Hành trang của ông Obama trong chuyến thăm Saudi Arabia

Ngày 20/4, trang tin "project-syndicate"- trang tin nguồn của gần 500 cơ quan truyền thông thuộc gần 150 quốc gia trên thế giới- đã đăng bài phân tích của Giáo sư Bernard Haykel thuộc trường Đại học Princeton về việc Mỹ mong muốn gì trong chuyến thăm Saudi Arabia của Tổng thống Barack Obama.

Theo bài viết, chuyến thăm Saudi Arabia và tham dự hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng Hợp tác các nước Arập vùng Vịnh của Tổng thống Obama trong tuần này diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia đang ở giai đoạn bế tắc. Mặc dù vậy, Mỹ vẫn đánh giá Saudi Arabia là một đồng minh quan trọng tại khu vực và ông Obama do đó sẽ tiến hành những biện pháp nhằm hàn gắn quan hệ hai nước.

Saudi Arabia là một trong chín nước xuất khẩu dầu mỏ tầm cỡ toàn cầu. Saudi Arabia không chỉ là mắt xích quan trọng trong nền kinh tế thế giới mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo một trật tự thế giới. Nếu chế độ hoàng gia tại Saudi Arabia sụp đổ, chắc chắn sẽ xảy ra cuộc nội chiến như tại Syria hay Libya. Sự sụp đổ của Saudi Arabia có thể sẽ nhanh chóng lan sang các quốc gia láng giềng, châm ngòi cho sự bùng nổ trên phạm vi toàn khu vực, đồng thời gây ra những hậu quả khó lường. Trong bối cảnh đó, Mỹ không thể "khoanh tay" đứng ngoài, vì như vậy sẽ không thể bảo vệ được an toàn các nguồn cung cấp dầu khí mà hiện cả nền kinh tế thế giới đang phụ thuộc vào nó.

Ông Obama trao đổi với Quốc vương Abdulaziz Al-Saud (bìa phải) tại Cung điện Erga ở Riyadh ngày 20/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Nguyên nhân chính dẫn tới quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia trở nên xấu đi được cho là do Chính quyền Mỹ đã quyết định không trực tiếp can thiệp vào khu vực Trung Đông. Trong một bài phỏng vấn do nhà báo Jeffrey Goldberg thực hiện, ông Obama đã bày tỏ mong muốn Saudi Arabia "chia sẻ" khu vực với Iran, quốc gia được coi là đối thủ chính của Saudi Arabia tại khu vực.

Thời gian qua, Tổng thống Obama đã dành nhiều thời gian, công sức để đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran. Ông Obama hy vọng việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt có thể thuyết phục Tehran ngừng các chương trình hạt nhân trong vòng 15 năm. Điều này sẽ làm thay đổi quan điểm của Iran, qua đó giúp Mỹ đạt được các mục tiêu khu vực đề ra. Nếu Iran đáp ứng được những yêu cầu, Mỹ sẽ đạt được mục tiêu giảm sự hiện diện quân sự tại vùng Vịnh. Nhưng có lẽ Chính quyền Obama chưa thành công tại khu vực Trung Đông. Saudi Arabia và Iran dường như càng trở nên đối đầu nhau. Iran tiếp tục hậu thuẫn cho Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Chính quyền Iraq tại Baghdad do người Shi'ite nắm quyền, ngược lại hoàn toàn với mong muốn của Riyadh.

Có lẽ Saudi Arabia có cảm giác rằng nước này không còn được Chính quyền Mỹ hậu thuẫn như trước nữa. Do đó, quốc gia này đã có nhiều thay đổi trong chính sách. Không giống như ngoại giao truyền thống là im lặng, giờ đây Saudi Arabia đã trở nên hiếu chiến và thiên về quân sự. Saudi Arabia đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, ngừng hỗ trợ tài chính cho Leban và tiến hành một cuộc chiến khốc liệt tại Yemen. Gần đây nhất, Saudi Arabia còn dọa bán tháo các tài sản của nước này tại Mỹ nếu Quốc hội Mỹ ban hành đạo luật cho phép kiện các lãnh đạo Saudi Arabia liên quan đến các cuộc tấn công khủng bố trong sự kiện ngày 11/9/2001.

Tuy nhiên, việc hàn gắn lại các mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia sẽ không dễ dàng. Việc Chính quyền Obama chào bán thêm vũ khí cho các nước vùng Vịnh trong chuyến thăm tuần này cũng có khả năng “đổ thêm dầu vào lửa” đối với tình hình khu vực hiện nay.

Trong chuyến thăm Trung Đông của ông Obama, Mỹ cũng có thể thuyết phục Saudi Arabia đàm phán với Iran, làm giảm căng thẳng tại khu vực, trong đó tập trung vào các vấn đề Iraq, Leban, Bahrain và Yemen. Tuy nhiên, các cuộc chiến tại Iraq và Syria sẽ khó có thể kết thúc nếu Iran và Saudi Arabia chưa đạt được thỏa thuận với sự hòa giải của Mỹ. Có thể một ngày nào đó, Saudi Arabia và Iran sẽ tìm thấy tiếng nói chung trong việc chia sẻ Trung Đông, nhưng có lẽ điều đó chỉ trở thành hiện thực nếu Mỹ có hành động như một trọng tài trong vấn đề này.
TTK
Saudi Arabia lạnh nhạt tiếp đón ông Obama
Saudi Arabia lạnh nhạt tiếp đón ông Obama

Truyền thông thế giới đưa tin Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến Saudi Arabia hôm 20/4, nơi chờ đợi ông là cuộc tiếp đón lạnh nhạt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN