Giáo sư Jayachandra Reddy là đồng biên tập cuốn sách “Hồ Chí Minh với Ấn Độ” (xuất bản năm 2019) và là người có nhiều nghiên cứu, đóng góp cho quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ. Ông cho rằng bài viết được đưa ra vào đúng dịp kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và trước thềm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở Việt Nam, chắc chắn sẽ giúp ban lãnh đạo mới của Việt Nam chuẩn bị những điều kiện tốt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên đón nhận những cơ hội và thách thức mới. Theo Giáo sư Jayachandra Reddy, đây là một bài viết truyền cảm hứng vào thời điểm thích hợp.
Giáo sư Jayachandra Reddy cho biết ông rất ấn tượng về nội dung so sánh trực tiếp giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, với tham chiếu các yêu cầu chính trị của Việt Nam. Bên cạnh đó, bài viết cũng đưa ra những lý do cụ thể, hợp lý, giải thích rõ vì sao Việt Nam lựa chọn con đường chủ nghĩa xã hội để thực hiện ước mơ của đất nước.
Đánh giá về công cuộc Đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua, Giáo sư Jayachandra Reddy khẳng định, chắc chắn công cuộc Đổi mới của Việt Nam được dư luận quan tâm sát sao và đó là diễn biến chính trị then chốt trong lịch sử của đất nước Việt Nam độc lập. Trước Đổi mới năm 1986, Việt Nam từng bị coi là quốc gia chủ yếu phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài, nhưng nhận thức của thế giới về Việt Nam giờ đây đã hoàn toàn thay đổi.
Hiện Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), là một trong những nước ASEAN ghi nhận mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao và được dự báo sẽ trở thành nền một trong những nền kinh tế mạnh nhất khu vực trong vài thập niên tới. Ngoài ra, Việt Nam còn góp phần quan trọng vào việc giải quyết nhiều vấn đề, đặc biệt khi đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN.
Học giả Ấn Độ cho rằng sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Việt Nam đã có thể hoàn toàn tập trung vào quá trình xây dựng đất nước thông qua việc thăm dò các lựa chọn khác nhau ở cấp độ khu vực cũng như toàn cầu, với cách tiếp cận toàn diện và hợp tác đa phương. Tất cả những dấu mốc quan trọng và những câu chuyện thành công của Việt Nam đều đã được đề cập kỹ lưỡng trong bài viết.
Về công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Giáo sư Jayachandra Reddy nhận định nhiều học giả dự báo thế kỷ 21 là thế kỷ của châu Á và chắc chắn trong đó có đất nước Việt Nam đã và đang phát triển vượt bậc với những chính sách kinh tế đối nội và đối ngoại năng động. Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia trong năm 2020 ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP gần 3,0%, khi mà tốc độ tăng trưởng GDP của thế giới là -3,6.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức cụ thể trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế, mở rộng thị trường quốc tế do Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển với dân số khu vực nông thôn lớn và gặp nhiều khó khăn trong việc thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Theo Giáo sư Jayachandra Reddy, những thách thức của Việt Nam bao gồm: khuôn khổ kinh tế cho tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo; tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp; chuyển đổi kinh tế nông thôn; tăng cường nguồn nhân lực với năng lực quốc tế; cung cấp các tiện ích cơ sở hạ tầng và dịch vụ hiệu quả; cải thiện chất lượng môi trường; xây dựng năng lực quản trị hiện đại với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và xây dựng lòng tin ở cấp độ toàn cầu.