước gần đây đã suy giảm.
Một lĩnh vực khác sẽ là phát triển Hành lang vận tải quốc tế Bắc-Nam (INSTC), kết nối Nga với các cảng của Iran và Ấn Độ. Hợp tác quân sự cũng sẽ là một phần quan trọng trong hiệp ước này. Iran đã bị phương Tây cáo buộc cung cấp tên lửa đạn đạo tầm ngắn và thiết bị bay không người lái cho Nga. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã xác nhận rằng hiệp ước sẽ bao gồm hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn vào cuối tháng 10 vừa qua.
Tuy nhiên, mối quan hệ này không phải không có những thách thức. Một trong số đó là việc Iran vẫn đang chờ giao máy bay chiến đấu Su-35 từ Nga. Sự chậm trễ này có thể phản ánh mong muốn của Moskva trong việc cân bằng mối quan hệ với các cường quốc Trung Đông khác như Saudi Arabia và Các Tiểu vương Quốc Arab Thống nhất (UAE), những nước phản đối ảnh hưởng và hoạt động của Iran trong khu vực.
Ngoài ra, vấn đề hạ tầng khu vực cũng gây ra bất đồng. Nga gần đây đã lên tiếng ủng hộ hành lang Zangezur, một tuyến giao thông được đề xuất giữa Azerbaijan và khu vực tự trị Nakhichevan qua tỉnh Syunik của Armenia, nhưng Iran lại coi đây là mối đe dọa tiềm tàng đối với ảnh hưởng khu vực của mình.
Một điểm bất đồng khác nằm ở sự cạnh tranh giữa Iran và Israel. Mặc dù Moskva có mối quan hệ đặc biệt với Iran, nhưng Tehran lo ngại rằng Nga sẽ không hỗ trợ họ trong các cuộc xung đột trực tiếp với Tel Aviv, dù cuộc xung đột ở Ukraine cùng với các chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza và Liban đã thúc đẩy những thay đổi trong lập trường của Nga đối với Israel.
Mặc dù có nhiều thách thức, cả Iran và Nga đều đang tiến tới một thỏa thuận chiến lược mới. Thỏa thuận này sẽ củng cố quan hệ đối tác của họ nhưng vẫn duy trì sự linh hoạt cho mỗi quốc gia trên trường quốc tế. Tóm lại, Giáo sư Avdaliani cho rằng mối quan hệ giữa Iran và Nga đang ở giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội hợp tác và sự kiện ký kết hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện sắp tới có thể đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử quan hệ hai nước.