Ngày 4/11, hàng nghìn người của cả hai phe Áo Đỏ và Áo Vàng, vốn là kẻ thù của nhau, đã tập trung tại các tuyến phố chính ở trung tâm thủ đô Bangkok của Thái Lan để phản đối việc Hạ viện nước này thông qua dự luật ân xá cho những đối tượng có liên quan tới các vụ bất ổn và đổ máu kể từ năm 2004.Trước đó, hôm 31/10, đã có hàng ngàn người tụ tập trên các đường phố tại Bangkok để phản đối việc Hạ viện chuẩn bị thông qua dự luật ân xá nói trên.
Người biểu tình tại Thái Lan hôm 31/10. Ảnh: Reuters. |
Jintana, 59 tuổi, nhân viên một xưởng phim, nói rằng "Chẳng còn gì để mất nữa. Đằng nào thì chúng tôi cũng sẽ bị đàn áp, vì thế, chúng tôi sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng".
Những người biểu tình phe Áo Vàng, giống như Jintana, đang phản đối những nhà làm luật bởi với việc thông qua dự luật này, họ sẽ giúp cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra thoát khỏi các cáo buộc tham nhũng. Ông Thaksin hiện đang lưu vong ở nước ngoài, bị lật đổ sau một cuộc đảo chính quân sự năm 2006.
Một người biểu tình tên Amy, 40 tuổi nói: "Chúng tôi ghét một chính quyền tham nhũng, và chúng tôi ghét Thaksin Shinawatra".
Trong lúc này, những người của phe kia, phe Áo Đỏ, lại cũng phản đối chính phủ mạnh mẽ, nhưng vì những lý do khác. Họ muốn tìm công lý cho những người đồng đội đã bị sát hại trong cuộc đàn áp năm 2010. Theo phe Áo Đỏ, nếu cứ như thế này, công lý sẽ không bao giờ được thực thi.
Mặc cho làn sóng phản đối lan rộng, khoảng 4 giờ sáng thứ 6, ngày 1/11, đạo luật ân xá đã được Hạ viện Thái Lan thông qua với tỷ lệ ủng hộ gần như tuyệt đối 310 phiếu thuận, 0 phiếu chống, và 4 phiếu trống.
Với nền chính trị Thái Lan, từ lâu người ta đã quen với tình trạng biểu tình. Chính những cuộc biểu tình rầm rộ của phe Áo Vàng đã dẫn tới cuộc đảo chính năm 2006. Và 4 năm sau, trong một cuộc biểu tình tại Bangkok, phe Áo Đỏ đã bị đàn áp thẳng tay, kết quả khiến 80 người chết và khoảng 2.000 người khác bị thương.
Hai phe thù địch "hợp sức" chống chính phủVà giờ đây, dường như giữa hai phe Áo Đỏ và Áo Vàng lại đang hình thành một "liên minh" chống lại Dự luật Ân xá. Phe Áo Vàng, là tập hợp của những người phe bảo hoàng và chủ nghĩa dân tộc dưới ngọn cờ Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD), lo lắng về "sự trở về báo oán" của Thaksin. Còn phe Áo Đỏ, được biết đến là Mặt trận Dân chủ chống Độc tài (UDD), muốn những người gây ra vụ đổ máu năm 2010 phải chịu trách nhiệm.
Dường như giữa hai phe Áo Đỏ và Áo Vàng lại đang hình thành một liên minh chống lại Dự luật Ân xá. Ảnh: AP |
Năm 2011, chính nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của phe Áo Đỏ mà bà Yingluck Shinawatra, em gái của ông Thaksin, được bầu làm Thủ tướng Thái Lan. Giờ đây, những người Áo Đỏ vẫn đòi bồi thường cho những nạn nhân bị đàn áp năm 2010. Các cuộc tấn công đàn áp bởi lực lượng quân sự do Abhisit Vejjajiva, thuộc đảng PAD, lúc đó là thủ tướng, trực tiếp chỉ đạo. Thitinan Pongsudhirak, giáo sư chính trị thuộc Đại học Chulalongkorn nhận xét "Họ (những người Áo Đỏ) muốn đòi công lý cho những người thân yêu đã bị giết hại".
Còn Pavin Chachavalpongpun, Phó giáo sư thuộc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á - Đại học Kyoto nhận xét: Dự luật Ân xá dường như là cái đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài chôn hy vọng của họ. Abhisit và sau đó là Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban đã bị cáo buộc giết người nhưng sẽ không bị xét xử, đồng thời UDD cũng tức giận cho rằng đảng Phue Thai (Đảng Vì nước Thái) đang "dẫm đạp lên xác phe Áo Đỏ để mở đường cho ông Thaksin trở về".
Thậm chí ngay cả trong đảng Pheu Thai, 4 nghị sĩ cũng đã phải đấu tranh lương tâm, sau đó chọn cách vắng mặt tại buổi bỏ phiếu, trong đó có cả Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác Nattawut Saikua. "Đây là bước ngoặt của phe Áo Đỏ", Thitinan nhận xét. Sau khi đoàn kết hất cẳng Đảng Dân chủ đối lập trong kỳ bỏ phiếu năm 2011, giờ đây, giữa UDD và đảng Pheu Thai bắt đầu xuất hiện một hố sâu ngăn cách. Thitinan dự báo: "Trong tương lai, Dự luật này sẽ gây khó khăn hơn cho việc hòa hợp người Thái".
Thêm nữa, việc những tù nhân chính trị của phe Áo Đỏ đang chịu án tù vì tội khi quân có thể bị loại ra khỏi diện ân xá cũng như "đổ thêm dầu vào lửa".