Hoài nghi đằng sau các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung

Mỹ và Trung Quốc đã thể hiện sự lạc quan sau các cuộc đàm phán thương mại vừa diễn ra trong tuần này, nhưng vẫn còn những hoài nghi về khả năng hai bên có thể đạt được thỏa thuận mà Tổng thống Mỹ Donald Trump mong muốn.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (thứ 2, trái) dẫn đầu phái đoàn trong cuộc đàm phán với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (thứ 3, phải) và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross (phải) tại Washington DC., ngày 30/1/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau hai ngày đàm phán cấp cao ở Washington, Tổng thống Donald Trump đã ca ngợi những “tiến triển lớn” trong các cuộc đàm phán lần này với Bắc Kinh, trong khi phái đoàn Trung Quốc cho biết hai bên đã có những cuộc thảo luận "thẳng thắn, cụ thể và thành công".

Trung Quốc còn đề xuất tăng cường nhập khẩu các loại hàng hóa, năng lượng, nông sản cũng như các dịch vụ của Mỹ, một biểu hiện cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng mở cửa thị trường của mình, vốn là một trong những yêu cầu từ phía Washington. Quan trọng hơn, Tổng thống Trump còn cho biết ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp mặt “trong tương lai gần”.

Trước thời hạn quá sát mà Mỹ và Trung Quốc đưa ra trong thỏa thuận “đình chiến” kéo dài 90 ngày, có nghĩa là hai bên chỉ còn một tháng nữa để đi đến thỏa thuận, giới phân tích cho rằng sẽ là không thực tế nếu mong chờ từ hai cường quốc  kinh tế nhiều hơn một thỏa thuận từng phần với những mục tiêu khiêm tốn.

Đối với Trung Quốc, đáp ứng nhiều yêu cầu từ phía Washington sẽ đồng nghĩa với việc nước này phải thay đổi chiến lược kinh tế của mình và giảm vai trò của nhà nước trong nền kinh tế, điều mà các nhà phân tích phương Tây cho là bất khả thi. Thế nhưng, nhiều chuyên gia Trung Quốc cho rằng những yêu cầu của Tổng thống Trump không phải hoàn toàn là không thể.

Tuy nhiên, hiện tại có rất ít bằng chứng cho thấy hai bên đạt được những tiến triển quan trọng nào, theo nhận định của ông Edward Alden, một chuyên gia phân tích chính sách thương mại của Hội đồng Ngoại giao có trụ sở ở Washington.

Ngày 30/1 vừa qua, các quan chức thương mại hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc đã trở lại bàn đàm phán tại Washington để thảo luận về phương hướng hợp tác nhằm tránh đẩy tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục leo thang. Trưởng đoàn đàm phán Mỹ là Đại diện thương mại Robert Lighthizer, còn Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc là Phó Thủ tướng Lưu Hạc.

Dự kiến, Tổng thống Trump sẽ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình để thảo luận và ký kết một thỏa thuận thương mại. Tại cuộc đàm phàn, phía Trung Quốc đã đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung, có thể vào cuối tháng này, nhằm hỗ trợ giải quyết cuộc chiến thuế quan giữa hai bên.

Cuộc chiến thương mại đã bùng phát từ giữa năm 2018, với việc hai nền kinh tế hàng đầu thế giới liên tiếp trả đũa nhau bằng các mức thuế mới. Đến nay, tổng lượng hàng hóa bị đánh thuế cao hơn của hai bên đã lên tới hơn 360 tỷ USD.

Lãnh đạo hai nước đã nhất trí "đình chiến thương mại" trong 90 ngày để hai bên thương lượng một thỏa thuận nhằm chấm dứt nhiều tháng leo thang căng thẳng. Nếu giới chức hai nước không đạt được giải pháp cho cuộc chiến thương mại, Mỹ sẽ tăng mức thuế từ 10% hiện nay lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.

Khánh Ly (theo AFP)
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung: Thỏa hiệp mang tính chiến lược
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung: Thỏa hiệp mang tính chiến lược

Một bầu không khí thiện chí và lạc quan hiếm có đã lan tỏa sau vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung vừa kết thúc tại thủ đô Washington.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN